Hài hòa hai mặt của giải pháp để tránh gây hệ lụy cho nền kinh tế

- Thứ Năm, 01/11/2012, 08:12 - Chia sẻ
Ghi nhận sự nỗ lực của Chính phủ trong việc chèo lái nền kinh tế của đất nước, song ĐBQH NGUYỄN THỊ THANH (NINH BÌNH) cho rằng, Chính phủ cần phân tích kỹ những tồn tại, hạn chế trong cách thức điều hành kinh tế - xã hội thờâi gian qua. Và trong công tác chỉ đạo, điều hành thời gian tới, cần chú ý hài hòa hai mặt của các giải pháp đưa ra để tránh gây hệ lụy cho nền kinh tế.

- Chị đánh giá như thế nào về sự chỉ đạo, điều hành kinh tế - xã hội của Chính phủ trong năm qua?

 

- Tôi cùng nhiều ĐBQH khác ghi nhận sự nỗ lực của Chính phủ trong việc chèo lái nền kinh tế của đất nước trong bối cảnh chịu ảnh hưởng tiêu cực của tình hình kinh tế thế giới khó khăn. Dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, sự giám sát của Quốc hội, sự cố gắng và chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, kinh tế - xã hội đã đạt được một số kết quả, trong đó có 10/15 chỉ tiêu hoàn thành so với kế hoạch, từ đó làm cơ sở để hoàn thành các mục tiêu QH đề ra.

Tuy nhiên, tôi băn khoăn về 5 chỉ tiêu kinh tế - xã hội chưa đạt gồm tăng trưởng kinh tế, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội so với GDP, tạo việc làm, giảm nghèo và tỷ lệ che phủ rừng. 5 chỉ tiêu này đều là những chỉ tiêu rất quan trọng, thể hiện sức khỏe của nền kinh tế, phản ánh đời sống nhân dân vẫn còn nhiều khó khăn. Thế nhưng, báo cáo của Chính phủ chưa phân tích rõ nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan của 5 chỉ tiêu chưa đạt này. Tôi đề nghị Chính phủ cần làm rõ nguyên nhân chủ quan vào Báo cáo bổ sung tình hình kinh tế - xã hội tại Kỳ họp tới.

Cần phải nhìn nhận rằng, các nhóm giải pháp điều hành kinh tế - xã hội của Chính phủ thời gian qua chủ yếu mang tính ứng phó. Ai cũng biết những giải pháp tình thế bao giờ cũng có hai mặt, có thể gây ra hậu quả cho nền kinh tế. Khi Quốc hội và Chính phủ đưa ra mục tiêu kiềm chế lạm phát nhằm ổn định kinh tế vĩ mô. Nhưng mặt trái của mục tiêu này lại là các con số cho thấy đời sống nhân dân chưa được cải thiện, kinh tế bị trì trệ. Biết rằng, trong hoàn cảnh đặc biệt, chúng ta phải chấp nhận hy sinh những mục tiêu khác cho mục tiêu cao hơn, nhưng nếu phân tích căn cơ, tính toán cẩn trọng, chúng ta có thể biết nên giảm bao nhiêu, kiềm chế lạm phát ở mức bao nhiêu là vừa phải để đời sống người dân không quá khó khăn, kinh tế không quá trì trệ. Biết cách hài hòa hai mặt của giải pháp để tránh gây ra hệ lụy nghiêm trọng cho nền kinh tế trong những năm sau.

- Báo cáo Chính phủ cho biết, các mục tiêu an sinh xã hội cơ bản đã được bảo đảm thưa chị?

- Tôi đánh giá cao trách nhiệm của Chính phủ trong điều kiện kinh tế khó khăn nhưng đã có nhiều cố gắng trong việc triển khai các chính sách an sinh xã hội, chú trọng ở các khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, triển khai các chế độ chính sách đối với người có công... Tuy nhiên, so với tình hình mặt bằng giá cả trên thị trường thì vẫn còn bộ phận người dân, nhất là ở những vùng sâu, vùng xa đang còn rất khó khăn. Chính phủ cần có những giải pháp, chính sách an sinh xã hội có tác động mạnh mẽ hơn. Tôi kiến nghị QH cần xem xét yêu cầu Chính phủ điều chỉnh lại cách thức hỗ trợ như hiện nay, tránh tình trạng hỗ trợ cào bằng và bình quân đầu người để những chính sách này đến được với những người thực sự cần sự hỗ trợ của Nhà nước.

- và Chính phủ đã đề nghị hoãn lộ trình tăng lương tối thiểu vào tháng 5.2013?

- Phản ứng chung từ phía các ĐBQH là không vui trước thông tin này. Tôi đặc biệt trăn trở về những người làm công ăn lương và đặc biệt là lực lượng đông đảo những người lao động hưởng lương thấp trong xã hội, nhất là những người hưu trí. Tuy rằng các ĐBQH cùng chia sẻ khó khăn với Chính phủ trong giai đoạn hiện nay, song đa số các ĐBQH có chung một câu hỏi: liệu Chính phủ đã cân nhắc, tính toán thật kỹ về đề xuất này hay chưa? Tôi mong muốn Chính phủ sẽ nghiên cứu một cách căn cơ hơn, bởi việc hoãn kế hoạch tăng lương theo lộ trình sẽ tác động không nhỏ tới đời sống của người dân. 

Chính phủ cần cân nhắc cắt giảm những chương trình đầu tư chưa thật cần thiết để dành kinh phí trên cũng như các nguồn kinh phí khác cho kế hoạch tăng lương tối thiểu cho người lao động theo lộ trình vào tháng 5.2013. Trong trường hợp nếu Chính phủ thực sự không thể cân đối được ngân sách, tôi kiến nghị nên xem xét ưu tiên tăng lương cho những đối tượng người có công và cán bộ hưu trí.

- Từ nay đến cuối năm 2012 và sang năm 2013, dự đoán nền kinh tế nước ta sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức. Vậy, QH và các ĐBQH cần phải làm gì để cùng Chính phủ đưa đất nước vượt qua giai đoạn khó khăn sắp tới?

- QH đã dành nhiều thời gian để thảo luận tại hội trường và tại tổ về tình hình kinh tế - xã hội. Trong quá trình thảo luận, các ĐBQH đã tập trung thảo luận, bàn bạc thấu đáo những thách thức đang đặt ra với đất nước, những việc cần làm và đề ra phương hướng, giải pháp cho những thách thức. Chắc chắn, từng ĐBQH khi tham gia thảo luận đều mong muốn tìm những đề xuất giải pháp hay nhất, bàn những việc cần làm, chứ không tập trung quá nhiều vào những khuyết điểm, yếu kém của Chính phủ. Đây là cách làm việc tích cực, mang tính xây dựng và thể hiện trách nhiệm của QH trước tình hình đất nước. Tại Kỳ họp này, Quốc hội sẽ tiếp tục có những quyết đáp xác đáng, kịp thời và đưa ra nhiều đề xuất giải pháp hay, căn cơ cho những hạn chế, tồn tại của nền kinh tế để Chính phủ thực hiện trong năm 2013.

Tôi cho rằng, Chính phủ cần có báo cáo chuyên đề về đánh giá kết quả thực hiện các chủ trương, giải pháp chỉ đạo và điều hành kinh tế - xã hội mà QH đã thông qua như gói kích cầu kinh tế năm 2009, nhóm các giải pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp năm 2012, Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế... Đây là những giải pháp chỉ đạo, điều hành có tác động rất lớn tới nền kinh tế. Chính phủ cần phân tích kỹ những gì đã làm được và những gì chưa làm được, để từ đó Quốc hội và Chính phủ rút kinh nghiệm trong cách thức chỉ đạo, điều hành và có biện pháp khắc phục, đưa ra giải pháp căn cơ hơn cho năm 2013.

- Thời gian qua, có thể thấy có những tồn tại, hạn chế trong cách điều hành của Chính phủ đã được các ĐBQH nhiều lần nêu ra và kiến nghị khắc phục, sửa chữa. Nhưng dường như QH và cử tri chưa thấy sự chuyển biến rõ rệt trong việc khắc phục, sửa sai những khuyết điểm, tồn tại ấy, có phải thế không thưa chị?

- Khi nêu lên khuyết điểm của Chính phủ trong việc thực hiện vai trò quản lý của Nhà nước cũng như trong việc điều hành kinh tế - xã hội, các ĐBQH không quên trách nhiệm của mình, bởi chính những giải pháp điều hành là do QH đã phê chuẩn. Vì thế nên các ĐBQH luôn đề cao trách nhiệm trước tình hình đất nước và với cử tri cả nước. Song tôi cho rằng, QH cần khắt khe hơn trong việc yêu cầu và giám sát Chính phủ thực hiện các mục tiêu QH đã đề ra, các Nghị quyết mà QH đã ban hành. Bên cạnh đó, QH cần thể hiện chính kiến trong quá trình xem xét, phê chuẩn các đề xuất do Chính phủ đệ trình, cương quyết bác bỏ những đề xuất chưa thực sự cần thiết hoặc những đề xuất mà các ĐBQH còn băn khoăn.

Để khắc phục những hạn chế, tồn tại hiện nay trong việc chỉ đạo, điều hành kinh tế - xã hội thì cần sự nỗ lực từ cả hai phía. Chính phủ cần thực sự thẳng thắn nhìn nhận các khuyết điểm của mình và QH cần mạnh mẽ, quyết đoán và đưa ra quyết đáp đứt khoát, đúng đắn. 

- Xin cám ơn chị!

Thanh Chi thực hiện