Hạn chế tác động của biến đổi khí hậu đến nông nghiệp

- Thứ Ba, 17/09/2019, 07:59 - Chia sẻ
TP Hồ Chí Minh là một trong 10 thành phố lớn bị tác động nặng nề bởi biến đổi khí hậu. Theo đó, biến đổi khí hậu tác động đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, trong đó sản xuất nông nghiệp được đánh giá là chịu nhiều hậu quả nặng nề.

Theo nghiên cứu của Ngân hàng châu Á (ADB), lĩnh vực nông nghiệp của TP Hồ Chí Minh sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi sự gia tăng phạm vi, độ sâu và thời gian ngập đối với ngập thường xuyên, xâm nhập mặn do biến đổi khí hậu gây ra. Nghiên cứu cũng khuyến cáo, nếu không có các biện pháp kiểm soát ngập, gần 60% diện tích nông nghiệp sẽ có thể rủi ro bị ảnh hưởng. Ngoài ra, các nguồn nước kênh bị ô nhiễm tràn vào đất nông nghiệp và các diện tích công cộng trống khi ngập cực đoan, có thể tạo ra mối đe dọa đối với sản xuất nông nghiệp và sức khỏe cộng đồng. Bên cạnh đó, trong các điều kiện hạn hán được dự báo đến 2050, vùng ảnh hưởng mặn sẽ lan đến Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè nên có thể ảnh hưởng các cánh đồng nông nghiệp, rừng sản xuất và khu bảo tồn những huyện này.

Để hạn chế những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu đến nông nghiệp, đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh cho biết, với mục tiêu nâng cao khả năng ứng phó, thích nghi với những tác động của biến đổi khí hậu gây ra, giảm phát thải khí nhà kính, bảo đảm sự phát triển bền vững các lĩnh vực chuyên ngành nông nghiệp - nông thôn, Sở sẽ tiếp tục phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho cộng đồng về biến đổi khí hậu. Đồng thời chú trọng đến việc bảo đảm sản xuất nông nghiệp đô thị ổn định, phù hợp quy hoạch tổng thể, ít phát thải; an toàn hệ thống đê điều, tăng cường mảng xanh và bảo tồn đa dạng sinh học khu vực Cần Giờ để giữ “lá phổi xanh” cho thành phố.

Ngoài ra, theo các chuyên gia, TP Hồ Chí Minh cần thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng rừng, bảo đảm khai thác hiệu quả các loại rừng để duy trì và nâng cao khả năng phòng chống thiên tai, suy thoái đất; tăng cường bảo vệ, quản lý và phát triển rừng ngập mặn, các hệ sinh thái đất ngập nước. Đặc biệt, thành phố cần tập trung các giải pháp thích nghi như trồng cây các vùng đệm dọc theo các đê bao bờ sông, bao gồm các đê bao liên quan đến hệ thống chống ngập được đề xuất; quản lý và phục hồi hệ sinh thái ở huyện Cần Giờ, bao gồm sử dụng các loài hoặc giống chịu được mặn và nhiệt độ cao hơn; cải thiện quản lý tài nguyên nước và tưới tiêu, bao gồm thực hiện các biện pháp về giá, bảo tồn một cách hữu hiệu và nghiêm cấm việc sử dụng nước nhiễm mặn để tưới tiêu.

Nhật Phương