Hạ tầng kỹ thuật - mấu chốt của đào tạo trực tuyến

- Thứ Ba, 30/06/2020, 05:57 - Chia sẻ
Theo đánh giá của ĐBQH Dương Minh Ánh (Hà Nội), Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội, bên cạnh tác động tiêu cực, đại dịch Covid-19 cũng mang lại cho giáo dục nói chung và giáo dục nghề nghiệp nói riêng những cơ hội đổi mới. Tuy nhiên, việc đổi mới có thành công hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó quan trọng là hạ tầng kỹ thuật có hiện đại và đồng bộ hay không.
Ảnh: Đức Kiên

"Bộ Giáo dục và Đào tạo cần sớm ban hành quy định khối lượng kiến thức văn hóa THPT để thực hiện việc phân luồng học sinh THCS và THPT vào học các trình độ giáo dục nghề nghiệp theo đúng tinh thần của Luật Giáo dục nghề nghiệp 2014 và Luật Giáo dục sửa đổi 2019 nhằm giải quyết các vấn đề khó khăn trong tuyển sinh".

ĐBQH Dương Minh Ánh

 

Chuyển hướng kịp thời

- Bà đánh giá thế nào về các biện pháp ứng phó của ngành giáo dục nói chung và giáo dục nghề nghiệp (GDNN) nói riêng trong khắc phục tác động tiêu cực của Covid-19?

- Tôi cho rằng các biện pháp ứng phó với đại dịch Covid-19 của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội rất nhanh chóng, kịp thời. Đặc biệt, cả hai bộ đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục chuyển sang giảng dạy trực tuyến hoặc qua các kênh truyền hình giúp chương trình học các cấp không bị gián đoạn. 

- Theo bà đâu là kết quả nổi bật của sự chuyển hướng kịp thời đó?

- Qua giảng dạy trực tuyến, chúng ta nhận thấy rất rõ năng lực sử dụng công nghệ thông tin của các thầy, cô giáo và cả học sinh, sinh viên đã được nâng lên rõ rệt; chi phí về thời gian, đi lại… tiết giảm rất nhiều cho cả thầy và trò. Tôi cho đây là mặt tích cực mà chúng ta cần phát huy trong thời gian tới.

Và như chúng ta đã thấy, đến thời điểm này, toàn ngành giáo dục và GDNN vẫn bảo đảm thực hiện đầy đủ chương trình; kết thúc năm học đúng hẹn. Đặc biệt, việc kịp thời chuyển hướng cũng như các cách thức chuyển tải kiến thức; kiểm tra đánh giá chất lượng tiếp nhận kiến thức của học sinh sinh viên; đổi mới chương trình, giáo trình đào tạo trực tuyến đã tránh cho các em học sinh, sinh viên và các phụ huynh tâm lý hoang mang, lo lắng.

Đầu tư nhiều hơn cho miền núi

- Tuy vậy, đào tạo trực tuyến ở vùng sâu, vùng xa còn rất nhiều khó khăn, bà nghĩ sao?

- Đúng, đây là điều mà không chỉ tôi mà rất nhiều ĐBQH khác tâm tư. Hình ảnh các thầy, cô giáo vùng cao trèo đèo, lội suối mang bài ôn tập đến tận nhà cho những các em không có đủ điều kiện để học qua truyền hình, hoặc học online cho thấy sự tâm huyết, đầy trách nhiệm của các thầy, cô với học trò. Cũng có những em phải đi bộ hơn 4 tiếng đồng hồ mới đến được nơi có sóng điện thoại để kịp thời ôn tập... Những hình ảnh này buộc các cấp, các ngành phải quan tâm, tìm hướng giải quyết nhằm sớm rút ngắn khoảng cách về chất lượng giáo dục, về môi trường sống giữa đô thị với vùng đồng bào dân tộc thiểu số để bảo đảm quyền bình đẳng được học tập, vui chơi cho các em.

- Cụ thể, cần có những giải pháp gì thưa bà?

- Đầu tiên chúng ta phải giải quyết sự chênh lệch giữa các vùng miền về hạ tầng cơ sở, về trình độ cũng như năng lực tiếp cận khoa học - công nghệ hiện đại.

Theo tôi, Chính phủ nên chỉ đạo, giao cho Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội nghiên cứu mô hình đào tạo trực tuyến, hoàn thiện các thể chế liên quan đến đào tạo trực tuyến cũng như xây dựng hệ thống học liệu và đa dạng các phần mềm ứng dụng phục vụ giảng dạy trực tuyến. Cần bổ sung đầu tư trang thiết bị công nghệ, đặc biệt đầu tư cho miền núi, hải đảo và các vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đầu tư nguồn lực để phát triển hạ tầng cơ sở công nghệ thông tin. Trong đó có cơ chế chính sách khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư về cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin đến tận vùng sâu, vùng xa, vùng miền núi, hải đảo và các vùng kinh tế khó khăn để giảm bớt khoảng cách giữa các vùng miền.

- Xin cám ơn bà!

Thái Bình