Hãy trồng và bảo vệ rừng!

- Thứ Tư, 31/10/2018, 09:36 - Chia sẻ
Rừng phòng hộ (RPH) Việt Nam đặc trưng bởi tính đa mục đích, đảm nhận các chức năng sinh thái, bảo vệ nguồn nước, đất, chống xói mòn, chống sa mạc hóa, hạn chế thiên tai và điều hòa khí hậu; đồng thời cung cấp các sản phẩm, dịch vụ cho phát triển kinh tế - xã hội (KT - XH) địa phương và đời sống cộng đồng sống gần rừng. Do vậy cần có công tác quy hoạch, bảo vệ, phát triển rừng đồng bộ với quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch phát triển KT - XH.

Làm tốt công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch

Thông tin từ Tổng cục Lâm nghiệp, tính đến hết năm 2017, tổng diện tích có rừng toàn quốc là 14,415 triệu héc ta. Trong đó, 2,141 triệu héc ta rừng đặc dụng, 4,567 triệu héc ta rừng phòng hộ, 6,766 triệu héc ta rừng sản xuất, 0,941 triệu héc ta rừng ngoài quy hoạch. Tỷ lệ che phủ rừng là 41,45%. Năm 2018, ước đạt 41,65%, tăng 0,2% so năm 2017, đạt chỉ tiêu kế hoạch theo Nghị quyết của Chính phủ về kế hoạch phát triển KT - XH năm 2018.

Tuy nhiên trên thực tế, nhiều năm qua, hệ thống rừng phòng hộ đã và đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Theo đó, tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng, khai thác lâm sản trái pháp luật, nhất là đối với rừng tự nhiên vẫn tiếp tục diễn ra phức tạp; diện tích RPH liên tục giảm qua các năm. Công tác quy hoạch, bảo vệ, phát triển rừng thiếu đồng bộ với quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch phát triển KT - XH. Nhiều dự án phát triển chưa chú trọng đến bảo vệ, phát triển rừng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sinh thái, suy giảm chất lượng rừng… sạt lở đất rừng tăng cao.

Nhiều chuyên gia trong ngành lâm nghiệp đã khẳng định, mất RPH đầu nguồn là nguyên nhân chính gắn liền với lũ quét, sạt lở đất với hậu quả biến đổi khí hậu ngày càng trở nên nặng nề và khốc liệt hơn. Thực tế này đặt ra các yêu cầu cấp thiết về củng cố, mở rộng, làm giàu hệ thống RPH hiện có, đồng thời cân nhắc các hành động chuyển đổi RPH (là rừng tự nhiên) sang mục đích sử dụng khác.

Tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế xã hội tại Kỳ họp thứ Sáu QH Khóa XIV, ĐBQH Y Khút Niê (Đắk Lắk) cho rằng, Chính phủ, các bộ, ngành liên quan, cần tiếp tục nghiên cứu có giải pháp căn cơ tầm nhìn chiến lược trong đó chú trọng công tác đầu tư trồng và bảo vệ rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ. Có chính sách khôi phục, bảo vệ rừng tự nhiên. Xử lý nghiêm, kiên quyết các hành vi xâm hại rừng, sớm bố trí đủ, kịp thời kinh phí xây dựng các công trình trọng điểm đã được phê duyệt nhằm khắc phục và hạn chế tối đa những thiệt hại do biến đổi khí hậu có thể gây ra trong thời gian sắp tới.

Trên phương diện cơ quan quản lý, ông Nguyễn Tuấn Hưng, Vụ Quản lý rừng đặc dụng và rừng phòng hộ (Tổng cục Lâm nghiệp) cho rằng: Để bảo vệ và phát triển rừng cần làm tốt công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch. Trong đó, quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng phòng hộ phải bảo đảm ổn định lâu dài, được xác định rõ trên bản đồ và ngoài thực địa. Quản lý chặt chẽ việc chuyển đổi mục đích sử dụng rừng và đất rừng sang các mục đích sử dụng khác; phối hợp với Bộ Công an, Bộ Quốc phòng điều tra, kiên quyết triệt phá những “đầu nậu”, phá rừng và chống người thi hành công vụ. Đồng thời, tổ chức tốt công tác tuyên truyền, phối hợp các lực lượng, các cơ quan liên quan trong bảo vệ rừng...

Kinh nghiệm của Bắc Kạn

Báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Kạn về thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, các địa phương đã trồng mới được 13.963ha rừng, trong đó diện tích trồng cây gỗ lớn là 6.300ha. Đến năm 2017, độ che phủ rừng của tỉnh đạt 72,1%, tỉnh Bắc Kạn trở thành địa phương có độ che phủ rừng cao nhất cả nước.

Vào đầu mùa khô hằng năm, UBND tỉnh đều ban hành kế hoạch phòng cháy chữa cháy rừng, theo đó yêu cầu Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2016 - 2020, các Ban Chỉ đạo cấp huyện, các Ban Chỉ huy về bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng cấp xã và các tổ, đội phòng cháy, chữa cháy rừng tại chỗ của các thôn, bản thực hiện đúng các quy định về phòng cháy, chữa cháy rừng và thực hiện phương châm “bốn tại chỗ”… Các chủ rừng có trách nhiệm tổ chức quản lý bảo vệ và thực hiện các biện pháp phòng cháy chữa cháy rừng, đồng thời thường xuyên phối hợp với lực lượng kiểm lâm tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra, kiểm soát trên địa bàn được giao quản lý.

Các Ban Chỉ đạo cấp tỉnh, cấp huyện, Ban Chỉ huy cấp xã tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác phòng cháy chữa cháy rừng đối với các huyện, xã, các chủ rừng để nhắc nhở, chấn chỉnh và khắc phục sửa chữa kịp thời những hạn chế, thiếu sót… Hằng năm, toàn tỉnh thực hiện khoanh nuôi tái sinh rừng tự nhiên đạt trên 91.000ha; trong đó diện tích thực hiện giao khoán bảo vệ rừng, khoanh nuôi tái sinh rừng phòng hộ là 83.465ha.

Công tác khai thác, sử dụng rừng trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua đã có những chuyển biến rõ nét, từ khai thác gỗ rừng tự nhiên là chính đã chuyển hướng sang khai thác, sử dụng gỗ rừng trồng góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động sống gần rừng. Trung bình mỗi năm khối lượng gỗ được khai thác trên 150.000m3, lâm sản ngoài gỗ 50.000 tấn, tổng giá trị lâm sản khai thác trên 700 tỷ đồng. Các hoạt động khai thác, chế biến và thị trường lâm sản hiện nay chủ yếu được gắn liền với rừng trồng. Đầu ra của sản phẩm rừng trồng bước đầu có sự gắn kết với nhà máy chế biến lâm sản.

 Đồng thời để thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, tỉnh đã tăng cường nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, các đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh, kiểm tra, ngăn chặn và xử lý nghiêm các đối tượng có hành vi vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng; thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ bảo vệ, phát triển rừng.

Tùng Lâm