HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế giám sát việc thực hiện các năm doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh

Bài cuối: Tăng cường phối hợp trong giải phóng mặt bằng

- Thứ Hai, 10/08/2020, 06:50 - Chia sẻ
Trên cơ sở xem xét báo cáo giám sát, Kỳ họp thứ 10, HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế Khóa VII đã thông qua nghị quyết về kết quả thực hiện các năm doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh trên địa bàn. Bên cạnh đẩy mạnh tuyên truyền, xúc tiến, kêu gọi đầu tư, Nghị quyết HĐND yêu cầu UBND tỉnh tiếp tục quyết liệt chỉ đạo, tập trung công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; tăng cường phối hợp với các cấp, các ngành giải quyết vướng mắc trong giải phóng mặt bằng; định kỳ tổ chức đối thoại tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến hoạt động đầu tư sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp…

Bồi thường, giải phóng mặt bằng vẫn còn kéo dài

Bên cạnh những kết quả đạt được đáng ghi nhận, Đoàn giám sát HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế cũng thẳng thắn nhìn nhận việc triển khai thực hiện các năm doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều hạn chế cần giải pháp khắc phục. Đó là, thời gian thực hiện các thủ tục của một dự án ngoài ngân sách vẫn còn chậm, kéo dài bình quân khoảng 9 - 12 tháng kể từ khi cấp quyết định chủ trương đầu tư đến khi được cấp phép khởi công. Một trong những nút thắt về thủ tục được nhiều doanh nghiệp quan tâm, đề nghị tháo gỡ, đó là thủ tục cấp phép xây dựng, chủ trương chuyển loại rừng, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, giải phóng mặt bằng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất... 

Kỳ họp thứ 10, HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế thông qua Nghị quyết về tình hình thực hiện các năm doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh

Về nhân lực, trình độ, năng lực bộ phận công chức làm công tác giải quyết thủ tục hành chính cho doanh nghiệp, nhà đầu tư còn hạn chế. Phần lớn doanh nghiệp đều không hoàn thành được việc đăng ký khi đi làm lần đầu, mà phải làm lại lần 2, lần 3 nên rất mất thời gian. Việc phối hợp giữa các sở, ngành, địa phương trong một số trường hợp vẫn thiếu sự nhất quán trong giải quyết các vấn đề liên quan đến công tác chuẩn bị đầu tư, thủ tục liên quan đến đất đai, vấn đề tài chính của doanh nghiệp. Quá trình lấy ý kiến góp ý của các cơ quan chuyên môn để hoàn thiện thông tin kêu gọi đầu tư, các ngành vẫn chưa coi trọng việc góp ý, cung cấp thông tin để hoàn chỉnh thông tin, khiến quá trình nghiên cứu đầu tư một số dự án kéo dài.

Một vấn đề nữa là công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng thực hiện nhiều công trình, dự án trên địa bàn vẫn còn kéo dài. Các dự án thuộc đối tượng phải thực hiện thỏa thuận để bồi thường giải phóng mặt bằng giữa nhà đầu tư và người dân bị ảnh hưởng không có tiếng nói chung, làm dự án kéo dài; đồng thời, Nhà nước chưa ban hành cơ chế, quy trình hướng dẫn thực hiện liên quan đến việc thỏa thuận bồi thường đối với dự án phải thực hiện thỏa thuận nên khi nhà đầu tư triển khai trên thực địa gặp rất nhiều khó khăn. Đơn cử như dự án Khu nghỉ dưỡng Lộc Bình, dự án Khu du lịch sinh thái biển Hải Dương, dự án Hue Spirit Sanctuary...

Giai đoạn 2016 - 2020, HĐND tỉnh đã thông qua nhiều chính sách hỗ trợ trực tiếp cho các doanh nghiệp trên địa bàn, song số lượng doanh nghiệp được tiếp cận còn khá ít. Việc tiếp cận vốn vay ưu đãi, bảo lãnh tín dụng của tỉnh cũng còn gặp nhiều khó khăn. Hạ tầng kỹ thuật tại các Khu kinh tế, Khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn tuy được đầu tư các hạng mục thiết yếu nhưng kết cấu hạ tầng còn thiếu đồng bộ. Hiện nay, chỉ có KCN Phú Bài giai đoạn 1, 2 có nhà máy xử lý nước thải; các KCN, CCN còn lại chưa được đầu tư xây dựng nhà máy xử lý nước thải tập trung…

Quyết liệt chỉ đạo cải cách hành chính

Trên cơ sở xem xét báo cáo giám sát, Kỳ họp thứ 10, HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế Khóa VII đã thông qua nghị quyết về tình hình kết quả thực hiện các năm doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh trên địa bàn. Nghị quyết HĐND yêu cầu UBND tỉnh tập trung tăng cường và nâng cao chất lượng tuyên truyền, phổ biến, đẩy mạnh công tác xúc tiến, kêu gọi, thu hút các tập đoàn, doanh nghiệp lớn đầu tư vào các lĩnh vực ưu tiên, thế mạnh, nhất là lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hàng hóa theo chuỗi giá trị.

Bên cạnh đó, tiếp tục quyết liệt chỉ đạo, tập trung công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nhất là trong các lĩnh vực thuế, hải quan, đất đai, xây dựng, đăng ký kinh doanh. Rà soát, cắt giảm các quy trình, thủ tục hành chính, phát huy hơn nữa hiệu quả mô hình một cửa liên thông, ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính; phát huy sức mạnh của chính quyền điện tử nhằm hỗ trợ tối đa cho các nhà đầu tư, các doanh nghiệp, tạo môi trường kêu gọi, xúc tiến đầu tư. Bố trí cán bộ, công chức có trình độ chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp tiếp nhận và giải quyết hồ sơ. Nghiên cứu thành lập tổ công tác hỗ trợ doanh nghiệp hoàn thiện hồ sơ đăng ký và thực hiện dự án. Nghị quyết HĐND cũng nhấn mạnh việc tăng cường phối hợp với các cấp, các ngành nhằm đạt hiệu quả cao trong giải phóng mặt bằng, tạo mặt bằng sạch cho nhà đầu tư. Rà soát, đánh giá tình hình hoạt động đối với các dự án được Nhà nước cho thuê đất trên địa bàn.

HĐND yêu cầu UBND tỉnh chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp rà soát, đánh giá tình hình hoạt động của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Khẩn trương rà soát, điều chỉnh quy trình, thủ tục, điều kiện, hồ sơ liên quan đến các chính sách đã được HĐND tỉnh ban hành. Chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp định kỳ tổ chức đối thoại, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc liên quan đến hoạt động đầu tư sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Cân đối, bố trí kinh phí đầu tư hệ thống hạ tầng giao thông, điện nước đến chân hàng rào các KCN, xây dựng hệ thống xử lý nước thải tại các KCN, CCN giai đoạn 2021 - 2025. Chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường sớm hoàn thành cơ sở dữ liệu về đất đai đối với các địa điểm thu hút, ưu đãi đầu tư trên địa bàn tỉnh…

HÀ VĂN