Hà Nội linh thiêng và hào hoa

- Thứ Tư, 06/11/2019, 07:43 - Chia sẻ
Nhà hát Kịch Hà Nội vừa ra mắt vở “Hà Thành chính khí” - đạo diễn, NSND Trung Hiếu, tác phẩm mở màn cho sân khấu quay của nhà hát với những hiệu ứng mới về thị giác. Đây là công trình nghệ thuật kỷ niệm 1.010 năm Thăng Long - Hà Nội (2020), và chào mừng 60 năm thành lập Nhà hát Kịch Hà Nội (1959 - 2019).

Một biểu tượng của Hà Nội

“Hà Thành chính khí” lấy bối cảnh những năm 1880, khi thực dân Pháp đã lấy xong vùng đất Nam Kỳ, đem quân ra Bắc với dã tâm đánh chiếm thành Hà Nội. Lúc bấy giờ, trấn giữ tỉnh Hà Ninh (gồm thành Hà Nội, tỉnh Hà Nam và tỉnh Ninh Bình) là Tổng đốc Hoàng Diệu. Ông là người văn võ song toàn, học vấn uyên thâm, một vị quan thanh liêm chính trực, một lòng vì nước vì dân. Nhận thấy âm mưu xâm lược của thực dân Pháp, Tổng đốc Hà Ninh Hoàng Diệu vừa bắt tay chuẩn bị chiến đấu, đào hào, đắp thành, sẵn sàng vũ khí đạn dược; vừa hết lòng chăm lo cho đời sống dân chúng. Tuy nhiên, chính sự đớn hèn của triều đình đã khiến Tổng đốc Hoàng Diệu gặp nhiều trở ngại khi phải chống chọi với sức mạnh của quân đội Pháp. Cụ đã cùng các tướng sĩ quyết tử để bảo vệ thành Hà Nội đến hơi thở cuối cùng.


Cảnh trong vở “Hà Thành chính khí"

“Hà Thành chính khí” có sự tham gia của các nghệ sĩ: Tiến Lộc (vai Tổng đốc Hoàng Diệu), NSND Công Lý (Án sát Tôn Thất Bá), Thanh Tùng (Đề đốc Lê Văn Trinh), Mạnh Hưng (bố chính Phan Văn Tuyển), Thiện Tùng (Tuần phủ Hoàng Hữu Xứng), NSƯT Quang Thắng (Đại tá Henri Riviere). Vở diễn quy tụ hơn 100 nghệ sĩ, diễn viên Nhà hát kịch Hà Nội, Trung tâm Huấn luyện và thi đấu thể dục thể thao Hà Nội, Trung tâm Múa đương đại vũ đoàn Thăng Long và Nhà hát Xiếc và Tạp kỹ Hà Nội.

Theo Giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội, NSND Nguyễn Trung Hiếu, “Hà Thành chính khí” là tác phẩm chào mừng 1010 năm Thăng Long - Hà Nội, do đó tác phẩm không chỉ khắc họa chân dung nhân ái, chính trực của Tổng đốc Hoàng Diệu mà còn phô diễn những nét văn hóa đặc sắc của mảnh đất nghìn năm văn hiến, về những con người hào hoa đã quên mình cho Hà thành hôm nay. “Cụ Hoàng Diệu là người hết lòng vì dân, vì nước; ngày nay chúng ta còn thấy “Lệnh cấm trừ tệ” của cụ ở Ô Quan Chưởng, ngăn chặn tệ sách nhiễu nhân dân của tầng lớp quan lại. Cụ đã trở thành một biểu tượng của Hà Nội”, NSND Trung Hiếu cho hay.

Chấp bút viết lời cho ca khúc trong tác phẩm từ lòng ngưỡng mộ tấm gương Tổng đốc Hoàng Diệu, nhạc sĩ Phùng Nguyễn trải lòng: “Khi tôi đọc bài thơ duy nhất còn lưu lại của Tổng đốc Hoàng Diệu, tôi thấy đây không thể là một con người đơn giản. Sự tuẫn tiết của cụ không chỉ vì thua trong một cuộc chiến mà là tình cảm dành cho Hà Nội vốn rất lớn”.

“Hà Thành chính khí” cũng là kịch bản sân khấu đầu tay của nhạc sĩ Phùng Nguyễn. Nó đến với anh như một cơ duyên. “Lúc viết như có ai “nhập” vào nên tôi hoàn thành kịch bản này chỉ trong một tuần. Viết xong đưa NSND Trung Hiếu đọc. Lúc đấy cũng không dám nhận là tôi viết, chỉ nói là một người quen đưa đề cương. Trung Hiếu đọc xong bảo tốt quá, để nhà hát dựng”.

NSND Hoàng Dũng, nguyên Giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội cho biết, ông đã xem nhiều bản diễn nhưng “Hà Thành chính khí” do NSND Trung Hiếu dàn dựng là bản diễn tốt nhất cho tới thời điểm này. “Bản thân tôi khi còn đương chức, trong nhiều lần kỷ niệm Ngày Giải phóng Thủ đô, rất muốn tìm một kịch bản hay về cụ Hoàng Diệu nhưng không có. Đây là vở diễn bi tráng, xứng đáng cho lễ kỷ niệm 60 năm của Nhà hát Kịch Hà Nội”.

Hiệu ứng từ sân khấu quay

“Hà Thành chính khí” là tác phẩm đầu tiên khai thác sân khấu quay của Nhà hát Kịch Hà Nội. Sự chuyển động hợp lý của sân khấu đã đưa đến những bối cảnh được thay đổi liên tục, vừa đẹp mắt, vừa tạo hiệu ứng bất ngờ. Theo NSND Trung Hiếu, việc Nhà hát lựa chọn “Hà Thành chính khí” để mở màn sân khấu quay hiện đại với mục đích kéo khán giả trẻ đến với những vở diễn lịch sử. “Khi đi xem sân khấu ở nước ngoài, tôi nhận thấy sân khấu của mình khô cứng quá. Nếu có trang thiết bị hỗ trợ thì vở diễn sẽ hấp dẫn hơn rất nhiều, tác phẩm thêm lung linh. Đó sẽ là những yếu tố kéo khán giả, nhất là người trẻ đến với sân khấu”.

Cùng với những trải nghiệm mới, sân khấu quay đã tạo hiệu ứng về mặt thị giác. Chẳng hạn như phân cảnh Tổng đốc Hoàng Diệu và ca nương Lê Thị chia sẻ những nỗi niềm, sân khấu quay mang đến cho khán giả những góc nhìn điện ảnh, cùng sự thi vị trong cuộc gặp gỡ giữa vị tướng và ca nương. Hay ở cảnh sau trận đánh, khi sân khấu quay lại, Tổng đốc Hoàng Diệu bước qua những xác người nằm ngổn ngang, mang lại hiệu ứng thị giác mạnh cho người xem. Đó không chỉ là sự chiến đấu ngoan cường của quân sĩ, người dân, mà cả sự đau đớn của một vị tướng khi không bảo vệ được thành, bảo vệ được những người dân vô tội…

Tác phẩm ở một góc độ nào đó đã thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng và nỗi băn khoăn, trăn trở của người dân trong bối cảnh xã hội đang có nhiều biến chuyển. Hình tượng các nhân vật từ sân khấu được soi chiếu vào đời thực, có tác dụng nhắc nhở, định hướng cộng đồng. Nhờ đó, các giá trị nhân văn, hướng thiện được tôn vinh và phát huy. Tuy nhiên, “Hà Thành chính khí” ngoại trừ những phân đoạn hoành tráng theo kịch bản của một vở kịch lịch sử, xét trong một số cảnh diễn và trang phục nghệ sĩ còn đôi chỗ thiếu sự hợp lý; ngoại hình nghệ sĩ nếu phản ánh cho thời điểm những năm cuối thế kỷ XIX thì chưa làm toát lên chân dung, cốt cách và tinh thần của kẻ sĩ Bắc kỳ…

Hương Sen