Dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi)

Hài hòa lợi ích

- Thứ Năm, 13/06/2019, 08:03 - Chia sẻ
Đề xuất mở rộng khung giờ làm thêm tối đa lên 400 giờ một năm, không ngoài dự kiến, đã vấp phải sự phản ứng của nhiều ĐBQH tại phiên thảo luận chiều qua. Đây là vấn đề có tính hai mặt. Giải pháp lập pháp dù được thiết kế cụ thể như thế nào cũng phải bảo đảm quyền và lợi ích cho người lao động, đồng thời phải hài hòa các lợi ích giữa người sử dụng lao động và người lao động.

Có đi ngược sự tiến bộ của xã hội?

Dành trọn vẹn 7 phút trên nghị trường để nói về đề xuất mở rộng khung giờ làm thêm tối đa, ĐBQH Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP Hồ Chí Minh) cho rằng, trước hết, phải trả lời được câu hỏi làm thêm giờ xuất phát từ nhu cầu gì?

“Theo sự hiểu biết của tôi, nếu nói rằng công nhân có nhu cầu làm thêm thì rõ ràng là hiểu không đúng bản chất vấn đề. Nhưng công nhân cần làm thêm không? Công nhân cần. Cần để làm gì? Cần để có thêm thu nhập, vì đồng lương, thu nhập hiện nay so với trang trải, nhu cầu cuộc sống tối thiểu của người công nhân thì còn quá khó khăn, eo hẹp, thiếu thốn”. Nhấn mạnh điều này, ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm cũng chỉ rõ, nhu cầu là cái gì đó tự thân, tự giác nhưng công nhân làm thêm giờ không phải tự giác mà như một sự bức thiết, không làm thêm thì không trang trải được cuộc sống. Rõ ràng, nhìn vào bản chất vấn đề và sự tiến bộ của xã hội thì việc đặt ra vấn đề tăng giờ làm thêm có vẻ như đi ngược lại sự tiến bộ của xã hội. Bởi ai cũng phải có nhu cầu nghỉ ngơi, nhu cầu hưởng thụ, giải trí, chăm lo cho con cái chứ không phải nhu cầu đi làm suốt ngày, một ngày làm mười mấy tiếng đồng hồ. Có nhiều công nhân hàng chục năm không về thăm gia đình được, con cái phải gửi về quê để ông bà, cha mẹ nuôi. Có chuyện gì xót xa hơn như vậy?


Đại biểu Quốc hội Phùng Thị Thường (Vĩnh Phúc) phát biểu tại hội trường Ảnh: Q.Khánh

Từ góc nhìn như vậy, ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm cho rằng, sửa đổi Bộ luật Lao động lần này phải đưa ra chính sách để công nhân làm ít giờ nhưng lương, thu nhập tăng lên. Phải xét trên góc độ đó để người lao động có đủ thời gian tái tạo sức lao động, từ đó làm việc tốt hơn. Điều này vừa có lợi cho công nhân, vừa có lợi cho chính người sử dụng lao động. Bởi người sử dụng lao động sẽ có công nhân có đủ sức khỏe, tinh thần sảng khoái, tình cảm tốt thì năng suất lao động, chất lượng làm việc mới tăng lên. Không thể nghĩ cứ vắt kiệt sức người lao động mới tốt. QH nên bàn theo hướng đưa chính sách gì vào Bộ luật Lao động để cải thiện thu nhập cho người lao động để họ có thời gian nghỉ ngơi. Không đồng ý tăng khung giờ làm thêm không có nghĩa là không quan tâm đến người lao động mà phải quan tâm đến người lao động theo một chính sách khác ưu việt, thỏa đáng hơn.

Cũng không ủng hộ đề xuất tăng giờ làm thêm tối đa như phương án trình của Chính phủ, ĐBQH Nguyễn Thị Phúc (Bình Thuận) đề nghị giữ nguyên quy định hiện hành bởi thu nhập tăng thì có tăng nhưng người lao động sẽ phải đối diện với nhiều chi phí và rủi ro do kiệt sức, do bệnh tật, không có thời gian chăm sóc gia đình con cái. Tuy nhiên, để phù hợp với tính chất hoạt động của một số ngành và tạo tính chủ động cho các doanh nghiệp, ĐB Nguyễn Thị Phúc đề nghị bỏ quy định giờ làm thêm tối đa trong 1 ngày, trong 1 tháng, đồng thời với đó là yêu cầu các doanh nghiệp chủ động xây dựng kế hoạch sản xuất, không ngừng đổi mới trang thiết bị và ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, nâng cao năng suất lao động của doanh nghiệp mình.

Thiệt hại cuối cùng sẽ thuộc về người lao động

Là đại biểu của một tỉnh phát triển công nghiệp với gần 1,2 triệu lao động, tiếp cận đề xuất mở rộng khung giờ làm thêm tối đa ở góc nhìn thực tế hơn, ĐBQH Trương Thị Bích Hạnh (Bình Dương) khẳng định, làm thêm giờ là nhu cầu có thực từ cả hai phía người lao động và người sử dụng lao động, nhất là trong các doanh nghiệp may mặc, giày da, chế biến gỗ và một số ngành khác thâm dụng lao động. Nếu không mở rộng khung thỏa thuận giờ làm thêm thì doanh nghiệp vẫn tổ chức làm thêm và thiệt hại cuối cùng sẽ thuộc về người lao động. Báo cáo tổng kết thi hành Bộ luật Lao động năm 2012 cho thấy, tình trạng các doanh nghiệp tổ chức làm thêm giờ vượt quá mức quy định đang diễn ra phổ biến. Nhiều doanh nghiệp vượt quá hai đến ba lần mức cho phép và cũng chỉ xảy ra chủ yếu ở các doanh nghiệp thâm dụng lao động.

Dẫu vậy, chia sẻ với quan điểm của ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm về những hệ lụy của việc làm thêm giờ quá nhiều, ĐB Trương Thị Bích Hạnh cho rằng, việc mở rộng khung thỏa thuận giờ làm thêm tối đa theo phương án của Chính phủ cần được đặt trong mối tương quan giữa thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, phải hướng đến mục tiêu bảo vệ quyền lợi cho người lao động. Bởi lẽ, nhu cầu làm thêm giờ của cả hai phía đều hướng đến mục đích kinh tế nhưng với doanh nghiệp, khi sử dụng máy móc có thể khấu hao và thay thế được còn sức khỏe của người lao động không gì có thể thay thế được.

Trên tinh thần này, quy định của pháp luật cần hướng đến việc chấm dứt nhân công giá rẻ, lương không đủ sống như các ngành lao động thông dụng hiện nay, cần tăng cường trách nhiệm quản lý của Nhà nước để bảo đảm các quy định của pháp luật được thực thi nghiêm túc. Cụ thể, theo ĐB Trương Thị Bích Hạnh, dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) cần quy định thời gian làm việc tối đa không quá 44 giờ trong tuần đối với người lao động trong khu vực doanh nghiệp. Quy định giảm thời gian làm việc chính thức trong tuần như vậy mới bảo đảm thời giờ làm việc, nghỉ ngơi hợp lý và bảo đảm quyền lợi lâu dài của người lao động.

Tán thành đề xuất này, ĐBQH Phùng Thị Thường (Vĩnh Phúc) cho rằng, đây là xu hướng chung trên thế giới, dựa trên sự phát triển của năng lực sản xuất, nâng cao chất lượng lao động và phù hợp với điều kiện của doanh nghiệp nhưng vẫn duy trì được khả năng tái tạo sức lao động cũng như quỹ thời gian chăm sóc gia đình và tham gia các hoạt động xã hội của người lao động.

Dù không phản đối việc tăng khung giờ làm thêm tối đa lên 400 giờ, song nhiều ĐBQH cũng cho rằng, cần thiết phải có những chính sách chặt chẽ hơn. Theo đó, việc tăng thời gian làm thêm phải đi đôi với việc tăng lũy tiến tiền lương đối với thời gian làm việc tăng thêm của người lao động. Quy định này không chỉ đáp ứng nhu cầu của cả hai phía mà còn bảo đảm doanh nghiệp tổ chức làm thêm giờ phù hợp, có phương án tuyển dụng thêm lao động, không tổ chức làm thêm giờ quá nhiều, ảnh hưởng đến sức khỏe của người lao động. Khi tiền lương làm thêm giờ tăng, người lao động có thu nhập, có tích lũy sẽ dành thời gian nghỉ ngơi, tái tạo sức lao động, chăm sóc gia đình, giao lưu học tập và không phải vắt kiệt sức lao động để làm thêm giờ cho đủ sống như hiện nay.

Một vấn đề căn cơ hơn cũng được các đại biểu đặt ra là, phải bảo đảm tiền lương tối thiểu thực sự đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ. Đây mới chính là điều kiện đầu tiên để bảo vệ quyền lợi về tiền lương của người lao động và cần phải được bảo đảm ngay.

Quỳnh Chi