Hành lang pháp lý cho đô thị thông minh

- Thứ Tư, 03/07/2019, 09:25 - Chia sẻ
Cả nước hiện đã có gần 30 địa phương ký kết biên bản hợp tác với các tập đoàn công nghệ viễn thông lớn như VNPT, Viettel để xây dựng Đề án đô thị thông minh. Tuy nhiên, quá trình triển khai còn gặp nhiều lúng túng vì thiếu hành lang pháp lý cho các dự án đô thị thông minh.

Chất lượng đô thị thấp

Tính đến năm 2019, cả nước đã có hơn 830 đô thị với trình độ phát triển khác nhau, chia theo 5 loại đô thị từ loại I đến loại V và 2 đô thị loại đặc biệt. Dân số đô thị tập trung vào các đô thị lớn, trong đó có 19 đô thị đặc biệt và loại I, chiếm trên 50% dân số đô thị cả nước. Chính vì mật độ dân số đông, nên các thành phố lớn đang phải chịu sự quá tải về hạ tầng kỹ thuật; trong khi khoảng 90% đô thị có điều kiện hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội còn đơn giản. Ông Trần Ngọc Linh, Cục Phát triển đô thị, Bộ Xây dựng nêu thực tế, chất lượng đô thị nhìn chung còn thấp, thể hiện ở các khía cạnh như sự yếu kém trong công tác quy hoạch và quản lý phát triển đô thị; sự quá tải của hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và dịch vụ đô thị; việc bảo vệ tài nguyên đất đai, năng lượng và nguồn nước ngầm, không gian xanh và môi trường; việc làm và thu nhập cho dân cư; vấn đề nhà ở, cung cấp lương thực, thực phẩm cũng như khả năng chống chịu, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Đô thị thông minh có mức độ phát triển khác nhau, tùy thuộc vào mục tiêu hướng đến của mỗi quốc gia. Ở các nước phát triển, vì đã có hệ thống cơ sở hạ tầng phát triển nên họ hướng tới xây dựng, phát triển môi trường thông minh, kinh tế thông minh, giảm rác thải và năng lượng tái tạo nhiều nhất có thể. Đối với các nước đang phát triển, hệ thống cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng yêu cầu cơ bản của đô thị bình thường nên còn phải chú trọng nâng cấp cơ sở hạ tầng, điện nước thông minh, giảm rác thải…

Trong bối cảnh đó, sự phát triển của công nghệ thông tin và truyền thông với những năng lực mới do công nghệ đem lại như điện toán đám mây, kết nối và đo lường trực tuyến, xử lý dữ liệu lớn khi ứng dụng công nghệ nhận dạng, công nghệ số, di động và internet vạn vật giúp đô thị xây dựng các chiến lược thích ứng mới nhằm tối ưu hóa sử dụng tài nguyên và năng lượng, nâng cao khả năng ứng phó và chống chọi với thách thức, phối hợp giải quyết các vấn đề ở quy mô lớn hơn, toàn diện hơn và kịp thời hơn.

Từ năm 2012, Đà Nẵng đã sớm phê duyệt Đề án xây dựng thành phố thông minh hơn và tổ chức triển khai thực hiện trên toàn địa bàn. Bình Dương đã chủ động hợp tác với đối tác Hà Lan triển khai xây dựng đô thị thông minh áp dụng mô hình 3 nhà. Trên cả nước hiện đã có gần 30 địa phương ký kết biên bản hợp tác với các tập đoàn công nghệ viễn thông lớn như VNPT, Viettel để xây dựng Đề án đô thị thông minh, trong đó nhiều địa phương đã phê duyệt và tổ chức thực hiện như Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ… Tuy nhiên, quá trình triển khai còn gặp nhiều lúng túng vì thiếu hành lang pháp lý.

Thiếu quy chuẩn, tiêu chuẩn

Hiện Việt Nam chưa có quy chuẩn về đô thị thông minh. Theo Quyết định số 950/TTg phê duyệt Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018 - 2025, định hướng đến năm 2030, việc xây dựng và hoàn thiện nền tảng pháp lý là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu; đồng thời xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu nền tảng, đồng bộ, bởi không có cơ sở dữ liệu sẽ không thể quy hoạch, quản lý đô thị thông minh và không thể cung cấp dịch vụ cho người dân. Theo đó, các bộ, ngành liên quan sẽ nghiên cứu, lồng ghép chính sách quy hoạch, quản lý và phát triển đô thị thông minh trong Luật Quản lý phát triển đô thị; rà soát, đề xuất, sửa đổi, bổ sung hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn và các quy định, hướng dẫn liên quan đến quy hoạch, xây dựng, hạ tầng kỹ thuật và quản lý đô thị; xây dựng quy định khung về công nhận khu đô thị thông minh và các chính sách ưu tiên, ưu đãi.

Giám đốc Sở Xây dựng TP Hà Nội Hoàng Cao Thắng cho biết, Hà Nội là 1 trong 3 thành phố từ nay đến năm 2025 xây dựng chính quyền đô thị thông minh. Hà Nội đã và đang tập trung triển khai xây dựng nền tảng công nghệ thông tin bảo đảm phát triển mạnh mạng nội bộ, băng thông rộng; xây dựng, sử dụng phần mềm dùng chung 3 cấp; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý dân cư và một số lĩnh vực khác như giáo dục, y tế; thu hút chủ đầu tư xây dựng một số đô thị thông minh. Tuy nhiên, thực tế Hà Nội vẫn gặp nhiều vướng mắc pháp lý do định nghĩa, cơ chế về đô thị thông minh chưa rõ ràng; chưa có hướng dẫn cụ thể về việc thuê, sử dụng các dịch vụ viễn thông, khai thác cơ sở dữ liệu… nên đòi hỏi cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện hành lang pháp lý.

Phạm Hải