Kiểm tra chuyên ngành:

Hậu kiểm là bước đột phá

- Thứ Hai, 14/09/2020, 19:54 - Chia sẻ
Thực tế cho thấy, tình trạng chồng chéo trong hoạt động kiểm tra chuyên ngành là vấn đề được nhắc đến nhiều trong thời gian qua, đây là rào cản đối với hoạt động xuất nhập khẩu. Để khắc phục tình trạng này, Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì xây dựng Đề án cải cách kiểm tra chuyên ngành theo hướng cơ quan Hải quan là đầu mối thực hiện kiểm tra chuyên ngành tại cửa khẩu, còn bộ ngành thực hiện “hậu kiểm”. Đây được đánh giá là bước đột phá để cải cách sâu rộng công tác kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Hải quan là đầu mối thực hiện kiểm tra chuyên ngành tại cửa khẩu

Là cơ quan đóng vai trò đầu mối, Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) đã phối hợp với các bộ tích cực triển khai các giải pháp cải cách toàn diện hoạt động kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu theo đúng mục tiêu cắt giảm thủ tục kiểm tra chuyên ngành đã được Chính phủ chỉ đạo. Kết quả thực hiện cho thấy, tỷ lệ các lô hàng nhập khẩu phải kiểm tra chuyên ngành trước thông quan đã giảm, từ mức xấp xỉ 26% năm 2015 xuống mức 19,1%; thời gian làm thủ tục ở nhiều lĩnh vực kiểm tra chuyên ngành đã giảm đáng kể. Tuy nhiên, so với yêu cầu của Chính phủ đặt ra là phải giảm được dưới mức 10% đối với hàng nhập khẩu vào năm 2018-2019, thì chúng ta vẫn chưa chạm được đích đến. Điều này cũng đồng nghĩa với việc những bất cập, chồng chéo trong kiểm tra chuyên ngành vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.

gian nan hanh trinh cai cach kiem tra chuyen nganh
Công chức Hải quan Lạng Sơn kiểm tra hàng hóa xuất nhập khẩu. Ảnh: T.Bình.

Rõ ràng, những vướng mắc trong kiểm tra chuyên ngành đang là vật cản gây khó cho hoạt động xuất nhập khẩu. Xác định rõ điều này, Chính phủ đã quyết tâm cải cách, theo hướng đột phá giao Bộ Tài chính chủ trì xây dựng Đề án cải cách kiểm tra chuyên ngành theo hướng cơ quan Hải quan là đầu mối thực hiện kiểm tra chuyên ngành tại cửa khẩu, trừ các mặt hàng liên quan đến an ninh, quốc phòng, kiểm dịch, còn bộ quản lý chuyên ngành thì thực hiện hậu kiểm.

Nghe thì dễ nhưng để bộ chuyên ngành thực hiện việc hậu kiểm lại không phải là nhiệm vụ dễ dàng. Nếu như trước đây Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) trong vai trò đầu mối thúc đẩy các bộ, ngành triển khai thì nay trọng trách nâng lên nhiều lần với vai trò “đầu mối thực hiện kiểm tra chuyên ngành tại cửa khẩu”. Điều đó cho thấy vai trò của Tổng Cục hải quan là vô cùng quan trọng trong việc làm mới cách thức kiểm tra chuyên ngành để tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu.

Nhìn nhận về việc đổi mới kiểm tra chuyên ngành, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho rằng: Đề án cải cách mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu là đề án khó. Tuy vậy, chỉ trong gần 10 tháng qua, dù chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) nghiêm túc triển khai thực hiện, nỗ lực phối hợp với các bên tham gia nghiên cứu hoàn thiện đề án. Điều này cho thấy nỗ lực của ngành hải quan, của Bộ Tài chính trong việc phối hợp với các bộ ngành nhằm tìm ra những giải pháp, tháo gỡ khó khăn về thủ tục kiểm tra chuyên ngành, thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu.

Xác định rất rõ mục tiêu phải giảm chi phí cho doanh nghiệp

Là người theo sát Đề án từ những ngày đầu tiên, bà Phạm Thị Ngọc Thủy, Phó Giám đốc thường trực Văn phòng Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV, thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ) cho rằng, dự thảo Đề án đã đáp ứng cơ bản những mong muốn của cộng đồng doanh nghiệp. Điều quan trọng nhất bây giờ là quyết định của Chính phủ và khâu tổ chức thực thi của Tổng cục Hải quan.

Nhấn mạnh thời gian qua Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo cải cách công tác kiểm tra chuyên ngành, cũng như hoạt động xuất nhập khẩu, bà Thủy nhận định, kết quả đã có nhưng vẫn có “độ chững” nhất định và chưa giải quyết được một số vấn đề mang tính gốc rễ, đặc biệt là việc phối hợp các bộ ngành, cơ quan liên quan tại cửa khẩu.

“99% ý kiến doanh nghiệp cho rằng, nếu Chính phủ quyết tâm thực hiện giải pháp cải cách kiểm tra chuyên ngành sẽ thực sự là cuộc cách mạng trong hoạt động xuất nhập khẩu”, bà Thủy nói.

Về vấn đề này, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đánh giá cao Ban soạn thảo đã nghiên cứu kỹ lưỡng, tham vấn ý kiến các bộ, ngành, các cơ quan liên quan trong quá trình xây dựng Đề án. Tuy nhiên, ông Tuấn cũng nhấn mạnh, quá trình xây dựng đề án có sự điều chỉnh nội dung nhưng vẫn xác định rất rõ mục tiêu là phải giảm chi phí, thời gian cho doanh nghiệp. Đây là điều cần phải bám sát và thể hiện rõ hơn trong dự thảo Đề án cũng như dự thảo Nghị định.

Đề án cho phép doanh nghiệp có quyền rộng hơn liên quan đến lựa chọn tổ chức đánh giá sự phù hợp, nhưng trong dự thảo cần làm rõ cách thức thực hiện để triển khai có hiệu quả trong thực tế. “Điều quan trọng không chỉ liên quan đến tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu mà còn đảm bảo sự công bằng, minh bạch cho sự tham gia của các tổ chức đánh giá sự phù hợp”, ông Đậu Anh Tuấn nhấn mạnh.  

Song Hà