HĐND nhiều tỉnh, thành phố khai mạc kỳ họp giữa năm

- Thứ Sáu, 10/07/2020, 09:12 - Chia sẻ
Ngày 9.7, HĐND thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Hà Giang, Hưng Yên, Lai Châu, Bạc Liêu, Lào Cai, An Giang, Cà Mau, Đồng Tháp, Trà Vinh, Phú Yên đã khai mạc kỳ họp giữa năm 2020.

TP Hồ Chí Minh: Báo cáo kết quả xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) giai đoạn 2017 - 2019 và các giải pháp thực hiện trong năm 2020 của UBND thành phố trình tại Kỳ họp thứ 20, HĐND thành phố Khóa IX cho thấy: Thành phố đã và đang nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh nhưng sự chuyển biến chưa thật sự mạnh mẽ. Giai đoạn 2017 - 2019, PCI có sự thay đổi từ hạng 8 sang hạng 14; điểm số đều tăng hàng năm và tăng từ 65,19 điểm thành 67,16 điểm. Nhìn chung, các chỉ số thành phần của PCI có tăng nhưng không nhiều (1,97 điểm trong 3 năm), trong khi các tỉnh thành khác có sự tăng mạnh về điểm số. Năm 2019, thành phố đã chuyển từ nhóm các tỉnh thành có chỉ số PCI “khá” thành nhóm “tốt”.

Nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, môi trường đầu tư, nâng cao chỉ số PCI, trong năm 2020, UBND thành phố áp dụng tối đa việc ứng dụng công nghệ thông tin để mở rộng các lĩnh vực dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp; nâng cao hơn nữa chất lượng các dịch vụ, đặc biệt là dịch vụ công với thủ tục đơn giản, rút ngắn thời gian. Đồng thời, tăng cường tiếp xúc, nắm bắt và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhất là khó khăn về vốn, mặt bằng và đổi mới công nghệ, đầu tư chiều sâu để tăng năng lực sản xuất; tập trung kết nối doanh nghiệp sản xuất với doanh nghiệp sản xuất, doanh nghiệp sản xuất với nhà phân phối, kết nối doanh nghiệp thành phố với doanh nghiệp các địa phương trong và ngoài nước, nhằm hình thành các mối quan hệ hợp tác kinh doanh…

Hà Giang: Phát biểu khai mạc Kỳ họp thứ 14, HĐND tỉnh Khóa XVII, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thào Hồng Sơn đề nghị các đại biểu phát huy tinh thần trách nhiệm, tập trung trí tuệ, dành thời gian nghiên cứu, thảo luận kỹ lưỡng, đóng góp nhiều ý kiến có chất lượng. Đồng thời, mong muốn cử tri và nhân dân các dân tộc trong tỉnh quan tâm theo dõi, giám sát hoạt động của kỳ họp.

Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm của UBND tỉnh trình tại kỳ họp cho thấy: Kinh tế - xã hội của tỉnh 6 tháng đầu năm đạt được nhiều thành công nhất định. Trong đó, tổng sản phẩm tăng trưởng trên địa bàn ước đạt 5.943,9 tỷ đồng, tăng 0,43% so với cùng kỳ; thu ngân sách đạt 980 tỷ đồng, đạt 51,1% dự toán; chỉ đạo triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ xây dựng NTM bảo đảm thực chất, hiệu quả, không chạy theo thành tích; chỉ đạo tập trung nguồn lực bảo đảm hoàn thành xây dựng 5 xã đạt chuẩn NTM trong năm 2020. Tỉnh đã hoàn thành trình thẩm định phê duyệt lập nhiệm vụ quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045; hoàn thành Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung đô thị Hà Giang, tỉnh Hà Giang đến năm 2035… Tuy nhiên, 7 chỉ tiêu đánh giá thường kỳ đạt dưới 50%; các hoạt động sản xuất công nghiệp, xây dựng, thương mại, du lịch, vận tải đình trệ…

Để hoàn thành tốt các mục tiêu đề ra, thời gian tới, Hà Giang sẽ xác định những ngành, lĩnh vực kết quả đạt thấp để tập trung chỉ đạo trong 6 tháng cuối năm, phấn đấu hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020; kiên định các giải pháp bảo đảm mục tiêu tăng trưởng kinh tế đạt 7% năm 2020. Trong đó, tập trung chỉ đạo, kiểm tra, thúc đẩy sản xuất nông, lâm nghiệp; tạo điều kiện thuận lợi, đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư trọng điểm trong và ngoài ngân sách nhà nước; quyết liệt đôn đốc đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn đầu tư công; thực hiện các giải pháp kích cầu, khôi phục hoạt động du lịch…

Hưng Yên: Theo Báo cáo của UBND tỉnh, 6 tháng đầu năm, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng 6,83%; giá trị sản xuất công nghiệp, xây dựng tăng 7,38%; thu ngân sách đạt 6.611,8 tỷ đồng, đạt 44,5% kế hoạch, giảm 1,5%. Các hoạt động quản lý tài nguyên môi trường, KHCN được tăng cường; hệ thống hạ tầng giao thông tiếp tục được đầu tư phát triển; cải cách hành chính có nhiều tiến bộ… Tuy nhiên, việc ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp còn chậm; số lượng dự án thu hút đầu tư giảm so với cùng kỳ; tiến độ thi công một số dự án xây dựng công trình còn chậm do chậm giải phóng mặt bằng; tình trạng ô nhiễm môi trường vẫn diễn biến phức tạp…

Những tháng cuối năm, UBND tỉnh sẽ triển khai đồng bộ, quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới, nỗ lực phấn đấu hoàn thành cao nhất mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 đã đề ra. Trong đó, tập trung khai thác tốt các nguồn thu, bảo đảm thu đúng, thu đủ, kịp thời vào ngân sách nhà nước; đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp, xây dựng mối liên kết “4 nhà”, tăng cường xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường, khuyến khích các đơn vị tham gia liên kết. Đồng thời, cải thiện môi trường, đẩy mạnh thu hút đầu tư; theo dõi chặt tình hình giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công của các dự án, kịp thời điều chỉnh kế hoạch vốn từ các dự án giải ngân chậm sang các dự án có nhu cầu bổ sung vốn…

Lai Châu: Phát biểu khai mạc Kỳ họp thứ 14, HĐND tỉnh Khóa XIV, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Vũ Văn Hoàn nhấn mạnh: 6 tháng đầu năm, các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội được triển khai kịp thời, toàn diện và đạt kết quả tích cực; tập trung quyết liệt vừa phòng, chống dịch vừa phát triển kinh tế - xã hội; tập trung chỉ đạo thực hiện các chỉ tiêu sản xuất nông nghiệp, duy trì ổn định hoạt động thương mại, dịch vụ, đáp ứng nhu cầu sản xuất và tiêu dùng của nhân dân, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hợp tác xã… Tuy nhiên, nhiều chỉ tiêu giảm so với cùng kỳ năm trước, sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn, thu ngân sách trên địa bàn đạt thấp; chất lượng giáo dục ở vùng sâu, vùng xa còn hạn chế; an ninh trật tự ở một số địa bàn còn tiềm ẩn phức tạp… Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận, đánh giá toàn diện, sâu sắc kết quả, hạn chế, khó khăn, nguyên nhân chủ quan; đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp thiết thực, hiệu quả để thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu, kế hoạch đã đề ra năm 2020.

Tại kỳ họp này, HĐND tỉnh xem xét, thảo luận, quyết định ban hành các nghị quyết về tiếp tục hỗ trợ tiền ăn cho học sinh tiểu học, trung học cơ sở ở các xã khu vực II không được hưởng chế độ theo Nghị định số 116/2016/NĐ-CP của Chính phủ; mức hỗ trợ tiền ăn trưa cho trẻ em từ 24 tháng tuổi đến dưới 36 tháng tuổi trên địa bàn tỉnh; quy định chức danh, số lượng, mức phụ cấp, chế độ chính sách đối với người hoạt động không chuyên trách và các chức danh khác ở cấp xã, thôn, bản, tổ dân phố...

Bạc Liêu: Phát biểu khai mạc Kỳ họp thứ 14, HĐND tỉnh Khóa IX, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Thị Ái Nam nhấn mạnh: 6 tháng đầu năm 2020, tỉnh triển khai thực hiện nhiệm vụ trong điều kiện thuận lợi, khó khăn, thách thức đan xen. Thời tiết hạn hán kéo dài, tình hình xâm nhập mặn gay gắt, nhất là đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nên tăng trưởng kinh tế của tỉnh chỉ đạt 3,06%, thấp nhất từ đầu nhiệm kỳ đến nay. Đáng lưu ý, trong 20 chỉ tiêu Nghị quyết HĐND tỉnh giao, có một số chỉ tiêu chưa đạt, hoặc đạt thấp. Đây cũng là những vấn đề đặt ra cho kỳ họp phải xem xét, thảo luận, tìm ra nguyên nhân và giải pháp cụ thể, khả thi để khắc phục và đẩy nhanh hơn nữa tiến độ thực hiện để các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng cuối năm đạt kế hoạch.

Báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2020 và kế hoạch phát triển 6 tháng cuối năm của UBND tỉnh nhấn mạnh: Tăng trưởng kinh tế của Bạc Liêu tuy thấp hơn kịch bản đề ra đầu năm nhưng vẫn xếp thứ 3/13 tỉnh, thành khu vực (đứng sau tỉnh Đồng Tháp và Trà Vinh). Mặc dù hạn hán, xâm nhập mặn hết sức gay gắt nhưng sản lượng tôm, lúa và muối đều tăng so với cùng kỳ. Đặc biệt, các dự án năng lượng tiếp tục phát triển mạnh mẽ như: Dự án Nhiệt điện LNG được cấp quyết định chủ trương đầu tư với mức vốn đăng ký 4 tỷ USD; Dự án điện gió tiếp tục triển khai khẩn trương, dự kiến 2 dự án sẽ hoàn thành vào năm 2021…

Lào Cai: Tại Kỳ họp thứ 14, HĐND tỉnh Khóa XV, theo đánh giá của các Ban HĐND tỉnh qua thẩm tra tình hình thực hiện các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ, giải pháp những tháng cuối năm: Để bảo đảm duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh và an sinh xã hội, tỉnh đã triển khai tốt các cơ chế, chính sách của Chính phủ hỗ trợ người dân và các cơ sở sản xuất, kinh doanh bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; UBND tỉnh đã trình HĐND tỉnh ra nghị quyết về miễn giảm một số loại phí thuộc thẩm quyền của HĐND tỉnh để hỗ trợ sản xuất, kinh doanh và kích cầu du lịch. Trong số 26 chỉ tiêu tổng hợp có 11/26 chỉ tiêu đạt trên 50% kế hoạch, 9 chỉ tiêu đạt dưới 50% kế hoạch, 6 chỉ tiêu so sánh cuối năm. Đặc biệt, tăng trưởng kinh tế đạt 6,08% là mức cao so với bình quân cả nước… Tuy nhiên, tình hình tội phạm tuy giảm nhưng vẫn diễn biến phức tạp, nhất là tội phạm ma túy, lừa đảo, chiếm đoạt tài sản; tình hình khiếu nại, tố cáo vẫn diễn biến phức tạp ở một số địa phương; tình trạng tảo hôn và hôn nhân cùng huyết thống trong đồng bào dân tộc thiểu số tăng so với cùng kỳ.

Các Ban HĐND tỉnh thống nhất với những nhận định, dự báo tình hình thực hiện các mục tiêu, kế hoạch và nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm 6 tháng cuối năm như Báo cáo của UBND tỉnh. Đồng thời, đề nghị UBND tỉnh tiếp tục duy trì, thực hiện tốt công tác phòng chống dịch Covid-19 gắn với chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội; đẩy nhanh tiến độ hỗ trợ cho các đối tượng còn lại theo Nghị quyết 42 của Chính phủ; đẩy nhanh tiến độ các dự án quan trọng; tập trung giải quyết dứt điểm những vấn đề tồn tại về ô nhiễm môi trường, giải phóng mặt bằng, quản lý đất đai, tài nguyên khoáng sản…

An Giang: Thảo luận tại Kỳ họp thứ 15, HĐND tỉnh Khóa IX, các đại biểu ghi nhận: 6 tháng đầu năm, tăng trưởng kinh tế (GRDP) của tỉnh tăng khoảng 1,96%, đứng thứ 5 so với các tỉnh trong vùng đồng bằng sông Cửu Long; sản xuất nông nghiệp diễn biến khá thuận lợi, lúa vụ đông xuân trúng mùa, được giá; kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 447,5 triệu USD, tăng 3,36% so với cùng kỳ. Các chính sách an sinh xã hội được tập trung chăm lo đầy đủ, kịp thời… Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế của tỉnh thấp hơn nhiều so với các năm gần đây; hầu hết các lĩnh vực thương mại, dịch vụ, văn hóa bị đình trệ, thu ngân sách giảm so với cùng kỳ; thời tiết diễn biến phức tạp, sạt lở bờ sông tiếp tục xảy ra và nguy cơ hạn hán, xâm nhập mặn ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống người dân.

Những tháng cuối năm, các đại biểu đề nghị UBND tỉnh tập trung thực hiện nghị quyết của Tỉnh ủy về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; thường xuyên cập nhật tình hình xuất khẩu các mặt hàng chủ lực của tỉnh, khuyến cáo và có biện pháp hỗ trợ xuất khẩu; kịp thời nắm bắt và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của cơ sở sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp bị ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19. Bên cạnh đó, tập trung tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công; tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình; tập trung thực hiện các giải pháp cải thiện các chỉ tiêu, chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh…

Cà Mau: Tại Kỳ họp thứ 12, HĐND tỉnh Khóa IX, các đại biểu ghi nhận: 6 tháng đầu năm, một số chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh giữ mức tăng trưởng khá so với cùng kỳ. Trong đó, tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 6.140 tỷ đồng, tăng 3,3%; thu ngân sách tăng 17,06%, chi ngân sách tăng 19,17% so với cùng kỳ. Công tác xây dựng NTM được chú trọng, toàn tỉnh có 34/82 xã đạt chuẩn NTM… Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng chỉ tăng 1,6%; kim ngạch xuất khẩu đạt 31,2% kế hoạch, giảm 12,2%; khách du lịch giảm 26,6% và doanh thu du lịch giảm 35,1% so với cùng kỳ; tình trạng sạt lở đất, sụp lún lộ giao thông xảy ra một số nơi gây ảnh hưởng lớn đến sản xuất, đời sống người dân; tình trạng ô nhiễm môi trường còn diễn ra ở nhiều nơi…

Những tháng cuối năm, UBND tỉnh sẽ có biện pháp cụ thể hỗ trợ doanh nghiệp và nhân dân khôi phục sản xuất các sản phẩm chủ lực; đẩy mạnh áp dụng khoa học, kỹ thuật để tăng năng suất, sản lượng một số sản phẩm có cơ hội phát triển sau dịch bệnh; khẩn trương thực hiện các biện pháp kích cầu du lịch, hỗ trợ các hoạt động dịch vụ liên quan. Bên cạnh đó, khai thác hiệu quả các nguồn thu để tăng thu ngân sách; cắt giảm các khoản chi chưa thực sự cần thiết, đề xuất điều chỉnh chi ngân sách, ưu tiên cho thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh, thiên tai và đầu tư phát triển…

Đồng Tháp: Tại Kỳ họp thứ 15, HĐND tỉnh Khóa IX, thẩm tra tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm, các Ban HĐND tỉnh ghi nhận: Mặc dù tăng trưởng GRDP của tỉnh chỉ đạt 3,41%, tăng chậm hơn so với cùng kỳ nhưng là tỉnh có mức tăng trưởng cao nhất khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng NTM được duy trì và phát triển; các mô hình canh tác tiên tiến, áp dụng khoa học công nghệ trong sản xuất tiếp tục nhân rộng tác động tích cực đến việc chuyển đổi tập quán sản xuất của người dân; phần lớn doanh nghiệp vẫn duy trì trong điều kiện khó khăn nhờ vào nguồn nguyên liệu tại chỗ, các sản phẩm công nghiệp đều tăng nhẹ so với cùng kỳ nhưng sản lượng tồn kho lớn làm tăng chi phí sản xuất.

Những tháng cuối năm, các Ban HĐND tỉnh đề nghị UBND tỉnh rà soát đánh giá lại các chỉ tiêu cả năm 2020 và giai đoạn 2016 - 2020, đề ra các giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, góp phần hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch năm 2020 và giai đoạn 2016 - 2020. Bên cạnh đó, kiểm soát hiệu quả những nhiệm vụ chi cần thiết, tiết giảm chi thường xuyên trong các hoạt động hành chính của các cơ quan nhà nước; triển khai nhanh, hiệu quả các gói kích cầu phát triển kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội, bảo đảm công khai, minh bạch; có cơ chế, chính sách, giải pháp thúc đẩy phát triển sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa dịch vụ; tiếp tục thực hiện hiệu quả cải cách hành chính…

Trà Vinh: Theo đánh giá tại Kỳ họp thứ 16, HĐND tỉnh Khóa IX: 6 tháng đầu năm, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng 3,35%. Trong đó, lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp do bị ảnh hưởng của hạn, mặn và dịch bệnh nên giảm 12,76%, công nghiệp, xây dựng cơ bản tăng hơn 19%; dịch vụ tăng 0,57%... Bên cạnh đó, giải quyết việc làm đạt khá, công tác bảo đảm an sinh xã hội tiếp tục được quan tâm thực hiện; công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, phòng chống dịch covid-19 được quan tâm thực hiện và đạt kết quả tốt… Tuy nhiên, một số địa phương chưa làm tốt công tác phòng, chống hạn mặn và phòng dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi; nhiều nội dung tiêu chí xây dựng NTM ở một số địa phương chưa đạt yêu cầu…

Để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ hơn trong thời gian tới, các đại biểu đề nghị tỉnh tiếp tục thực hiện tốt công tác tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng NTM theo chiều sâu; đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ 4.0 vào sản xuất; tập trung triển khai các giải pháp cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh với quyết tâm và trách nhiệm cao nhất của từng cấp, từng ngành, kiên quyết đưa thứ hạng năng lực cạnh tranh về mức trung bình tốt so với các tỉnh, thành trong cả nước. Bên cạnh đó, tập trung đôn đốc, hỗ trợ các nhà đầu tư sớm triển khai các dự án đầu tư; tháo gỡ khó khăn, nghiên cứu ban hành cơ chế, chính sách đẩy mạnh phát triển doanh nghiệp…

Phú Yên: Theo báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ kế hoạch 6 tháng cuối năm 2020 tại Kỳ họp thứ 17, HÐND tỉnh Khóa VII: 6 tháng đầu năm, tuy bị ảnh hưởng thời tiết nắng hạn kéo dài, dịch bệnh trên cây trồng vật nuôi tiếp tục tái diễn, đặc biệt là dịch bệnh covid-19, nhưng với sự tổ chức thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các giải pháp chỉ đạo về thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế; cùng với nỗ lực vào cuộc của các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân nên tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh 6 tháng đầu năm 2020 trên địa bàn tỉnh cơ bản ổn định và có mặt phát triển. Nổi bật, tốc độ tăng trưởng kinh tế tăng 1,93% so với cùng kỳ; tổng thu ngân sách 2.081 tỉ đồng, đạt 39,1% dự toán Trung ương giao; tỉ lệ xã đạt tiêu chí nông thôn mới 63,95%...

Trong phiên khai mạc, các đại biểu đã nghe báo cáo kết quả tiếp thu, giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 14; kết luận của chủ tọa tại phiên thảo luận và chất vấn tại Kỳ họp thứ 14; các ý kiến trả lời, lời hứa của lãnh đạo UBND tỉnh, các sở, ban, ngành liên quan tại Kỳ họp thứ 14, HĐND tỉnh khóa VII; Báo cáo kết quả giám sát chuyên đề của HĐND tỉnh về tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về giao đất, cho thuê đất; giao rừng, cho thuê rừng cho cộng đồng dân cư, hộ gia đình, cá nhân và tổ chức trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2011-2019...

P. NAM - T. HIẾU - H. LOAN - N. THỦY -N. HIỀN- H. HƯƠNG - V. HÙNG - T. MỘNG - Q. HƯNG - S. NGUYÊN –