Đông Nam Á đối phó với vấn nạn nhập khẩu rác thải nhựa

Hành động trước khi quá muộn

- Chủ Nhật, 07/07/2019, 09:05 - Chia sẻ
75% rác thải xuất khẩu toàn cầu có điểm dừng chân ở châu Á. Nhưng kể từ tháng 7.2017, khi Trung Quốc bắt đầu cấm nhập khẩu chất thải nhựa, Đông Nam Á đã trở thành bãi rác cho các nước giàu. Thực tế, lượng rác nhựa được nhập khẩu vào các quốc gia như Philippines, Malaysia hay Indonesia đã tăng hơn gấp đôi.

Để không thành “bãi rác” của thế giới 

Theo East Asia Forum, khi lượng rác thải nước ngoài tích tụ ngày một nhiều cùng với sự phẫn nộ gia tăng của người dân địa phương, chính phủ các nước Đông Nam Á bắt đầu từ chối các hành động có thể biến mình thành “bãi rác thế giới”. Cả Malaysia và Philippines gần đây đã công bố kế hoạch trả lại rác thải có nhãn mác không phù hợp từ các nước phương Tây. Trong khi đó, Malaysia, Thái Lan và Việt Nam gần đây cũng đã hạn chế nhập khẩu chất thải nhựa và đang lên kế hoạch cấm hoàn toàn trong những năm tới.

Liệu những lô hàng trả lại và các biện pháp hạn chế là dấu hiệu cho thấy việc quản lý rác thải trong khu vực đang có thay đổi và cải thiện? Câu trả lời làKhông. Hiện nay, người ta bắt đầu nhận thức nhiều hơn về các vấn đề môi trường xã hội có liên quan đến rác thải, đặc biệt là rác thải nhựa. Báo cáo của Global Alliance for Incinerator Alternators chỉ rõ, trên khắp Đông Nam Á chất thải đang gây ra nhiễm độc nước, mùa màng thất bát và các bệnh về đường hô hấp. Loài cá đang phải ăn rất nhiều rác nhựa. Rất nhiều cá voi chết đang xuất hiện ở Thái Lan và Indonesia với nhiều kilôgram nhựa trong bụng. Những thực tế đó cùng nhiều yếu tố khác đã buộc Đông Nam Á phải quyết định từ chối hoặc hạn chế chấp nhận rác thải bổ sung từ các nước thu nhập cao.

Có một lưu ý tích cực khác, Công ước Basel - điều chỉnh chất thải nguy hại toàn cầu - đã được sửa đổi vào tháng 5.2019. Những người đề xuất Công ước hy vọng, những thay đổi sẽ buộc các nước thu nhập cao phải giải quyết vấn đề chất thải của chính họ, thay vì lẩn tránh chúng bằng cách đẩy sang các nước đang phát triển.

Ở khía cạnh ít tích cực hơn, một số nước châu Á vẫn chưa có những hạn chế nghiêm ngặt đối với rác thải. Chẳng hạn, Indonesia vẫn cho phép nhập khẩu chất thải nhựa để hỗ trợ các hoạt động công nghiệp. Thống kê cho thấy, lượng chất thải nhựa và phế liệu mà nước này nhập khẩu năm 2018 đã tăng 141%.

Rất nhiều rác thải cũng đang xâm nhập trái phép vào các nước Đông Nam Á. Một cuộc kiểm toán cho thấy, gần một phần ba chất thải được nhập khẩu vào Đông Java, được dán nhãn là phế liệu giấy mặc dù thực tế chúng là nhựa phế liệu bất hợp pháp. Điều đó có nghĩa là những lệnh cấm từng phần có thể phản tác dụng. Ví dụ, việc xử lý chất thải của Indonesia, vốn tệ hơn nhiều nơi khác, nhưng, như các dự án NGO Balifokus, quốc gia này sẽ sớm trở thành nhà nhập khẩu rác thải lớn nhất.

Cần quản lý rác thải nhựa hiệu quả hơn

Một vấn đề lớn hơn cả là những thay đổi cần thiết để cải thiện mạnh mẽ việc quản lý rác thải nhựa tại các quốc gia này vẫn chưa có. Tiêu thụ nhựa sử dụng một lần vẫn còn cao đáng lo ngại ở đây. Các lệnh cấm hoặc đánh thuế toàn diện, chẳng hạn như trên các túi sử dụng một lần, mới có rất ít. Thực tế, có nước như Thái Lan, vẫn sử dụng tới 200 tỷ túi nhựa mỗi năm.

Việc quản lý rác thải ở những quốc gia trên cũng rất bất cập. Tỷ lệ tái chế trên toàn thế giới, đặc biệt là ở Đông Nam Á, vẫn còn thấp. Nhiều nơi không có phân loại rác thải sinh hoạt. Xả rác vẫn lan tràn. Ở quy mô hộ gia đình và cộng đồng, cơ sở hạ tầng không đầy đủ góp phần đáng kể vào vấn đề ô nhiễm nhựa. Thùng rác thường quá nhỏ, không được đậy nắp và được thu gom thường xuyên.

Nhiều bãi rác Đông Nam Á không được chuẩn bị để đối phó với khối lượng chất thải nhựa đang ngày một nhiều lên. Trong số 27,8 triệu tấn chất thải nhựa của Thái Lan trong năm 2018, ít nhất 27% đã bị xử lý không đúng cách, trong đó có việc đổ rác lộ thiên. Phần lớn rác này kết thúc ở đường thủy, sau đó chảy vào đại dương. Hơn một nửa số bãi chôn lấp của Indonesia là bãi rác lộ thiên. Tại đây, rác thải được chất đống bừa bãi, làm tăng nguy cơ lũ lụt, hỏa hoạn và tuyết lở. Những thảm họa đó đã gây ra nhiều thương vong ở Philippines, Indonesia và Ấn Độ.

Một số rác thải cũng bị đốt bất hợp pháp, thải ra khí độc gây hại cho sức khỏe con người. Nhiều nhà quan sát nhận định, các nhà hoạch định chính sách ở Đông Nam Á vẫn chưa ưu tiên quản lý chất thải. Bởi họ vẫn đang cần đầu tư nhiều vào việc cải thiện cơ sở hạ tầng và thiết bị xử lý chất thải.

Nếu các nước Đông Nam Á không còn chấp nhận rác thải từ các nước thu nhập cao, chúng sẽ đi về đâu? Chỉ 9% chất thải nhựa trên toàn thế giới được tái chế. Các nước phương Tây có ít giải pháp dễ dàng để xử lý rác thải nhựa, vì thường rất tốn kém để tự tái chế chúng.

Cuối cùng, các nhà sản xuất cần tạo ra nhiều sản phẩm có thể tái chế tốt hơn. Nhưng một số vật liệu, chẳng hạn như màng bọc nhựa và composite, không thể được xử lý lại dễ dàng. Các nước phương Tây cũng phải tìm cách giảm tiêu thụ nhựa sử dụng một lần. Chẳng hạn, nước dẫn đầu Canada đầu tháng này vừa tuyên bố sẽ cấm một số sản phẩm nhựa dùng một lần có hại vào năm 2021.

Ngọc Minh