HĐND tỉnh Thái Nguyên phát huy dân chủ và trí tuệ của đại biểu

- Thứ Ba, 19/07/2011, 07:06 - Chia sẻ
CHỦ TỊCH HĐND TỈNH THÁI NGUYÊN VŨ HỒNG BẮC cho biết: Trên cơ sở kế thừa những thành tựu của khóa trước, HĐND sẽ hoạt động theo định hướng của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh: phát huy dân chủ và trí tuệ của đại biểu để xây dựng những cơ chế, chính sách phù hợp, nhằm thu hút đầu tư, phát triển kinh tế, văn hóa… và bảo đảm an sinh xã hội.

- Một trong những nhiệm vụ quan trọng của HĐND các cấp hiện nay là xây dựng một chương trình hoạt động phù hợp cho cả nhiệm kỳ. Căn cứ vào yêu cầu cụ thể của địa phương, Chương trình hoạt động của HĐND tỉnh Thái Nguyên nhiệm kỳ này sẽ tập trung vào những nội dung gì, thưa Chủ tịch?

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên lần thứ XVIII xác định mục tiêu tổng quát là phát huy dân chủ, tập trung trí tuệ, huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tạo tiền đề vững chắc để Thái Nguyên trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại trước năm 2020 và là một trong những trung tâm kinh tế, văn hóa, y tế, đào tạo của cả nước. Để HĐND hoạt động hiệu quả theo định hướng đó, trên cơ sở kế thừa những thành tựu của HĐND khóa trước, căn cứ vào thực tiễn của địa phương, HĐND tỉnh Khóa XII sẽ nghiên cứu và vận dụng sáng tạo cơ chế, chính sách của Nhà nước để xây dựng các nghị quyết có tính khả thi cao, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân. Trong đó quan tâm xây dựng cơ chế, chính sách để thu hút đầu tư; quy hoạch và thực hiện quy hoạch; phát triển các khu, cụm công nghiệp; phát triển hạ tầng cơ sở, hạ tầng giao thông; đầu tư xây dựng và phát triển đô thị; phát triển nguồn nhân lực; đặc biệt là thực hiện 5 chương trình, 16 đề án và 45 công trình trọng điểm theo Nghị quyết Đảng bộ tỉnh đề ra.

Về giám sát, HĐND tỉnh sẽ lựa chọn những nội dung trọng tâm, trọng điểm, những vấn đề bức xúc trong đời sống xã hội mà cử tri và nhân dân quan tâm để kịp thời cùng với chính quyền các cấp tháo gỡ vướng mắc, khó khăn trong quá trình phát triển KT - XH của địa phương. Đặc biệt, chú trọng giám sát việc thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát, duy trì tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội; tiến độ thực hiện các chương trình, dự án, công trình trọng điểm; hiệu quả sử dụng các nguồn lực, nhất là cơ sở vật chất, các công trình đã hoàn thành; công tác thu, chi, sử dụng ngân sách; công tác quản lý tài nguyên khoáng sản và tài nguyên đất; cải cách hành chính, thu hút đầu tư; khắc phục và xử lý ô nhiễm môi trường, đặc biệt là ở các khu, cụm công nghiệp; kết quả thực hiện các chương trình, mục tiêu Quốc gia trên địa bàn…

- Bước vào nhiệm kỳ mới, cử tri kỳ vọng rất nhiều vào cơ quan đại diện của mình. Điều này đặt ra cho HĐND tỉnh trách nhiệm nặng nề hơn, thưa Chủ tịch?

Nhiệm kỳ 2004 - 2011, HĐND tỉnh Thái Nguyên Khóa XI đã có nhiều đổi mới nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động và đã hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ của địa phương, được cử tri và nhân dân tin tưởng. Những thành tựu đó là tiền đề vững chắc để HĐND khóa mới tiếp tục phát huy vị thế của mình, đồng thời cũng đặt ra sự cần thiết phải tiếp tục đổi mới để nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả hoạt động trên các lĩnh vực, từ quyết định các vấn đề quan trọng đến giám sát việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển của địa phương…

Ngay từ Kỳ họp thứ Nhất, HĐND tỉnh Khóa XII đã được kiện toàn về tổ chức, bộ máy. Hầu hết đại biểu có trình độ chuyên môn cao, nhiều đại biểu giữ vị trí quan trọng trong các cơ quan Đảng, chính quyền các cấp; đại biểu trẻ tuổi chiếm tỷ lệ cao. Thường trực, lãnh đạo chuyên trách các ban HĐND hầu hết là đại biểu tái cử, có kinh nghiệm tổ chức hoạt động của cơ quan dân cử. Số lượng đại biểu chuyên trách tăng thêm. Đặc biệt, Chủ tịch, Phó chủ tịch, ủy viên Thường trực và lãnh đạo các ban đều được bố trí hoạt động chuyên trách. Đây là lợi thế rất lớn cho hoạt động của HĐND nhiệm kỳ này.

Thuận lợi là cơ bản, nhưng trong điều kiện đa số đại biểu HĐND lần đầu tham gia hoạt động cơ quan dân cử, cơ chế, chính sách đối với hoạt động của HĐND tuy đã được sửa đổi, bổ sung, nhưng vẫn chưa hoàn chỉnh, nhất là những chế tài bắt buộc để nâng cao hiệu quả giám sát của HĐND… Thường trực, các ban, đại biểu HĐND phải nỗ lực rất nhiều để HĐND sớm bắt nhịp và tiếp tục phát huy thành quả của khóa trước, đáp ứng kỳ vọng của cử tri. Bên cạnh tăng cường tổ chức tập huấn, trao đổi kinh nghiệm, nâng cao kỹ năng hoạt động cho đại biểu, Thường trực HĐND sẽ tiếp tục đổi mới phương pháp tổ chức kỳ họp, quan tâm hơn nữa đến công tác giám sát, tăng cường liên hệ với cử tri để kịp thời ghi nhận những đóng góp thiết thực cho hoạt động của cơ quan dân cử.

- Kỳ họp đầu tiên bàn thảo, quyết định các vấn đề quan trọng của địa phương, HĐND khóa mới có phát huy được trí tuệ của từng đại biểu?

Để bảo đảm kết quả kỳ họp giữa năm với nhiều nội dung quan trọng, thường trực HĐND đã tạo điều kiện để các đại biểu sớm “nhập cuộc” phát huy thế mạnh trong quá trình bàn thảo, quyết định những vấn đề quan trọng của địa phương. Cụ thể, Thường trực HĐND đã tổ chức họp liên tịch sớm, thống nhất dự kiến chương trình kỳ họp để các cơ quan, đơn vị liên quan chủ động chuẩn bị tài liệu phục vụ, đồng thời tích cực đôn đốc quá trình thực hiện. Vì vậy, những nội dung trình kỳ họp đều được UBND tỉnh và các cơ quan chuyên môn chuẩn bị kỹ, như tổ chức lấy ý kiến của các cơ quan, đơn vị và đối tượng chịu tác động của chính sách; thẩm định của Sở Tư pháp về tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất của các văn bản. Thường trực, các ban HĐND tỉnh còn tích cực tham gia và đóng góp ý kiến tại các hội nghị lấy ý kiến vào các đề án, dự thảo nghị quyết do UBND tỉnh tổ chức, tạo sự thống nhất cao trong quyết định và chỉ đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ phát triển KT - XH…

Đặc biệt, công tác thẩm tra của các ban HĐND được thực hiện tích cực, chủ động với tinh thần trách nhiệm cao. Báo cáo thẩm tra thể hiện rõ chính kiến của các ban với lập luận thuyết phục, đồng thời đề xuất nhiều giải pháp thiết thực, làm căn cứ quan trọng để đại biểu, nhất là những đại biểu lần đầu tham gia hoạt động cơ quan dân cử thảo luận và quyết định. Tại các phiên thảo luận, Thường trực HĐND điều hành phát huy dân chủ, gợi mở nhiều nội dung đại biểu cần tập trung bàn thảo nhằm phát huy trí tuệ tập thể, từ đó nâng cao chất lượng các quyết sách của HĐND.

- Khởi đầu một nhiệm kỳ mới với những thuận lợi và cũng không ít khó khăn, Chủ tịch thấy cần phải đặc biệt quan tâm những vấn đề gì để hoạt động của HĐND thực sự hiệu quả?

Điều cần quan tâm nhiều nhất là chất lượng hoạt động của đại biểu. Hiệu quả hoạt động của HĐND phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó năng lực hoạt động và tinh thần trách nhiệm của đại biểu là yếu tố quyết định. Đại biểu HĐND là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân nên mọi hoạt động phải hướng đến việc bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân. Tuy nhiên để làm được điều đó, ngay từ đầu nhiệm kỳ, đại biểu HĐND phải không ngừng học tập, nâng cao trình độ về mọi mặt, đặc biệt là kiến thức pháp luật, kỹ năng nắm bắt và xử lý thông tin; đồng thời nắm vững chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước để góp phần quyết định các chính sách của địa phương, nhằm phát triển kinh tế bền vững, gắn với an sinh xã hội, đáp ứng nguyện vọng chính đáng của cử tri.

- Xin cám ơn Chủ tịch!

Nguyên Nhung thực hiện