Cơ quan phụ trách bầu cử

Hàn Quốc: Cơ quan hiến định độc lập

- Thứ Sáu, 19/09/2014, 08:48 - Chia sẻ

Theo Điều 114 của Hiến pháp Hàn Quốc, Ủy ban Bầu cử quốc gia (NEC) là cơ quan hiến định độc lập. Ủy Ban bầu cử quốc gia tổ chức các cuộc bầu cử, trưng cầu dân ý của quốc gia, xử lý các vấn đề hành chính liên quan đến các đảng chính trị và các quỹ chính trị. Ủy ban Bầu cử quốc gia được chia thành 4 cấp khác nhau bao gồm: Ủy ban Bầu cử Quốc gia cấp Trung ương; Ủy ban bầu cử cấp tỉnh/thành phố (hiện có 17 Ủy ban); Ủy ban Bầu cử cấp quận/huyện (hiện có 250 Ủy ban); Ủy ban Bầu cử cấp xã/phường/thị trấn (hiện có 3.481 Ủy ban). Nhiệm kỳ của các thành viên của Ủy ban là 6 năm. Các thành viên của Ủy ban không tham gia đảng phái chính trị và cũng không tham gia vào các hoạt động chính trị.


Ủy ban Bầu cử quốc gia cấp Trung ương bao gồm 9 ủy viên; 3 ủy viên được chỉ định do Tổng thống, 3 ủy viên do Quốc hội bầu và 3 ủy viên được chỉ định bởi Chánh án Tòa án tối cao. Đứng đầu Ủy ban Bầu cử quốc gia là Chủ tịch, tiếp đó là ủy viên thường trực và các ủy viên. Chủ tịch, ủy viên thường trực của Ủy ban được bầu trong số các Ủy viên, thông thường thẩm phán Tòa án tối cao được bầu làm Chủ tịch. Ủy viên thường trực là người hỗ trợ, giúp Chủ tịch trong công tác điều hành Ủy ban và giám sát Ban Thư ký theo chỉ đạo của Chủ tịch. Ủy ban Bầu cử quốc gia có các cơ quan trực thuộc là Ban Thư ký, Ban Phát thanh - Truyền hình tranh luận bầu cử và Ban tin tức mạng nghị luận bầu cử.

Ủy ban Bầu cử cấp tỉnh/thành phố gồm Chủ tịch, Ủy viên thường trực và các ủy viên. Đảng phái chính trị có thành viên trong Quốc hội được đề cử một người làm ủy viên, hai thành viên là hai thẩm phán được đề nghị bởi Chánh án tòa án cấp quận/huyện và ba thành viên còn lại được đề cử từ một nhóm của các học giả, cá nhân có trình độ học vấn và đạo đức. Chủ tịch Ủy ban được bầu từ các thành viên, thông thường, Chánh tòa án quận/huyện được bầu làm Chủ tịch. Ủy ban bầu cử quốc gia đề cử Ủy viên thường trực của Ủy ban và người này thực hiện công việc mang tính chất chuyên trách. Ủy ban bầu cử cấp tỉnh/thành phố đô thị có các cơ quan trực thuộc là Ban thư ký và Ban Phát thanh - Truyền hình tranh luận bầu cử.


Ủy ban Bầu cử cấp quận/huyện gồm: Chủ tịch, ủy viên thường trực và các ủy viên. Mỗi Ủy ban Bầu cử có 2 ủy viên được đề cử bởi các đảng phái chính trị có thành viên trong Quốc hội và 6 ủy viên được ủy quyền bởi Ủy ban Bầu cử cấp tỉnh/thành phố đô thị trong số các thẩm phán hoặc những người có trình độ học vấn, đạo đức cao. Ủy ban này có nhiệm vụ quản lý khu vực bầu cử Quốc hội ở địa phương. Ủy ban Bầu cử cấp quận/huyện có bộ phận giúp việc là văn phòng điều hành hoặc một bộ phận điều hành.

Ủy ban bầu cử cấp xã/phường/thị trấn gồm: Chủ tịch, Phó chủ tịch và các ủy viên. Mỗi đảng chính trị có thành viên trong Quốc hội đề cử 2 thành viên trong số những người cư trú tại địa phương. Ủy ban Bầu cử cấp quận/huyện có quyền chỉ định bốn thành viên trong số những người có trình độ học vấn và đạo đức cao. Chủ tịch và Phó chủ tịch được bầu trong số các Ủy viên. Ủy viên Ban bầu cử tại địa phương không giữ vị trí chuyên trách.

Ủy ban Bầu cử quốc gia có nhiệm vụ và trách nhiệm sau: quản lý các cuộc bầu cử; quản lý các cuộc bỏ phiếu; giám sát nghĩa vụ, trách nhiệm của các đảng phái chính trị trong công tác bầu cử; quản lý các vấn đề về bầu cử trong việc quản lý các quỹ chính trị; thực hiện các hoạt động nhằm thúc đẩy sự công bằng, minh bạch trong bầu cử; tuyên truyền, giáo dục về nền bầu cử dân chủ cho công chúng; trao đổi và hợp tác quốc tế; nghiên cứu về bầu cử và hệ thống chính trị.