TÍNH CHÍNH DANH CỦA HIẾN PHÁP

Hiến pháp của dân: Chủ quyền tối thượng thuộc về nhân dân

- Thứ Sáu, 29/11/2013, 08:44 - Chia sẻ
Người ta kể, bà mẹ của cậu bé da đen Barack Obama từng đem Hiến pháp ra đọc và kể cho con, cậu bé mà sau này trở thành Tổng thống Hoa Kỳ hiện hành. Câu chuyện này và những câu chuyện khác cho thấy, ở nhiều nước như Mỹ, Hiến pháp vừa mang tính chất thiêng liêng, đồng thời gần gũi với người dân, được người dân coi là “của chúng ta”.

Hiến pháp Mỹ với dòng đầu tiên Chúng tôi, nhân dân của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ
Nhiều bản Hiến pháp trên thế giới bắt đầu với cụm từ “Chúng ta, nhân dân…[tên nước]”. Cấu trúc này xuất phát từ Hiến pháp Mỹ: “Chúng ta, nhân dân Hợp chủng quốc Hoa Kỳ…”. Lời nói đầu tuyên bố “nhân dân” là người lập ra Hiến pháp, nhấn mạnh Hiến pháp này là của nhân dân. Bình luận về Lời nói đầu của Hiến pháp Mỹ, một tác giả viết: “Những từ đó (chúng ta, nhân dân) nói được nhiều hơn bất kỳ ba hay ba mươi từ nào trong toàn bộ bản văn Hiến pháp. Đó không phải là những từ có hiệu lực trực tiếp, chúng không thiết lập một cấu trúc nào, nhưng chúng lại có tính trao quyền, có tính tạo điều kiện, và chúng gửi một thông điệp rất mạnh mẽ đến nhân dân về bản chất của xã hội mà Hiến pháp muốn mô tả”. Lời nói đầu như vậy có giá trị biểu tượng rất cao, tạc nên chân dung của một xã hội đồng lòng – nền tảng cho bất kỳ trật tự hiến pháp nào muốn trường tồn, mặc dù các thành viên của xã hội có thể có những quan điểm, cái nhìn, nguyện vọng khác nhau.

Không những thế, như một tác giả khác đến từ Nam Phi nhấn mạnh, “Hiến pháp là sự thể hiện ý chí của cả dân tộc. Đó là sự phản ánh lịch sử, những nỗi lo ngại, mối quan tâm, nguyện vọng, tầm nhìn, và quả thật, soi rọi tâm hồn của dân tộc đó. Một bản Hiến pháp buộc phải tìm ra mong muốn của đa số công dân, nhưng khi làm điều đó, phải tính đến những nỗi lo ngại, mối quan tâm của các nhóm thiểu số. Đồng thời, Hiến pháp là một bản văn mà trong đó các nhóm khác nhau trong xã hội gắn kết với nhau để bảo vệ nền dân chủ. Vì vậy, toàn thể công dân cần phải được hưởng quyền sở hữu Hiến pháp, tôn trọng, kính trọng Hiến pháp”.

Làm cho từng người mẹ, cậu bé cảm nhận Hiến pháp như là điều gì đó vừa thiêng liêng, vừa gần gũi, “của mình” qua tinh thần, nội dung, qua cách thể hiện ngay trong bản Hiến pháp có lẽ vẫn chưa đủ. Như thực tiễn ở nhiều nước cho thấy, người dân cảm nhận thấy đó là Hiến pháp của mình, khi họ có thể sử dụng Hiến pháp do chính mình làm ra và chuẩn y để bảo vệ các quyền và tự do của mình, bảo vệ nền dân chủ. Có nghĩa là Hiến pháp cần được thiết kế để nhân dân ủy quyền mà vẫn không mất quyền.

Chẳng hạn, ở Mỹ, người da đen từng phải làm nô lệ do pháp luật, nhưng cũng được giải phóng nhờ Hiến pháp, bị tước quyền và phân biệt đối xử do pháp luật, nhưng cũng giành được quyền bình đẳng nhờ Hiến pháp. Sở dĩ có sự đổi thay như vậy nhờ công lao của những người không chịu bằng lòng với những quan niệm lỗi thời về “tự do”, “công bằng”, “bình đẳng”, những ai đấu tranh làm cho các khái niệm đó tốt hơn. Mỗi người dân đều cảm thấy, đó chính là Hiến pháp “của mình” nhờ liên tục được bảo vệ bởi Hiến pháp và tiếng nói của họ làm Hiến pháp phát triển.

Chính vì tính chất “của nhân dân” này, ghi nhận và thể hiện ý chí, chủ quyền tối thượng của nhân dân, mà ở rất nhiều nước, Tòa án Tối cao, nhất là Tòa án Hiến pháp với nhiều nhất là 19 người, thường là chưa đến 10 người, nhưng lại có quyền vô hiệu hóa cả những quy phạm do nghị viện, với hàng trăm con người cũng nhận được sự ủy quyền của cử tri, đặt ra. Sự ủy quyền của cử tri cho các nghị sỹ là có thời hạn, trong khi chủ quyền nhân dân được ghi nhận trong Hiến pháp là vô hạn, do đó, nếu luật của nghị viện ban hành mà trái với Hiến pháp thì cũng phải vô hiệu hóa theo phán quyết của Tòa án - thiết chế được Hiến pháp trao thẩm quyền làm điều đó. Như vậy, tính chất “của nhân dân” là cơ sở vững chắc tạo ra tính chính danh của Hiến pháp.

Lê Anh