Vaccine phòng Covid-19 đầu tiên của Nga

Háo hức và nghi ngại

- Thứ Tư, 12/08/2020, 22:55 - Chia sẻ
Trong bối cảnh số ca mắc Covid-19 trên thế giới vượt quá 20 triệu người và trên 736.000 trường hợp tử vong, việc Nga công bố có vaccine ngừa Covid-19 đầu tiên đã thu hút sự chú ý của dư luận quốc tế.

Vaccine Sputnik-V

Tổng thống Nga Vladimir Putin chính thức thông báo Nga đã trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới đăng ký vaccine ngừa Covid-19 sau chưa đầy 2 tháng thử nghiệm trên người.
Dẫn lời Giám đốc Quỹ Đầu tư trực tiếp Nga (RDIF) Kirill Dmitriev, đài Sputnik đưa tin vaccine mới của Nga được đặt tên là Sputnik-V, tên vệ tinh nhân tạo đầu tiên trên thế giới được Liên Xô phóng lên quỹ đạo vào những năm 1950. Vaccine là sản phẩm do Viện Nghiên cứu Gamaleya phối hợp với Bộ Quốc phòng Nga phát triển và thử nghiệm.

Vaccine Sputnik-V của Nga sẽ gồm hai thành phần riêng rẽ

Vaccine Sputnik-V gồm hai thành phần được tiêm riêng rẽ. Hai thành phần này sẽ kết hợp với nhau để hình thành miễn dịch lâu dài đối với SARS-CoV-2. “Kế hoạch tiêm hai giai đoạn sẽ giúp hình thành hệ miễn dịch lâu dài. Hiệu quả miễn dịch của loại vaccine này có thể lên tới 2 năm”, Bộ Y tế Nga khẳng định.

Các cuộc thử nghiệm tiền lâm sàng về độc tính, tính an toàn, khả năng sinh miễn dịch và hiệu quả của vaccine trên trên động vật đã được tiến hành tại Viện Nghiên cứu Trung ương 48 của Bộ Quốc phòng Nga.

Ngày 16.6 vừa qua, Bộ Y tế Nga đã cấp giấy phép tiến hành thử nghiệm lâm sàng loại vaccine này trên 38 tình nguyện viên tại Bệnh viện Quân đội Burdenko. Các đợt thử nghiệm lâm sàng được bắt đầu từ ngày 18.6. Các tình nguyện viên được chia làm hai nhóm chính - một nhóm 18 người và nhóm còn lại 20 người. Trong nhóm thứ nhất, 9 người được tiêm một thành phần của vaccine, trong khi 9 người khác được tiêm thành phần còn lại. Sau khi nhận được kết quả ban đầu bảo đảm tính an toàn của vaccine đối với nhóm tình nguyện đầu tiên, vaccine tiếp tục được tiêm cho nhóm hai vào ngày 23.6.

Ba tuần sau khi vaccine đợt đầu, những tình nguyện viên này được tiêm tiếp thành phần thứ 2 của vaccine. Đến ngày 3.8, “lần thử nghiệm y khoa cuối cùng” trong đợt thử nghiệm lâm sàng được thực hiện tại Bệnh viện Quân đội Burdenko.
Sau các lần thử nghiệm, kết quả cho thấy tất cả tình nguyện viên đều có miễn dịch rõ ràng từ vaccine, cũng như họ không có biểu hiện bất thường hay tác dụng phụ. 

Bộ trưởng Y tế Nga Mikhail Murashko cho biết các đợt thử nghiệm lâm sàng đối với loại vaccine mới này sẽ tiếp tục với hàng nghìn người. Tổng thống Putin cho biết con gái ông cũng đã tham gia thử nghiệm vaccine ngừa Covid-19. 

Theo hồ sơ đăng ký, vaccine Sputnik-V của Nga dự kiến sẽ được tiêm phổ cập vào ngày 1.1.2021. Bộ trưởng Murashko thông báo, Viện Nghiên cứu Gamaleya và một công ty tư nhân sẽ là hai cơ sở tiến hành sản xuất vaccine.

Nga hy vọng sẽ sản xuất vaccine hàng loạt vào tháng 9 tới và sớm đạt mục tiêu hàng triệu liều mỗi tháng trong năm sau. Lô vaccine sản xuất đầu tiên sẽ được tiêm cho đội ngũ nhân viên y tế. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuần trước kêu gọi Nga tuân thủ các hướng dẫn và thực hiện “mọi giai đoạn cần thiết” để phát triển một loại vaccine an toàn.

Ý kiến trái chiều

Giám đốc RDIF Kirill Dmitriev cho hay, tính đến thời điểm hiện tại, có khoảng 20 quốc gia đặt hàng hơn 1 tỷ liều vaccine của Nga. Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã nhận lời mời thử nghiệm lâm sàng vaccine Sputnik-V tại Philippines trong tháng 8 và cho biết ông hy vọng sẽ nhận được vaccine Covid-19 miễn phí của Nga. 

Trong khi đó, một số quốc gia như Mỹ và Đức vẫn nghi ngờ loại vaccine này. Bộ Y tế Đức cho rằng vẫn chưa có dữ liệu về chất lượng, hiệu quả và độ an toàn của vaccine ngừa Covid-19 mà Nga điều chế. Phía Mỹ cũng tỏ ra hoài nghi khi cho rằng, vaccine của Nga tụt hậu so với sự phát triển của Mỹ và mới được thử nghiệm cho quá ít người.

Về phần mình, WHO cho biết đang tiếp xúc với các cơ quan chức năng của Nga để đánh giá hiệu quả và độ an toàn của vaccine Sputnik-V. Đại diện chính thức của WHO Tarik Jasarevic cho rằng, do yêu cầu bảo đảm an toàn của chế phẩm, việc tăng tốc sản xuất vaccine là không nên. Để được cấp phép theo tiêu chuẩn của WHO, vaccine cần trải qua quá trình kiểm nghiệm và đánh giá nghiêm ngặt toàn bộ dữ liệu về tính an toàn và độ hiệu quả của nó trong thử nghiệm lâm sàng, xem đáp ứng tiêu chuẩn ở tầm quốc tế như thế nào.

Đạt Quốc Theo Sputnik