Hài hòa lợi ích các bên

- Thứ Tư, 12/08/2020, 12:56 - Chia sẻ
Theo dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện, Bộ Công thương đề xuất đối với cơ cấu biểu giá bán lẻ điện cho mục đích sinh hoạt có 2 phương án: Phương án 1, cơ cấu biểu giá bán lẻ điện cho mục đích sinh hoạt 5 bậc. Phương án 2, cơ cấu biểu giá bán lẻ điện cho mục đích sinh hoạt gồm 5 bậc và giá bán lẻ điện một giá. Với phương án này, khách hàng được quyền lựa chọn áp dụng giá sinh hoạt 5 bậc hoặc giá bán lẻ điện một giá.

Ngay sau khi Bộ Công thương công bố dự thảo, đã có nhiều ý kiến trái chiều, dù theo Bộ Công thương, các phương án tính giá điện mới sẽ tăng thêm lựa chọn cho khách hàng, hài hòa lợi ích giữa người dân và ngành điện...

Trả lời báo chí, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả, Bộ Tài chính Ngô Trí Long cho rằng, phương án điện một giá chỉ là giải pháp mang tính tình thế, tồn tại nhiều bất cập, không thể áp dụng lâu dài. Lý do là bởi mức giá bán như trên cao hơn mức bình quân nên người có thu nhập cao, dùng nhiều điện sẽ chọn phương án điện một giá. Ngược lại người có thu nhập thấp, sử dụng ít chịu thiệt thòi. Biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt phải bảo đảm nhiều mục tiêu như hài hòa lợi ích các bên, an sinh xã hội, khuyến khích người tiêu dùng sử dụng điện tiết kiệm… nên nếu áp dụng điện một giá sẽ không có lợi cho người có thu nhập thấp, trong khi đây là nhóm đối tượng cần hỗ trợ. Ngoài ra, dự thảo cơ cấu biểu giá bán lẻ điện lần này chưa khắc phục được thực trạng giá điện sinh hoạt cao hơn sản xuất, bù chéo cho các ngành khác, trong khi điện sinh hoạt chỉ chiếm 30% tổng sản lượng điện.

Một chuyên gia khác thì cho rằng, khi xây dựng biểu giá điện, ngành điện hướng đến tối thiểu ba mục tiêu: Phản ánh chi phí, sử dụng hiệu quả tiết kiệm điện năng và các yếu tố an sinh xã hội. Nguyên lý tính giá bậc thang thì người sử dụng ít đang có lợi rất nhiều vì càng dùng nhiều sẽ càng chịu giá cao. Nếu lấy giá bình quân, đương nhiên người nghèo sẽ trả giá cao hơn, liệu chính sách an sinh xã hội còn đảm bảo nữa hay không?

Vậy phương án nào là hoàn hảo? Có ý kiến cho rằng, cần có sự nghiên cứu, phối hợp giữa các cơ quan chức năng cũng như chuyên gia mới có xây dựng được biểu giá điện hài hòa lợi ích giữa EVN và người tiêu dùng. Có thể đó là phương án điện bậc thang, lũy tiến, nhưng mức giá của từng bậc phải hợp lý, bảo đảm người có thu nhập thấp được hưởng mức giá thấp nhất, ít chịu ảnh hưởng từ việc tăng giá điện...

Rất khó để đưa ra phương án hoàn hảo, vì có thể được mặt này nhưng lại mất mặt kia. Nhưng không vì thế mà không thể có phương án hợp lý nhất: Hài hòa lợi ích giữa EVN và người tiêu dùng.

Ninh Khương