50 năm thực hiện di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (1969 - 2019)

Hành trình vươn tới những ước mơ

- Thứ Ba, 20/08/2019, 08:31 - Chia sẻ
Di chúc là tâm nguyện, ý chí, niềm tin, tình cảm và trách nhiệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh với toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, với sự nghiệp cách mạng và tương lai đất nước. Nhìn lại hành trình 50 năm, để thấy những lời căn dặn ân cần của Người chính là ngọn đuốc soi đường cho dân tộc Việt Nam trên con đường bảo vệ, xây dựng và phát triển.

Nén đau thương thành hành động

“Trong giờ phút lịch sử này, toàn dân tộc Việt Nam đau thương vô cùng, người cha già, vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc đã từ trần. Người đã hy sinh cả cuộc đời cho lý tưởng cộng sản, cho cách mạng Việt Nam. Gia đình tôi tuy khó khăn, bố mẹ già, em nhỏ, ba anh đã đi chiến đấu trong B. Nhưng là khó khăn chung, bản thân tôi đã xác định rõ vị trí nhiệm vụ của mình là lên đường vào Nam diệt Mỹ. Dù khó khăn, gian khổ không sờn lòng, hy sinh đổ máu không ngần ngại: Dòng máu của cháu phải hồng theo dòng máu của cách mạng, của Bác Hồ”.


Đồng bào chiến sĩ miền Nam thể hiện quyết tâm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tháng 9.1969

Đó là Quyết tâm thư của chiến sĩ Lê Quang Thu, 19 tuổi, viết ngày 5.9.1969, hòa với không khí đồng bào, chiến sĩ cả nước thể hiện quyết tâm “nén đau thương thành hành động”, thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đó cũng là nội dung mở đầu Trưng bày chuyên đề “Hành trình vươn tới những ước mơ - 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (1969 - 2019), khai mạc chiều 19.8 tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

“Đời tuôn nước mắt, trời tuôn mưa...” (thơ Tố Hữu), giây phút chia xa, cả dân tộc trong niềm tiếc thương vô hạn nhưng đoàn kết một lòng. Ngay sau Lễ tang Chủ tịch Hồ Chí Minh, Ban Chấp hành Trung ương Đảng mở đợt sinh hoạt chính trị Học tập và làm theo Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vận động toàn dân tộc “... hãy nén đau thương, anh dũng phấn đấu, hăng hái vươn lên, đạp bằng mọi trở lực, chông gai, quyết tâm đánh thắng hoàn toàn giặc Mỹ xâm lược, quyết tâm xây dựng chủ nghĩa xã hội...”. Công nhân, nông dân hăng hái lao động sản xuất, thanh niên lên đường nhập ngũ, chiến sĩ xung phong ra mặt trận... một lòng cống hiến sức lực, xương máu, góp phần thực hiện trọn vẹn di nguyện của Người.

Để rồi, cả đất nước bắt tay vào công cuộc mới, công cuộc hàn gắn vết thương, khắc phục hậu quả chiến tranh. Trước hết là khôi phục tuyến giao thông huyết mạch Bắc - Nam, các nhà máy điện, rà phá bom mìn, gỡ dây thép gai, khắc phục ảnh hưởng của chất độc da cam... Những công trình mang dấu mốc lịch sử đó là Nghĩa trang Liệt sĩ Trường Sơn được khởi công xây dựng ngày 24.10.1975, hoàn thành ngày 10.4.1977, nơi yên nghỉ của hơn 10 nghìn liệt sĩ; là Nhà máy Thủy điện Đa Nhim được khôi phục trong vòng 6 tháng, phục vụ kịp thời nhu cầu phát triển kinh tế xã hội của TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam sau chiến tranh…

Với hơn 250 tài liệu, hiện vật, hình ảnh và phim tài liệu, trưng bày giống như bức tranh thu lại thời gian, tái hiện không gian là những thành tựu nổi bật của đất nước trên chặng đường 50 năm qua. Chặng đường ấy chính là từng bước hiện thực hóa những mong muốn cuối cùng của Bác Hồ trước lúc đi xa.

Vươn tới những giấc mơ

Cầu Chương Dương bắc qua sông Hồng tại Hà Nội thông xe ngày 30.6.1985, là cây cầu tự lực tự cường, là cây cầu đầu tiên do người Việt Nam tự thiết kế, thi công, khai thông huyết mạch giao thông. Đường dây truyền tải điện năng siêu cao áp 500kV đầu tiên kéo dài từ Hòa Bình đến TP Hồ Chí Minh khởi công ngày 5.4.1992, cung cấp cho miền Nam và miền Trung lúc đó đang thiếu điện nghiêm trọng. Ngày 4.6.1992, tập thể giáo sư, bác sĩ của Học viện Quân y 103, Bệnh viện Việt Đức đã thực hiện thành công ca mổ ghép thận đầu tiên ở Việt Nam... Tin vui trong những ngày đổi mới và phát triển dồn dập như những nốt thăng trong sự nghiệp phát triển.

Những hình ảnh được ghi lại, lưu giữ để liên tưởng về nền tảng cho đất nước vươn lên. Đó là các bàn tròn hội nghị, hiệp thương, đánh dấu sự thay đổi bộ mặt, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế; từng bước tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, tạo môi trường thu hút nguồn lực xã hội để hội nhập sâu rộng... đáp ứng nhu cầu phát triển. Thế nhưng, Việt Nam không quên cội nguồn, mà luôn hướng về, làm giàu bản sắc văn hóa dân tộc. Vì trải qua những năm tháng chiến tranh, gian nan tìm đường phát triển, vẫn còn đó những di tích đình, chùa, hội hè, đình đám... Vì xuyên suốt hành trình 50 năm qua, ta luôn nhìn thấy hình ảnh con người đậm chất văn hóa Việt, thấm đẫm tinh thần yêu nước, đoàn kết một lòng.

Có những con người cá nhân đại diện cho cả một dân tộc, có những khoảnh khắc ghi dấu cho cả chặng đường. Như giây phút nguyên Phó Chủ tịch Nước Nguyễn Thị Bình đặt bút ký Hiệp định chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam tại Paris ngày 27.1.1973; giây phút người tử tù cách mạng Lê Văn Thức gặp lại mẹ tại căn cứ Rạch Dừa (Vũng Tàu) sau khi trở về từ trại giam Côn Đảo ngày 5.5.1975; và những người lính đảo, những công nhân, nông dân, kỹ sư, bác sĩ... Như câu chuyện của bác sĩ Lê Thị Luân, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu sản xuất vaccine và sinh phẩm y tế đã sản xuất thành công vaccine ngừa tiêu chảy, đưa Việt Nam trở thành nước thứ tư trên thế giới và thứ hai ở châu Á có thể tự sản xuất vaccine phòng chống virus Rota. Như câu chuyện của GS. Nguyễn Thanh Liêm - Bàn tay vàng nhi khoa thế giới, được tạp chí khoa học Asian Scientist (Singapore) bình chọn là 1 trong 100 nhà khoa học hàng đầu châu Á năm 2019...

Những nỗ lực 50 năm qua đã là minh chứng cho một Việt Nam không chỉ là dân tộc yêu chuộng hòa bình, quật cường, anh dũng trong chiến tranh, mà còn là đất nước giàu tiềm năng phát triển. Theo Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh Vũ Mạnh Hà, những thành công ấy chính là nhờ Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã củng cố niềm tin cho toàn Đảng, toàn dân ta, là nhờ những căn dặn mang tính tư liệu cho công cuộc phát triển đất nước. Những gì chúng ta đang nỗ lực chính là hướng về phía trước, tin tưởng hoàn thành di nguyện trước lúc đi xa của Người.

Thái Minh