Bồi dưỡng kỹ năng cho đại biểu HĐND các cấp tỉnh Tuyên Quang năm 2019

Hành trang quý trong hoạt động dân cử

- Thứ Tư, 06/11/2019, 07:41 - Chia sẻ
Phát biểu tại Hội nghị Bồi dưỡng kỹ năng hoạt động cho đại biểu HĐND các cấp tỉnh Tuyên Quang năm 2019, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Văn Sơn nhấn mạnh: Từ quy định pháp luật đến thực tiễn đang đặt ra yêu cầu rất lớn đối với việc không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của HĐND và đại biểu HĐND. Thông qua các chuyên đề của các Báo cáo viên giàu kinh nghiệm đến từ Trung tâm Bồi dưỡng đại biểu dân cử, các đại biểu đã có thêm “cuốn cẩm nang bỏ túi” để làm tốt vai trò, nhiệm vụ cũng như thể hiện bản lĩnh của người đại biểu nhân dân.

Tránh “đánh trống bỏ dùi”

Đối với chuyên đề Kỹ năng giám sát việc thực hiện nghị quyết, kết luận, kiến nghị giám sát của HĐND, Thường trực, các Ban, Tổ đại biểu và đại biểu HĐND, báo cáo viên chia sẻ: Mục đích của hoạt động tái giám sát chính là kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các nghị quyết, kết luận, kiến nghị giám sát; bảo đảm tính nghiêm minh của hoạt động giám sát; phát hiện ra những nghị quyết, kết luận, kiến nghị giám sát chưa chính xác, không khả thi để cơ quan giám sát điều chỉnh, thay đổi. Khác với hoạt động giám sát thông thường, hoạt động tái giám sát phải “quét” được toàn bộ những kết luận, kiến nghị đã ban hành trước đây của chủ thể giám sát chưa được đối tượng chịu sự giám sát thực hiện đầy đủ, nghiêm túc để phân tích, đánh giá. Đối tượng giám sát có thể là UBND cùng cấp; cơ quan, đơn vị, cá nhân hoặc “lời hứa” của các “tư lệnh” ngành.


Báo cáo viên và đại biểu trao đổi tại hội nghị Ảnh: Bách Hợp

Để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, mỗi đại biểu HĐND phải luôn tích cực nghiên cứu, học tập, nâng cao trình độ, kiến thức, sự hiểu biết về chính sách pháp luật và thực tiễn; nêu cao tinh thần, trách nhiệm trước cử tri, nỗ lực hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn được pháp luật quy định, xứng đáng với sự tin tưởng, kỳ vọng của cử tri và nhân dân.

Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Phạm Thị Minh Xuân

Để các kiến nghị sau giám sát được thực hiện nghiêm túc, yêu cầu trước tiên là các kiến nghị phải khiến cho đối tượng chịu sự giám sát “tâm phục khẩu phục”; tăng cường đôn đốc, kiểm tra, theo đuổi đến cùng các kiến nghị, kết luận giám sát, tránh tình trạng “đánh trống bỏ dùi”. Các kiến nghị chưa được giải quyết hoặc đã trả lời nhưng chưa thỏa đáng nên đưa ra chất vấn tại các kỳ họp HĐND, yêu cầu các cơ quan chuyên môn trả lời công khai để toàn thể nhân dân có thể theo dõi, giám sát. HĐND có thể ban hành nghị quyết, buộc các bên liên quan phải thực hiện và sau đó tiếp tục giám sát việc thực hiện nghị quyết đó…

Trong chuyên đề Kỹ năng quyết định dự toán, phê chuẩn quyết toán ngân sách địa phương và phân bổ vốn đầu tư công, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý công sản, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Ngân sách nhà nước, Bộ Tài chính Phạm Đình Cường đã chia bố cục bài giảng thành hai “mảng lớn”. Đối với nội dung về quyết định dự toán và phê chuẩn quyết toán ngân sách địa phương, Báo cáo viên đã đưa ra 20 đầu mục giúp các học viên hệ thống hóa lại những kiến thức chung nhất về ngân sách nhà nước; nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND trong lĩnh vực ngân sách; nội dung của dự toán ngân sách địa phương; những căn cứ lập dự toán thu ngân sách nhà nước; các loại phí do HĐND tỉnh quyết định…

Đối với nội dung phân bổ vốn đầu tư công từ nguồn ngân sách địa phương, Báo cáo viên nhấn mạnh: Điều kiện quyết định chủ trương đầu tư phải bảo đảm các yếu tố như phù hợp với chiến lược, quy hoạch và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Không trùng lặp với các chương trình, dự án đã có quyết định chủ trương đầu tư hoặc đã có quyết định đầu tư. Phù hợp với khả năng cân đối nguồn vốn đầu tư công và khả năng huy động các nguồn vốn khác đối với các chương trình, dự án sử dụng nhiều nguồn vốn…

Phát huy vai trò “nhạc trưởng”

Với chuyên đề Kỹ năng hoạt động tư pháp của HĐND, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Đặng Đình Luyến đã đi sâu phân tích các vấn đề chung nhất về giám sát trong lĩnh vực tư pháp; kỹ năng xem xét báo cáo của các cơ quan tư pháp; kỹ năng tổ chức giám sát chuyên đề; kỹ năng tổ chức chất vấn; kỹ năng tổ chức phiên giải trình có liên quan về lĩnh vực tư pháp; kỹ năng thẩm tra báo cáo và giám sát việc giải quyết các khiếu nại, tố cáo liên quan về lĩnh vực tư pháp… “Đại biểu cần nâng cao nhận thức, trách nhiệm, am hiểu pháp luật; thể hiện rõ bản lĩnh, công tâm, dám nói thẳng những thiếu sót, khuyết điểm, đi đến cùng vấn đề. Khi có nghị quyết, kết luận, kiến nghị về giám sát, cần theo dõi, đôn đốc cơ quan, cá nhân có trách nhiệm thực hiện nghiêm chỉnh vấn đề đã được giám sát”, Báo cáo viên nhấn mạnh.

Đặc biệt, từ những ví dụ sinh động về các phiên điều trần của nghị viện các nước như Mỹ, Canada, Pháp hay các phiên giải trình của Thường trực HĐND các tỉnh như Nghệ An, Đồng Tháp… Báo cáo viên đã giúp các đại biểu dân cử hiểu sâu về Tổ chức, tham gia phiên giải trình của Thường trực HĐND. Báo cáo viên lưu ý, đưa ra giải trình phải là các vấn đề chưa được làm rõ, còn có những thông tin khác nhau, thậm chí còn mâu thuẫn với nhau thuộc trách nhiệm giải quyết của UBND, sở, ngành liên quan. Cần ưu tiên các vấn đề “nóng”, không nên “ôm đồm” quá nhiều nội dung cho một phiên giải trình. Cần chuẩn bị kỹ lưỡng thông tin giải trình và chuẩn bị bộ câu hỏi “sát, đúng, trúng”.

Khi phát biểu, hoặc hỏi, đại biểu nên sử dụng ngôn ngữ ôn hòa nhưng thể hiện được lập luận chắc chắn, lý lẽ chặt chẽ, không né tránh, không kiêng nể và đi vào trực diện vấn đề. Đặc biệt, với vai trò “nhạc trưởng”, chủ tọa cần kiên quyết, linh hoạt, bám sát chủ đề, nội dung và nên điều hành theo kiểu cuốn chiếu. Kết thúc phiên giải trình, chủ tọa phải đưa ra được kết luận yêu cầu đối tượng giám sát chịu trách nhiệm giải quyết các vấn đề tồn tại theo mốc thời gian cụ thể... 

BÁCH HỢP