Hạn chế suy dinh dưỡng ở trẻ

- Thứ Năm, 19/09/2019, 07:50 - Chia sẻ
Suy dinh dưỡng là tình trạng thiếu hụt năng lượng và các chất dinh dưỡng cần thiết làm ảnh hưởng đến quá trình sống, hoạt động và tăng trưởng bình thường của cơ thể. Đặc biệt, nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời trẻ sẽ thiệt thòi 5 - 10cm chiều cao khi trưởng thành. Điều này gây ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng dân số, lao động và liên quan trực tiếp tới sự phát triển của mỗi quốc gia. Tuy nhiên, đây là chứng bệnh có thể khắc phục và điều trị nhờ việc thay đổi nhận thức và thói quen trong nuôi dưỡng trẻ.

Hạn chế về thể hình, năng suất lao động

Em Tạ Xuân Đức (Dục Tú, Đông Anh, Hà Nội) vừa vượt qua kỳ thi vào lớp 10 và đang chuẩn bị cho năm học mới. Tuy nhiên, điều làm em mặc cảm không đến từ kết quả học tập mà lại từ thể hình bé nhỏ hơn so với bạn bè. Dù đã là học sinh cấp III nhưng em chỉ cao 148cm, đây là chiều cao khiêm tốn so với đa phần các bạn nam cùng lứa tuổi. Bố của Đức, ông Tạ Văn Trình cho biết, khi 3 tuổi tôi thấy cháu thấp còi nên đưa đến bệnh viện khám thì bác sĩ chẩn đoán cháu bị suy dinh dưỡng và đưa ra phác đồ điều trị. Nhưng lúc đó gia đình tôi mới xây nhà, tiền nong cũng không có nhiều nên không điều trị mà chỉ về bồi dưỡng cho con nhiều thịt cá. Cân nặng của Đức có tăng nhưng chiều cao thì vẫn chậm và vẫn thấp bé hơn đa phần các bạn ở lớp nhưng gia đình tôi vẫn cho đó là yếu tố di truyền và để cháu phát triển tự nhiên. Đến nay, khi đứa con đầu lòng của mình đã bước vào tuổi dậy thì và trở thành học sinh cấp III, luôn tự ti về thể hình thấp bé, thiệt thòi hơn so với các bạn về mặt thể chất, ông Trình mới thực sự tỏ ra lo lắng và hối hận.


Cần thường xuyên theo dõi chiều cao, cân nặng, thể trạng của trẻ
Theo nghiên cứu từ Tổng Cục Thống kê (GSO) từ năm 2014 đến nay, tỷ lệ trẻ sinh non, nhẹ cân ở Việt Nam tăng nhẹ từ 5,1% (năm 2011) lên 5,7% (năm 2013) và 6,2% (năm 2018).

Trường hợp của Đức chỉ là một trong rất nhiều trường hợp bị hạn chế về thể hình khi trưởng thành do suy dinh dưỡng ở những năm đầu đời. Nguyên Phó Viện trưởng Viện dinh dưỡng Quốc gia Việt Nam Nguyễn Thị Lâm cho biết, trẻ suy dinh dưỡng khi còn nhỏ sẽ ảnh hưởng khá nhiều đến khi trưởng thành. Suy dinh dưỡng thấp còi và thiếu vi chất dinh dưỡng là những nguyên nhân chính dẫn tới chiều cao thấp ở thanh niên Việt Nam. Những trẻ khi còn nhỏ bị suy dinh dưỡng khi lớn sẽ thấp hơn từ 5 - 10cm so với những trẻ bình thường khác.

Theo thống kê của Viện Dinh dưỡng Quốc gia, Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng kể về cải thiện tình trạng dinh dưỡng cho người dân như tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em đã giảm nhanh và bền vững (suy dinh dưỡng thể nhẹ cân giảm từ 30,1% năm 2000 xuống còn 14,1% năm 2015 và năm 2016 tỷ lệ suy dinh dưỡng nhẹ cân ở trẻ dưới 5 tuổi là 13,8%). Tuy nhiên, tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng thể thấp còi vẫn ở mức cao, gần 25%. Tình trạng này duy trì trong thời gian dài sẽ cản bước phát triển cả về thể chất lẫn trí tuệ của trẻ em Việt trong tương lai không xa.

Ngoài ra, thiếu vi chất dinh dưỡng còn ảnh hưởng xấu tới sức khỏe, sự phát triển thể lực, tầm vóc, trí tuệ; cản trở sự tăng trưởng, phát triển toàn diện của trẻ em và khả năng sinh sản cũng như năng suất lao động của người lớn. Do vậy cần nâng cao nhận thức về vai trò dinh dưỡng cho trẻ nhỏ.

Thay đổi thói quen chăm sóc trẻ

Theo bác sỹ Nguyễn Thị Lâm, việc theo dõi sức khỏe, cân nặng và bảo đảm chế độ ăn cho trẻ trong hai năm đầu đời là rất quan trọng. Trẻ nên sử dụng sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời bởi sữa non có rất nhiều dưỡng chất tốt cho sự phát triển của trẻ. Hiện nay, chúng ta vẫn khuyến khích người mẹ tận dụng nguồn sữa non, cũng như sữa mẹ quý giá và người mẹ phải thực hiện cho trẻ bú sớm, trong khoảng thời gian 1 giờ đầu sau sinh và bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu để tận dụng những nguồn kháng thể quý giá, cũng như chất dinh dưỡng quý giá từ sữa của mẹ. Trong trường hợp nếu trẻ không được sử dụng nguồn sữa non trong giai đoạn này đồng nghĩa với việc trẻ chịu gánh nặng bệnh tật nặng nề hơn trong suốt cuộc đời, bác sĩ Lâm phân tích.

Trong chế độ ăn của trẻ sau 6 tháng, ngoài gạo để nấu bột, cháo hoặc cơm cần phải thêm thịt hoặc cá, trứng, đậu đỗ, rau xanh và mỡ hoặc dầu. Cho ăn thêm hoa quả chín vào các bữa phụ xen kẽ các bữa chính. Một số trẻ có chế độ ăn thiếu năng lượng, vì vậy nên cho dầu mỡ quấy vào bột cháo hoặc cho dầu mỡ vào nước canh, rau xào nấu cho trẻ ăn… để tăng chất đạm trong bữa ăn của trẻ.

Để phát hiện sớm trẻ suy dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng Quốc gia hàng năm đều phát hành biểu đồ tăng trưởng và đưa tới tận tay các sản phụ. Biện pháp đơn giản để nhận biết được đứa trẻ phát triển bình thường hay có nguy cơ bị suy dinh dưỡng bằng cách, cân trẻ đều đặn hàng tháng để theo dõi diễn biến cân nặng của trẻ, sau mỗi lần cân chấm lên biểu đồ tăng trưởng một điểm tương ứng với số cân nặng và tháng tuổi của trẻ, điểm chấm của tháng này nối với điểm chấm tháng trước và cứ nối như thế ta sẽ có “Con đường sức khỏe” của trẻ. Nếu trẻ không tăng cân (biểu đồ nằm ngang) là dấu hiệu báo động về sức khỏe và nuôi dưỡng chưa tốt, cần xem xét. Nguyên nhân có thể là ăn chưa đủ, thiếu chất (bú mẹ không đủ, ăn ít bữa, thức ăn của trẻ nghèo nàn…); ăn tốt nhưng chơi đùa quá sức trở nên thiếu, cần ăn thêm; trẻ đang mắc một bệnh nào đó chưa nhận thấy; do trước đó bị sụt cân nay chưa hồi phục.

Bác sĩ Nguyễn Thị Lâm cũng khuyến cáo, các bà mẹ nên thường xuyên cho trẻ tắm nắng khoảng 15 - 20 phút buổi sáng (khoảng 8 - 9h). Ánh nắng vào buổi sáng có tác dụng thúc đẩy quá trình trao đổi chất và giúp trẻ hấp thụ tốt hơn trong những bữa ăn.

Tùng Dương