Chính sách và cuộc sống

Hãy bắt đầu ngay!

- Thứ Năm, 06/12/2018, 08:14 - Chia sẻ
Hơn chục năm trước, cứ vào cuối tuần, nhiều sinh viên thường rủ nhau lên bờ Hồ mong được trò chuyện với khách du lịch nhằm cải thiện vốn liếng tiếng Anh của mình. Nhưng không phải lần nào họ cũng toại nguyện vì lượng du khách còn rất thưa thớt.

Đó là một thực tế rất khác so với bây giờ. Trên tuyến phố quanh hồ Gươm vào cả ngày thường và cuối tuần đều rất đông du khách nước ngoài. Những ông “Tây ba lô” cũng xuất hiện ngày một nhiều ở các bản, làng du lịch xa xôi. Số liệu thống kê nêu tại Diễn đàn cấp cao Du lịch Việt Nam 2018 - diễn ra trong 2 ngày 5 và 6.12 quy tụ 1.500 khách mời, chuyên gia bàn về cơ cấu lại ngành du lịch - xác nhận thực tế này. Nếu như năm 1990, Việt Nam chỉ đón 250 nghìn khách quốc tế thì năm 2017 đã đón trên 13 triệu khách quốc tế và 73 triệu khách nội địa. Tính ra trong 17 năm, khách du lịch quốc tế đến Việt Nam tăng 52 lần, khách nội địa tăng 72 lần. Ngành du lịch ngày càng đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế, hiện đóng góp khoảng 7% vào GDP.

Một thống kê khác từ đại diện Tập đoàn Tư vấn toàn cầu Boston (BCG)  cho biết, tốc độ tăng trưởng lượt khách quốc tế hàng năm của Việt Nam trong 3 năm qua đạt tới 30% - con số rất nhiều quốc gia mong muốn. Cũng trong năm ngoái, Việt Nam xếp thứ 6 trong top 10 điểm đến phát triển nhanh nhất trên toàn thế giới, thu hút 15 tỷ USD dòng vốn nước ngoài đầu tư vào du lịch, tạo việc làm và thu nhập trực tiếp cho trên 2 triệu người...

Tuy vậy, có một thực tế khác không mấy vui đằng sau những thành quả ấn tượng ấy. Sự bứt phá “gây thèm muốn” của ngành du lịch nước ta thời gian qua thực chất dựa vào một mô hình đã cũ, đó là tập trung tăng số lượng du khách thay vì dựa vào chất lượng. Có nhiều bằng chứng về sự tăng trưởng cơ học này. Chẳng hạn, du khách quốc tế tăng nhanh nhưng mang lại rất ít ngoại tệ. Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới, chi phí bình quân của du khách quốc tế tại Philippines, Indonesia và Thái Lan lần lượt là 857,928 và 1.486 USD/người, trong khi tại Việt Nam chỉ khoảng 615 USD. Nguyên nhân chính dẫn đến sự khác biệt này có lẽ nằm ở chỗ du khách quốc tế khi đến du lịch tại Việt Nam không biết tiêu tiền vào việc gì! Việt Nam dù có những bãi biển “thượng hạng”, nhưng du khách rất khó có được một kỳ nghỉ xả hơi cuối tuần, lướt sóng, lặn biển, tham gia các hoạt động giải trí như ở Phuket (Thái Lan) hay Bali (Indonesia). Hoạt động chính của du khách tại Việt Nam chủ yếu là ngắm cảnh và chụp ảnh, những hoạt động mang tính gắn kết du khách với cộng đồng đã manh nha hình thành nhưng còn rất ít. Mà như vậy thì làm sao giữ được chân du khách lâu hơn, làm sao du khách còn muốn trở lại khi mà họ có xu hướng chi tiêu nhiều hơn cho những trải nghiệm.

Tăng trưởng về số lượng thì dù sớm hay muộn cũng sẽ tới giới hạn. Tại Diễn đàn cấp cao Du lịch Việt Nam 2018, câu chuyện “quan trọng không phải là số lượng khách mà là thu được bao nhiêu tiền từ khách” một lần nữa được đặt ra.  Theo “tổng kết” của ông Olivier Muehlstein, Giám đốc điều hành BCG Singapore, các chuyên gia chỉ ra 5 vấn đề Việt Nam phải cải thiện nếu muốn ngành du lịch phát triển bền vững, tạo ra giá trị gia tăng cao. Đó là: Cơ sở hạ tầng và con người phải được nâng cấp; phải định vị thương hiệu du lịch của quốc gia; nâng cao trải nghiệm cho du khách quốc tế ngay từ khâu chọn điểm; cải tiến vai trò của Tổng cục Du lịch; nâng cao mức độ hợp tác trong tất cả những ngành, đơn vị có liên quan. Hướng đi đã rõ, vấn đề còn lại là phải bắt tay hành động ngay từ hôm nay.

Hà Lan