Hậu quả kinh tế chưa thể đong đếm

- Thứ Ba, 18/02/2020, 08:22 - Chia sẻ
Các biện pháp bắt buộc của chính phủ Trung Quốc đối phó với dịch cúm viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra (Covid-19) đang gây ra những thiệt hại nghiêm trọng cho nền kinh tế đất nước này, làm gián đoạn chuỗi cung ứng và du lịch trên khắp châu Á. Chuyên gia Nhật Bản Akira Kawamoto cho rằng, tăng cường chia sẻ thông tin với công chúng có thể giúp ngăn chặn dịch bệnh hiệu quả hơn cũng như ít gây tổn hại về kinh tế so với những biện pháp hạn chế hà khắc về tự do di chuyển.

Tác động đến mọi mặt

Kể từ khi Covid-19 xuất hiện ở Vũ Hán, Trung Quốc, tháng 12 năm ngoái, đến nay số người nhiễm bệnh trên toàn thế giới đã tăng vọt lên tới hơn 71.000 người và số người chết hiện đã vượt quá 1.700 người. Covid-19 đang lan rộng khắp châu Á bao gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan, Việt Nam và Malaysia, và cả các quốc gia ở châu Âu, Bắc Mỹ, mặc dù đến nay mới chỉ ghi nhận 2 trường hợp tử vong ngoài Trung Quốc đại lục.

Vẫn còn phải xem loại virus mới này sẽ gây chết người như thế nào. Hiện tại, chắc chắn ít nghiêm trọng hơn so với dịch SARS năm 2003 (hội chứng hô hấp cấp tính nặng), do một loại virus Corona khác gây ra. Covid-19 đã gây tử vong cho nhiều người, nhưng SARS có tỷ lệ tử vong cao hơn, gần 10% trong số 8.096 người trên toàn thế giới bị nhiễm bệnh.

Ngày 23.1, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tuyên bố phong tỏa và kiểm soát chặt Vũ Hán, thành phố có 11 triệu dân. Kể từ đó, số lượng các thành phố của Trung Quốc bị kiểm soát đã tăng lên 16, và có thể còn nhiều hơn nữa.

Các biện pháp cách ly và kiểm soát bắt buộc khác nhằm ngăn chặn dịch bệnh này đang ảnh hưởng nghiêm trọng tới nền kinh tế Trung Quốc, và các nền kinh tế khác ở châu Á. Vũ Hán, thủ phủ của tỉnh Hồ Bắc, là một trong những trung tâm công nghiệp của Trung Quốc. Các nhà sản xuất ô tô hàng đầu của Nhật Bản Honda và Nissan đặt các nhà máy tại đó, cũng như một số đối thủ của châu Âu. Các nhà sản xuất phụ tùng xe hơi, linh kiện điện tử và thiết bị công nghiệp cũng có cơ sở sản xuất quan trọng trong khu vực. Nhiều nhà máy trong số này đã phải ngừng sản xuất, bởi vì nhân viên không thể trở lại sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán.

Việc ngừng hoạt động sản xuất và cung ứng này gây cú sốc lớn đối với các công ty toàn cầu trong chuỗi cung ứng trên khắp châu Á. Dựa trên giá trị xuất khẩu so với GDP của các công ty toàn cầu từ Trung Quốc đại lục và Hong Kong, Đài Loan có thể sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất, tiếp theo là Việt Nam, Malaysia và Hàn Quốc. Người sử dụng lao động trong khu vực phải đối mặt với cú sốc cung tiếp theo vì nhiều người Trung Quốc làm việc tại Nhật Bản hoặc các nước châu Á khác không hoặc không thể trở lại từ Trung Quốc. Điều này làm gián đoạn hoạt động xuất khẩu của Trung Quốc sang Nhật Bản, đặc biệt là thực phẩm chế biến và quần áo. Tất cả những yếu tố này đang gây ra tình trạng thiếu nguồn cung và do đó làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế của các đối tác thương mại với Trung Quốc.

Covid-19 cũng sẽ gây ra một cú sốc lớn, không chỉ bởi vì du khách Trung Quốc là nguồn thu lớn cho nhiều quốc gia trong ngành du lịch. Số lượng khách du lịch Trung Quốc hiện giảm mạnh khi Trung Quốc cấm công dân của họ đi các tour du lịch theo nhóm ra nước ngoài và nhiều quốc gia từ chối hoặc hạn chế nhập cảnh đối với du khách Trung Quốc. Đánh giá về quy mô của du khách Trung Quốc chi tiêu liên quan đến GDP, các điểm đến phổ biến như Thái Lan, Việt Nam và Singapore sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Nhật Bản đặc biệt lo ngại nếu dịch bệnh bùng phát kéo dài, bởi vì Olympics mùa hè dự kiến bắt đầu tại Tokyo ngày 24.7.2020.

Nhưng ngay cả khi Covid-19 còn lâu mới đạt đến đỉnh điểm, Trung Quốc có thể giảm thiểu cú sốc tổng cầu bằng các biện pháp kích thích như Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc công bố ngày 2.2 các gói hỗ trợ tài chính. Các chính phủ và ngân hàng trung ương khác trong khu vực có thể thực hiện các bước tương tự nếu thấy cần thiết. Các công ty có thể thay thế chuỗi cung ứng bị gián đoạn bằng các nguồn đầu vào thay thế và khuyến khích tiêu dùng trực tuyến nhiều hơn. Một số thay đổi này có thể là vĩnh viễn.

Làm gì để giảm thiểu tác động kinh tế?

Mặc dù không rõ có thể phát triển nhanh vaccine chống Covid-19 hiệu quả như thế nào, cuộc khủng hoảng hiện tại sẽ phụ thuộc vào hai yếu tố chính. Đầu tiên là khó có thể nói khả năng Trung Quốc kiểm soát được tình hình trong lúc số người chết vẫn tăng, nhưng nếu Trung Quốc đang tiếp tục kiểm soát nhiều thành phố hơn, thì suy thoái kinh tế chắc chắn sẽ xảy ra. Câu hỏi thứ hai là các quốc gia khác có thể hạn chế Covid-19 lây lan hay không? Một số chuyên gia y tế Nhật Bản nói rằng một số lượng đáng kể người Nhật đã bị nhiễm bệnh, do người dân đến Trung Quốc tự do trong một tháng sau khi dịch bệnh bắt đầu, tuy nhiên đến nay mới có 1 trường hợp tử vong. Điều này đặt ra câu hỏi về bản chất của bệnh và cách phòng ngừa, điều trị tốt nhất. Để bảo vệ sức khỏe cộng đồng, Trung Quốc và các quốc gia bị ảnh hưởng khác nên ngay lập tức chia sẻ kinh nghiệm phòng chống sự lây lan của dịch.

Trên thực tế, các chuyên gia y tế khuyến cáo nên hạn chế và phòng sự lây lan từ các quốc gia biên giới vào nội địa, bằng cách cho mọi người dễ dàng tiếp cận bộ dụng cụ tự kiểm tra (self-inspection kits). Những người bị nhiễm sau đó nên được cách ly ở nhà và tránh tiếp xúc với người khác.

Như trong trường hợp cúm SARS 2003, việc chia sẻ thông tin với công chúng có thể giúp giảm thiểu sự lây lan của Covid-19 hiệu quả hơn nhiều. Nếu không, nó gây ra tâm lý lo sợ và ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân, cũng như cho nền kinh tế.

Bùi Quý Thuấn
Theo Project Syndicate