Ngày môi trường thế giới 2020

Hành động vì thiên nhiên

- Thứ Sáu, 05/06/2020, 07:21 - Chia sẻ
Ngày 5.6 hàng năm được Liên Hợp Quốc chọn làm Ngày Môi trường thế giới. Đây là một trong những ngày lễ quan trọng hàng đầu của Liên Hợp Quốc nhằm thúc đẩy nhận thức và hành động vì môi trường trên toàn thế giới.

Ngăn chặn sự tuyệt chủng của các loài động, thực vật

Trong những năm qua, Ngày Môi trường thế giới đã trở thành sự kiện toàn cầu, được hàng triệu người ở hơn 100 quốc gia, tổ chức tham gia. Theo chương trình môi trường của Liên Hợp Quốc, năm 2020 là năm dành cho sự cấp thiết, tham vọng và hành động để giải quyết cuộc khủng hoảng mà con người phải đối mặt với thiên nhiên, là cơ hội để kết hợp đầy đủ hơn các giải pháp dựa trên thiên nhiên vào hành động khí hậu toàn cầu. Chính vì vậy, chủ đề Ngày Môi trường thế giới năm 2020 là “Hành động vì thiên nhiên”, với mục tiêu là thúc đẩy các quốc gia trong việc cam kết bảo tồn và khôi phục đa dạng sinh học thông qua các biện pháp, hoạt động nhằm phục hồi các hệ sinh thái, ứng phó biến đổi khí hậu, tăng cường an ninh lương thực, bảo vệ tài nguyên nước. Hành động vì thiên nhiên cũng là tiếng gọi mỗi người chúng ta phải cùng chung tay có những hành động cụ thể, thiết thực vì thiên nhiên và trái đất của chúng ta.

Ngày Môi trường thế giới năm 2020 sẽ do Cộng hòa Colombia phối hợp với Cộng hòa liên bang Đức tổ chức. Bộ trưởng Bộ Môi trường Đức Jochen Flasbarth nhấn mạnh: “Không có thời điểm nào tốt hơn hiện nay để đến với nhau trên hành tinh này”. Hành động chống biến đổi khí hậu và bảo tồn đa dạng sinh học là hai mặt của cùng một đồng xu. Chúng ta cần phát triển các chính sách ngăn chặn sự tuyệt chủng của các loài thực vật và động vật. Đức hỗ trợ Colombia và các quốc gia thành viên khác khởi đầu hành động vì đa dạng sinh học trong năm 2020. Theo một báo cáo mang tính đột phá trong năm 2019 của nhóm nghiên cứu “Nền tảng chính sách khoa học liên chính phủ về đa dạng sinh học và dịch vụ hệ sinh thái” (IPBES), dự báo diễn tiến tiêu cực hiện nay đối với các hệ sinh thái và đa dạng sinh học sẽ làm suy yếu tới 80% tiến trình thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc liên quan đến nghèo đói, y tế, tiêu dùng, sản xuất bền vững, nước, đô thị, khí hậu, đại dương và đất đai.

Hành động mỗi ngày để bảo vệ môi trường

Trước khi bước vào “thập niên phục hồi hệ sinh thái”, tôi cho rằng, Việt Nam cần chủ động để khẳng định được sự đóng góp trong việc thực hiện các mục tiêu chung của quốc tế về bảo tồn đa dạng sinh học thông qua việc xây dựng các cơ chế chính sách mới, triển khai thực hiện các chiến lược, kế hoạch, chương trình, đề án về bảo tồn, sử dụng bền vững đa dạng sinh học, phục hồi các hệ sinh thái rừng, biển, đất ngập nước bị suy thoái; bảo tồn hiệu quả loài và nguồn gene. Bên cạnh đó, tăng cường giải pháp quản lý thích ứng với biến đổi khí hậu, hướng dẫn áp dụng các giải pháp dựa vào thiên nhiên để giảm nhẹ tác động tới các hệ sinh thái và đa dạng sinh học

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường VÕ TUẤN NHÂN

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân cho biết, Ngày Môi trường thế giới và ngày Đại dương thế giới năm 2020 diễn ra trong bối cảnh toàn cầu đang phải chống đại dịch Covid-19. Chính vì vậy, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã sớm chủ động xây dựng các phương án và ban hành những văn bản hướng dẫn, định hướng các cấp, ngành và địa phương xây dựng các kế hoạch truyền thông, tuyên truyền. Theo đó, khuyến khích, đổi mới cách thức theo hướng tiết kiệm, hiệu quả, có sức lan tỏa, ảnh hưởng mạnh mẽ đến nhận thức của cộng đồng như treo băng rôn, pano, áp phích được làm từ các vật liệu thân thiện với môi trường tại các khu vực công cộng, đường phố, trụ sở cơ quan làm việc. Bên cạnh đó, Bộ cũng xây dựng các chương trình, phát động các cuộc thi, phong trào thiết thực ý nghĩa, cổ vũ lan tỏa tới cộng đồng, cụ thể như: Tọa đàm đối thoại về chủ đề Ngày Môi trường thế giới và Ngày Đại dương thế giới sẽ phát sóng trên Đài Truyền hình Việt Nam. Chương trình phối hợp giữa Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và Bộ Tài nguyên và Môi trường với các tỉnh, thành phố tổ chức cuộc thi sáng kiến “Mô hình văn phòng xanh thân thiện với môi trường”…

Cũng theo Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân, Việt Nam được ghi nhận là 1 trong 16 quốc gia có tính đa dạng sinh học cao trên thế giới. Hiện cả nước có 173 khu bảo tồn với tổng diện tích hơn 2.500ha, gồm 33 vườn quốc gia, 66 khu dự trữ thiên nhiên, 18 khu bảo tồn loài và sinh cảnh, 56 khu bảo vệ cảnh quan. Đồng thời có 9 khu Ramsar với tổng diện tích hơn 120.000ha; có 10 khu bảo tồn biển đã được thành lập với tổng diện tích gần 188.000ha; có 9 khu vực được công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới với tổng diện tích hơn 4,2 triệu héc ta. Trong năm 2019, được Ban thư ký ASEAN công nhận thêm 4 vườn di sản ASEAN, nâng tổng số vườn di sản ASEAN của Việt Nam thành 10 khu. Đặc biệt, mới đây nhất đã thành lập 2 khu bảo tồn đất ngập nước là Thái Thụy (tỉnh Thái Bình) và Phá Tam Giang - Cầu Hai (tỉnh Thừa Thiên Huế). Tuy nhiên, cùng với công nghiệp hóa, đô thị hóa mạnh mẽ, gia tăng dân số và biến đổi khí hậu đã tạo sức ép lớn đến đa dạng sinh học của Việt Nam.

Bộ Tài nguyên và Môi trường kêu gọi các bộ, ngành và người dân chung tay bảo vệ môi trường, bảo vệ hành tinh xanh bằng những hành động rất nhỏ nhưng vô cùng có ý nghĩa đối với môi trường như: phân loại rác tại nguồn; sử dụng các vật liệu có từ thiên nhiên; hạn chế việc việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và bỏ vỏ nơi quy định hoặc giao cho các công ty tái chế phế liệu; sử dụng năng lượng sạch từ những nguồn năng lượng có thể tái tạo; hạn chế sử dụng đồ nhựa và túi nilon, rác thải kim loại, kim loại độc hại; không lãng phí đồ ăn, thức uống; trồng nhiều cây xanh, bảo vệ nguồn nước; ưu tiên sử dụng các sản phẩm tái chế…

Đặc biệt, các cơ quan truyền thông đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng không săn bắt động vật quý hiếm, có nguy cơ tuyệt chủng; không khai thác, đánh bắt, sử dụng cạn kiệt nguồn tài nguyên thiên nhiên; xây dựng nền kinh tế tuần hoàn chất thải, chống rác thải nhựa trên cạn và đại dương…

NHẬT ANH