Hệ thống pháp Luật Về bảo Vệ môi trường ở Hàn Quốc

Hàn Quốc Xanh - cân đối giữa tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường

- Chủ Nhật, 02/08/2020, 07:46 - Chia sẻ
Môi trường của Hàn Quốc đã xấu đi nghiêm trọng sau 30 năm công nghiệp hóa và đô thị hóa. Chính vì vậy, bắt đầu từ những năm 1990, hàng loạt chính sách, biện pháp bao gồm cả những biện pháp quản lý truyền thống cũng như những biện pháp dựa trên nguyên tắc thị trường đã được thực hiện. Hàn Quốc Xanh 2006 là một tổng thể các chính sách môi trường khổng lồ, minh chứng cho sự phát triển cân đối giữa tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường.

Chính sách giảm ô nhiễm không khí

Hàn Quốc xanh 2006 là chính sách phát triển tổng thể nhằm xây dựng một quốc gia bền vững và phát triển hơn. Trong đó, Hàn Quốc đã đề cập nhiều về khả năng tăng trưởng xanh với việc xây dựng xã hội giảm khí thải carbon, vừa cải thiện chất lượng môi trường không khí trong nước vừa góp phần ngăn cản sự ấm lên của trái đất. Hiện Hàn Quốc đã thành lập Quỹ đối phó với thay đổi khí hậu, trị giá 31.000 tỷ won, trong đó Chính phủ đóng góp 16.000 tỷ won, tư nhân đóng góp 15.000 tỷ won. Công tác đầu tư nghiên cứu phát triển về vấn đề biến đổi khí hậu cũng được chú trọng, kinh phí cho lĩnh vực này tăng từ 6,4% năm 2008 lên 8,5% năm 2012. Một biện pháp khác để giảm khí thải carbon là đánh thuế và thu phí đối với các cơ sở phát thải nhiều. Ngoài ra để hạn chế các phương tiện giao thông cá nhân, nhà nước tăng đầu tư vào hệ thống tàu điện, tàu điện ngầm, khuyến khích dùng xe đạp, xây dựng những khu nhà không thải khí carbon. Quy định nhãn hàng hóa phải có ghi chứng chỉ về khí thải carbon đã được thực hiện vào tháng 1.2009.

Hàn Quốc thu phí đổ rác theo khối lượng

Để giảm lượng ô nhiễm do xe chạy dầu diesel gây ra, chính phủ Hàn Quốc đã thực hiện Chương trình xe cơ giới sử dụng khí ga ở các vùng đô thị. Dự án thí điểm bắt đầu vào năm 1998. Bộ Môi trường đặt kế hoạch thay thế 23.000 xe chạy bằng dầu diesel sang sử dụng khí ga và xây dựng 400 trạm tiếp ga vào năm 2010. Để làm tăng nhu cầu về xe bus sử dụng khí ga, nhà nước đã có những khuyến khích về mặt tài chính và thuế cho những người mua xe sử dụng khí ga hoặc những người kinh doanh bơm khí ga. Lợi ích của dự án này được dự đoán lên đến 1.570 tỷ won trong cải thiện môi trường và 1.220 tỷ won trong lợi ích kinh tế.

Hàn Quốc cũng áp dụng chế độ trao đổi tiêu chuẩn khí thải đi kèm với chế độ định mức khí thải. Mỗi công ty hay nhà máy lớn sẽ được cấp tiêu chuẩn phát thải một khối lượng khí gây ô nhiễm nhất định, tùy theo năng lực sản xuất và ngành sản xuất. Nếu nhà máy sản xuất nhiều hơn, khối lượng khí gây ô nhiễm nhiều hơn thì có thể đàm phán với công ty hay nhà máy nào đó chưa dùng hết tiêu chuẩn khí thải để mua lại phần tiêu chuẩn còn thừa đó.

Cải cách thuế năng lượng cũng là một trong những giải pháp. Do giá dầu diesel rẻ hơn xăng, chỉ bằng 47% giá xăng năm 2000 và bằng 63% năm 2004, nên nhiều người vẫn thích sử dụng xe chạy dầu diesel. Chính phủ đã hạn chế bằng cách tăng giá dầu diesel. Đến tháng 7.2007, giá dầu diesel đã bằng 87% giá xăng, trong khi giá ga hóa lỏng (LPG) vẫn được duy trì thấp, bằng 50% giá xăng vào năm 2007.

Thùng rác phân loại

Các chính sách giảm ô nhiễm nước

Bốn dòng sông lớn là sông Hàn, sông Nakdong, sông Geum và sông Yongsan (còn gọi là sông Sumjin) là nguồn cung cấp nước chủ yếu cho hơn 40 triệu người dân Hàn Quốc. Trong vòng 5 năm (1998 - 2003) Chính phủ đã chi 11,1 nghìn tỷ won (9,65 tỷ USD) cho các dự án xây dựng các vùng đệm ở các bờ sông, hệ thống cống để có thể kiểm soát nước thải. Tính đến năm 2006 đã có 85,5% dân số được kết nối với hệ thống cống. Vùng đệm trên thượng nguồn của 4 con sông cũng được xây dựng. Vùng đệm ven sông cách mép nước từ 300 đến 1.000m. Việc khai thác gỗ, xây dựng khu công nghiệp, khách sạn nhà hàng, chăn nuôi trong khu vực này bị hạn chế nghiêm ngặt.

Kế hoạch tổng thể về quản lý môi trường nước được Bộ Môi trường trình Chính phủ vào tháng 9.2006, đưa ra một tổng thể các chính sách nhằm tăng cường chất lượng nước. Theo kế hoạch, Hàn Quốc cho xây các trạm kiểm soát nước để đánh giá chất lượng. Hiện nay có 1.476 trạm kiểm soát chất lượng nước hoạt động trên cả nước, trong đó 697 trạm cho các sông, 185 trạm cho các hồ, 474 trạm cho các vùng nông nghiệp và 120 trạm cho các khu vực khác. Có 2.499 trạm kiểm soát nước ngầm dùng để đánh giá chất lượng nước qua 20 hạng mục và việc kiểm tra mẫu được làm 2 lần trong một năm.

Chất lượng nước vùng ven biển cũng phân làm 3 loại. Có 35 vùng biển đạt tiêu chuẩn cao nhất, nằm trong loại I, 55% đạt loại II và 10% còn lại thuộc loại III. Nạn thủy triều đỏ xảy ra ở một số vùng, gây thiệt hại lớn cho ngành cá ở các vùng này. 5 vùng biển bị ảnh hưởng lớn gồm Vịnh Masan- Chinhae, ở vùng biển phía nam và vùng Incheon-Sihwa gần Seoul đã đưa vào danh sách “Những vùng biển cần quản lý đặc biệt” trong Luật Ngăn chặn ô nhiễm biển năm 2000. 4 vùng khác cũng được đưa vào danh sách “Vùng biển cần bảo tồn” trong năm 2000.

Năm 1995, Hàn Quốc đã áp dụng một hệ thống phí đối với dịch vụ liên quan tới môi trường. Theo đó người tiêu dùng phải trả phí khi mua nước khoáng. Tỷ lệ phí là 7,5% giá bán lẻ nước khoáng. Số tiền thu được sẽ dùng cho các dự án cải thiện chất lượng nước và quản lý nước ngầm.

Chính sách quản lý rác thải

Diện tích lãnh thổ hẹp, dân cư đông đúc, đã làm cho Hàn Quốc được xếp vào hàng các nước có mức độ thải rác cao nhất thế giới. Nhiều đô thị lớn, đặc biệt là Seoul đã lâm vào tình trạng khủng hoảng rác. Để giải quyết vấn đề này chính quyền đã khuyến khích phân loại rác sinh hoạt và phát triển các cơ sở tái chế. Từ tháng 1.1995, Hàn Quốc thực hiện một chính sách mới, đó là thu phí đổ rác theo khối lượng. Theo quy định mới các hộ gia đình phải mua túi đựng rác từ chính quyền thành phố, phải phân loại rác theo kích thước và tập trung những rác có thể tái chế như giấy, plastic, đồ gỗ... vào một nơi nhất định. Thùng rác không những có cấu tạo nắp kín, mà còn có khóa từ, các chủ hộ trong khu dân cư mới được sử hữu thẻ từ để mở các khóa này. Khoản thu từ tiền bán túi đựng rác được chính quyền địa phương dùng để hỗ trợ cho kinh phí cho việc thu gom, chuyên chở rác và cả tái chế. Để mọi người quen với quy định mới, Chính phủ đưa ra mức phạt 100.000 won (khoảng 125 USD) với những hộ nào vi phạm quy định. Ngoài việc bị phạt tiền những người vi phạm còn bị nêu tên trên báo địa phương và bị coi như người vi phạm luật.

Cách làm này đã góp phần nâng cao ý thức về bảo vệ môi trường của người dân, tạo sự đồng thuận trong xã hội. Báo cáo nhanh của Chính phủ cho biết lượng rác thải đã giảm 31% trong 5 ngày đầu thực hiện quy định mới. Theo nhận xét của một quan chức OECD thì chưa có một nước công nghiệp nào lại có sự thay đổi về chính sách nhanh và quyết liệt như thế. Biện pháp mới này đã góp phần làm giảm khối lượng rác thải, giảm bớt sự căng thăng về nơi đổ rác, đồng thời thúc đẩy sự phát triển công nghệp tái chế.

Bên cạnh đó, Bộ Môi trường cũng đưa ra chính sách giảm thiểu rác thải trong kinh doanh. Chế độ này được áp dụng cho những doanh nghiệp mỗi năm thải hơn 200 tấn rác đã ghi trong danh mục và 1.000 tấn rác thông thường. Các doanh nghiệp này năm trong 14 lĩnh vực công nghiệp như công nghiệp xây dựng, công nghiệp lọc dầu, công nghiệp hóa chất, công nghiệp chế tạo ô tô… Theo kết quả nghiên cứu năm 2007 của Bộ Môi trường thì sự giảm bớt chất thải năm 2006 đã tạo ra lợi ích kinh tế trị giá 400 tỷ won, bao gồm giảm chi phí sản xuất và giảm chi phí môi trường so với năm 2004. Kết quả này đã góp phần vào công cuộc ngăn chặn ô nhiễm môi trường ở cấp quốc gia.

Quốc Đạt