“Hang đá nhà thương” đang bị lãng quên

- Thứ Ba, 31/03/2009, 00:00 - Chia sẻ
Trạm phẫu thuật tiền phương - trạm phẫu ban đầu khá quan trọng trong việc cấp cứu thương binh từ các mặt trận như Tuý Loan, Thượng Đức... trong kháng chiến chống Mỹ. Tuy nhiên, sau khi kết thúc sứ mệnh lịch sử của mình, khu di tích này đang bị lãng quên.

Nằm cách TP Đà Nẵng khoảng 30km về phía Tây, trên trục đường ĐT 604 từ Đà Nẵng đi Quảng Nam, có Trạm phẫu thuật tiền phương, nằm gần khu du lịch sinh thái Suối Hoa, xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang, thuộc bệnh viện Hòa Vang trong kháng chiến chống Mỹ. Nơi đây là trạm đón tiếp, sơ cứu ban đầu thương bệnh binh của ta từ các mặt trận như Tuý Loan, Thượng Đức... Từ đây, các y bác sỹ lựa chọn bệnh nhân đi theo tuyến điều trị nào, có những cán bộ chiến sỹ khi về đến đây, do vết thương nặng đã trút hơi thở cuối cùng, cũng đựơc bộ đội và nhân dân địa phương chôn cất tại chốn này. Tuy nhiên, khu di tích này đã và đang bị bỏ quên.

Theo lời kể của anh Alăng Dũng, hiện là công an viên thôn Phú Túc, xã Hòa Phú, Trạm phẫu thuật tiền phương (người dân địa phương gọi là Hang đá nhà thương) ra đời từ khoảng đầu những năm 60 của thế kỷ trước do nhu cầu phục vụ kháng chiến cứu nước, trạm phẫu thuật được đặt trong một hệ thống hang đá “dài không đếm nổi”, tuy nhiên đường vào hang đá lớn nhất có chu vi rộng khoảng hơn 20m2 thì chỉ có một khe hở 1 người đi lọt nên người dân địa phương gọi là khe Chẹt. Tại hang đá chính, các y, bác sỹ thời đó đã dùng làm “phòng phẫu thuật” cho thương binh từ các nơi chuyển đến. “Phòng ở” của các y, bác sỹ cũng như dân quân, du kích đi khiêng thương binh hồi đó là những hốc đá tự nhiên có sẵn trong hệ thống hang động này. Khi thương binh được chuyển về đây nhiều thì tất cả nhân viên phục vụ đều huy động các hang đá sạch sẽ và bằng phẳng nhất cho người bệnh, có những khi cùng lúc trạm phẫu này đã đón tiếp, sơ cứu cho khoảng 15 người.

Thậm chí nơi đây còn là nơi “nghỉ dưỡng tạm thời” cho bộ đội ta đánh giặc ở những vùng xung quanh đó vì hệ thống hang động tại đây rất kỳ lạ, được tạo thành bởi những trụ đá lớn và phía bên trên là những tảng đá to, dày đến hàng mét nằm vắt ngang, nên khi bom hoặc pháo kích Mỹ, ngụy đổ đến thì thương binh và bộ đội ta vẫn an toàn.

Theo người dân địa phương, Trạm phẫu kết thúc sứ mệnh lịch sử vào khoảng thời gian sau cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân-1968. Tuy nhiên, khu vực di tích này hiện đã bị hoang hóa. Vào thời điểm sau giải phóng, chính quyền địa phương đã phá một phần trạm phẫu này để làm đường ĐT 604. Bên cạnh đó, do lâu ngày, lại trải qua gió mưa, bão lụt khốc liệt, cát bồi, đá lở nên trạm phẫu đã bị cây cối cũng như cỏ dại gần như phủ kín. Chính quyền địa phương cũng chưa có động thái tích cực gì để phục hồi, hoặc lập bia ghi nhớ công lao những người đã cống hiến, hoặc đã ngã xuống vì độc lập Tổ quốc.

Bí thư Đảng ủy xã Hòa Phú, Phan Phụng Trung cho biết: Tôi là người không trực tiếp tham gia hoạt động tại Trạm phẫu thuật tiền phương (hang đá nhà thương), tuy nhiên nghe thế hệ trước kể lại thì đây là trạm phẫu ban đầu khá quan trọng trong việc cấp cứu thương binh rồi chuyển lên tuyến trên. Bên cạnh đó, đây còn là khu vực nghỉ ngơi của bộ đội ta mà theo tôi biết thì đó là Đại đội ông Cật; Tiểu đoàn Lam Sơn; Trung đoàn kết nghĩa với Hải Phòng... Hiện nay, chúng tôi cũng đang thu thập tài liệu để đề xuất với cơ quan chức năng lập bia tưởng niệm tại đây nhằm khắc ghi lịch sử hào hùng của dân tộc, đồng thời là bài học để nhắc nhở thế hệ trẻ sau này tiếp nối truyền thống cha ông, gắng sức mình bảo vệ và xây dựng quê hương, đất nước.

Nguyễn Sơn (TTXVN)