Hải Phòng sẵn sàng bứt phá

- Thứ Tư, 17/07/2019, 08:17 - Chia sẻ
Nghị quyết 45 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn 2045 là cơ hội vô cùng to lớn, là “điểm tựa” quan trọng, tạo động lực để thúc đẩy Hải Phòng cất cánh mạnh mẽ hơn nữa trong thời kỳ mới.

Những bước tiến mạnh mẽ

Năm 2003, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 32-NQ/TW về xây dựng và phát triển TP Hải Phòng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Sau 15 năm thực hiện Nghị quyết 32, Hải Phòng đạt nhiều thành tựu nổi bật trên tất cả lĩnh vực, khẳng định sức sống của Nghị quyết 32 bằng những minh chứng sinh động từ thực tiễn.


Cảng Container Quốc tế Hải Phòng (HICT)

Những năm gần đây, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Hải Phòng cao hơn những năm trước. 6 tháng đầu năm nay, thành phố tiếp tục có sự chuyển biến đột phá, tốc độ tăng trưởng ước đạt 16,3%, vượt kế hoạch năm (15,5%), cao nhất từ trước tới nay. Nhiều chỉ tiêu đạt cao so với kế hoạch cả năm như chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 23,5%, tổng kim ngạch xuất xuất khẩu đạt 7,075 tỷ USD, tăng 80,95% so với cùng kỳ năm 2018, bằng 70,2% kế hoạch; tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 70.637 tỷ đồng, tăng trưởng 76,82% bằng 65,25% kế hoạch; sản lượng hàng hóa qua cảng đạt 56,58 triệu tấn, tăng 9,83%, bằng 43,79% kế hoạch. Thu hút khách du lịch đạt hơn 3,977 triệu lượt người, tăng 11,75%. Thu ngân sách trên địa bàn đạt 44.568 tỷ đồng, tăng 43,44% so với cùng kỳ năm 2018.

Tuy nhiên, việc thực hiện Nghị quyết 32 trong thời gian qua còn bộc lộ nhiều tồn tại, hạn chế, mục tiêu cơ bản hoàn thành công nghiệp hóa, hiện đại hoá trước năm 2020 không đạt được. Phát triển kinh tế chưa tương xứng với vị trí, tiềm năng, lợi thế. Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp trong giai đoạn 2003 - 2017 tăng bình quân 14,9% thấp hơn các địa phương khác. Kết cấu hạ tầng giao thông, đô thị chưa đáp ứng yêu cầu đề ra...

Chính vì vậy, Nghị quyết 45 được Bộ Chính trị ban hành ngày 24.1.2019 nhằm khắc phục những hạn chế, yếu kém trong thời gian qua. Theo đó, mục tiêu đến năm 2025, xây dựng TP Hải Phòng cơ bản hoàn thành sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá; đạt các tiêu chí đô thị loại I, trở thành thành phố công nghiệp theo hướng hiện đại; là trọng điểm kinh tế biển của cả nước… Đến năm 2030, Hải Phòng trở thành thành phố công nghiệp phát triển hiện đại, thông minh, bền vững tầm cỡ khu vực Đông Nam Á; trung tâm dịch vụ logistics quốc tế hiện đại bằng cả đường biển, đường hàng không, đường bộ cao tốc, đường sắt tốc độ cao; trung tâm quốc tế về đào tạo, nghiên cứu, ứng dụng và phát triển khoa học - công nghệ với các ngành nghề hàng hải, đại dương học, kinh tế biển. Đến năm 2045, Hải Phòng trở thành thành phố có trình độ phát triển cao trong nhóm các thành phố hàng đầu châu Á và thế giới.

Nhiệm vụ đột phá

 Về các chỉ tiêu cụ thể, giai đoạn 2019 - 2025, phấn đấu tốc độ bình quân GRDP tối thiểu là 16%; GRDP bình quân/người đạt 14.740 USD; thu ngân sách trên địa bàn đạt 180 - 190 nghìn tỷ đồng, trong đó thu nội địa trên 75 nghìn tỷ đồng. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2021 - 2025 đạt trên 1,5 triệu tỷ đồng. Giai đoạn 2026 - 2030, tăng trưởng GRDP bình quân tối thiểu là 15%; GRDP bình quân/người đạt 29.900 USD; thu ngân sách trên địa bàn đạt 300 - 310 nghìn tỷ đồng, trong đó thu nội địa trên 140 nghìn tỷ đồng…

Bí thư Thành ủy Hải Phòng Lê Văn Thành cho rằng, Nghị quyết 45 là cơ hội vô cùng to lớn, là “điểm tựa” quan trọng, tạo động lực để thúc đẩy Hải Phòng cất cánh mạnh mẽ hơn nữa trong thời kỳ mới. Tiếp nối Nghị quyết 32 từ 15 năm trước, Nghị quyết 45 giúp Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố nhận thức đầy đủ hơn nữa về vị trí, vai trò và trách nhiệm trong mối tương quan chung của cả vùng và cả nước. Không những thế, Nghị quyết 45 còn là cơ sở để các cơ quan, bộ, ngành, Trung ương, các địa phương trên cả nước và quốc tế có cách nhìn toàn diện, đầy đủ hơn, qua đó củng cố thêm sự tin cậy, vững tâm trong quá trình hợp tác, liên kết, đầu tư phát triển trên “mảnh đất lành” Hải Phòng đầy tiềm năng lợi thế.

Để trở thành một trong những trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước và Đông Nam Á, Hải Phòng đã xây dựng chương trình hành động cụ thể gắn với 15 nhiệm vụ trọng yếu để cụ thể hóa Nghị quyết 45, tiếp tục huy động các nguồn lực để thúc đẩy tốc độ tăng trưởng kinh tế, tăng cường thu ngân sách trên địa bàn. Phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, kết nối thuận lợi với trong nước và quốc tế bằng cả đường bộ, đường sắt, đường biển, đường hàng không. Đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp, thủy sản và nâng cao chất lượng xây dựng nông thôn mới. Phát triển đô thị theo định hướng hiện đại, thông minh. Phát triển mạnh các thành phần kinh tế để tạo đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Phát triển giáo dục - đào tạo và nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển. Xây dựng TP Hải Phòng trở thành trọng điểm phát triển khoa học - công nghệ biển của cả nước. Gắn phát triển kinh tế với thực hiện tiến bộ xã hội; không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân…

Bên cạnh đó, Hải Phòng tập trung phát triển dịch vụ, trọng tâm là cảng biển và logistics, du lịch. Theo đó, khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi thu hút nhà đầu tư có kinh nghiệm, tiềm lực tài chính để đầu tư các bến còn lại của cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng với trang thiết bị hiện đại, đồng bộ nhằm nâng cao năng lực xếp dỡ, vận chuyển hàng hóa. Xây dựng các cơ chế, chính sách có hiệu quả để hỗ trợ phát triển du lịch, tập trung vào 4 nhóm cơ chế, chính sách:Tthu hút đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật ngành du lịch; khuyến khích, ưu đãi thu hút phát triển sản phẩm du lịch; hỗ trợ, nghiên cứu phát triển thị trường, tăng cường xúc tiến, quảng bá, hợp tác về du lịch; đào tạo và phát triển nguồn nhân lực phục vụ du lịch.

Đặc biệt, cơ cấu lại ngành công nghiệp thành phố theo hướng tập trung phát triển các ngành công nghiệp mũi nhọn: Cơ khí chế tạo; điện tử tin học; công nghiệp hỗ trợ phục vụ các ngành công nghiệp mũi nhọn nhằm nâng cao giá trị sản xuất và tham gia vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu, hướng tới một thành phố công nghiệp hiện đại.

Để đạt được mục tiêu trên là cả một chặng đường dài đòi hỏi sự chung sức đồng lòng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố. Hải Phòng sẽ là điểm đến đầu tư hấp dẫn cho các tập đoàn kinh tế trong và ngoài nước, là trung tâm động lực năng động kéo khu vực miền Bắc phát triển, hội nhập bền vững.

Bài và ảnh: Bùi Linh - Sĩ Nghiêm