Tản mạn

Hà Nội mùa sấu rụng

- Thứ Bảy, 09/05/2020, 08:32 - Chia sẻ
Hà Nội lâu giờ vãn bóng Khắc Huề, vắng bóng khối trầm tích từng làm nên "Người Hà Nội". Chỉ những bóng sấu già là vẫn uy nghi bên phố, đợi tới mùa lại xôn xao trút lá...

Đang là mùa lá sấu lợp vàng hây mái phố, nhuộm vàng ươm các vỉa hè. Hôm rồi, đoạn phố gần nhà tôi còn lên cả báo Pháp nhờ... lá sấu. Mùa sấu rụng năm nay không thấy người người tốp tốp bò lăn bò toài vì lá, nhưng hôm tôi dong xe ngang qua, bấy giờ đang trong những ngày giãn cách, thấy mấy bạn phóng viên nước ngoài đang rạp cả mình xuống bấm máy lia lịa đoạn vỉa hè thường ra là xoàng xĩnh mà nay bỗng dát vàng lộng lẫy, tự dưng thấy xúc động lạ! Cuộc sống dù thế nào vẫn tiếp diễn, chỉ là mình nhìn vào đâu và nhìn thế nào thôi.

Ở Hà Nội, nếu có con đường gắn bó với tôi nhất, hẳn là Trần Hưng Đạo - con đường rợp bóng sấu. Là cái ga Hàng Cỏ ở đầu đường, một dạo, Tết năm nào tôi cũng cố tha lôi một cành đào Nhật Tân về quê, lần nào cũng hớt hơ hớt hải len qua cả biển người, chỉ lo đào gãy. Có năm chỉ vì vướng cành đào to đùng mà bị nhỡ tàu, mất toi cái vé tàu Tết. Cuối đường thì là cổng Viện 108, nơi lần đầu tiên tôi điếng người nghe hung tin về trọng bệnh của bố rồi sau đó là hơn hai năm trời chiến đấu ở đấy với hàng chục đợt hóa trị đủ sức biến một người đàn ông to cao lừng lững thành một dáng hình liêu xiêu. Nhớ một chiều lá sấu đổ tơi bời như chính lòng dạ rối bời lúc đó. Nhớ có lần bố còn phải ngồi ghế để truyền vì phòng bệnh không đủ giường. Giờ mỗi lần trông sang thấy hai tòa nhà nguy nga như khách sạn 5 sao vừa xây mới kia, lại thấy thương ơi là thương cái hồi bố khổ.

Là cái sân 51, nơi có căn biệt thự Pháp cổ nằm trầm ngâm dưới bóng sấu, vốn chẳng lạ gì với cánh phóng viên văn nghệ một thời, khi suốt ngày qua gặp gỡ phỏng vấn những tên tuổi vàng của giới sân khấu, điện ảnh, âm nhạc nước nhà - bấy giờ vẫn đang sung sức. Nhớ có lần phỏng vấn nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Đình Thi, nguyên buổi nghe chú rủ rỉ kể về lúc sáng tác "Người Hà Nội", người đâu mới 23 tuổi và ở xa về mà nhìn cái là bắt được ngay toàn bộ hồn cốt và thần thái của Hà Nội. Nhớ lời bà giáo đại học của tôi kể: Có lần nhìn thấy cụ Thi tóc bạc trắng, đội mũ phớt, chống gậy ba toong đi dạo thong dong trong sương sớm Bờ Hồ, vừa lãng đãng như khói lại vừa uy nghi như một khối trầm tích, giây phút ấy bà nghĩ Hà Nội chắc chỉ cần có mỗi Nguyễn Đình Thi là đủ! Bốn năm học đại học, bao câu chữ trả thầy, không hiểu sao cứ nhớ nhất câu đấy, nên chưa ra trường đã phải bươn đi đòi phỏng vấn khối trầm tích bằng được. Mà sao hồi ấy người tài sân 51, từ nhạc sĩ Hồng Đăng tới nhà thơ Nguyễn Đình Thi, chú nào cũng cứ rủ rỉ rủ rì thế nhỉ, kể cả khi bàn chuyện đại sự, y câu thơ chú Thi viết trong bài "Đất nước": "Đêm đêm rì rầm trong tiếng đất".

Hà Nội lâu nay vắng bóng khối trầm tích từng làm nên "Người Hà Nội". Chỉ những bóng sấu già vẫn uy nghi bên phố, đợi tới mùa lại xôn xao trút lá. Nên đôi khi tự dưng tôi lại thấy nhớ nhớ những tiếng rì rầm rủ rỉ có dạo hay nghe ở sân 51...

Thuỷ Lê