Hà Nội kích hoạt toàn bộ hệ thống phòng, chống dịch

- Thứ Năm, 06/08/2020, 22:33 - Chia sẻ
Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ nhấn mạnh Thường trực Thành ủy yêu cầu kích hoạt toàn bộ hệ thống phòng, chống dịch.
 
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ yêu cầu kích hoạt toàn bộ hệ thống phòng, chống dịch. Ảnh: VGP/Gia Huy

Thực hiện nghiêm chỉ đạo của Trung ương về chống dịch

Chiều tối 6.8, chủ trì cuộc họp của Ban Thường vụ Thành ủy với Ban chỉ đạo (BCĐ) phòng, chống Covid-19 của Hà Nội, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ nêu tình hình dịch bệnh trên thế giới và trong nước đang diễn biến phức tạp và khó lường. Thủ đô đã có 105 ngày bình yên trước khi cả nước xảy ra đợt dịch mới.

Trong giai đoạn trước, Hà Nội đã xử lý, khống chế thành công dịch bệnh; ở giai đoạn này ngay khi phát sinh ca bệnh đầu tiên Thành phố đã vào cuộc quyết liệt, trong khi đó lượng người từ Đà Nẵng về Hà Nội là rất lớn, đến nay đã lên trên 94.000 người và chưa dừng lại dẫn đến nguy cơ lây nhiễm cao, gây khó khăn cho quá trình truy vết của các đơn vị.

Bí thư Thành ủy Hà Nội nêu thuận lợi là so với đợt 1, đợt 2 là Thành phố đã có kinh nghiệm, có sự tin cậy của người dân, sự đồng lòng của các cơ quan, sự hợp tác chặt chẽ của người dân. Trong khi đó, khó khăn là tốc độ lây lan nhanh hơn, xuất hiện nhiều ca bệnh trong cộng đồng; vật tư thiết bị đang thiếu, thiếu máy móc xét nghiệm PCR...

Về quan điểm, giải pháp, Bí thư Thành ủy Hà Nội đồng tình với cách đề xuất của Thành phố, điều quan trọng là toàn Đảng bộ và nhân dân Thủ đô phải thực hiện nghiêm chỉ đạo của Trung ương, của Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Một số khu vực nguy cơ cao phải thực hiện giãn cách xã hội

Tại buổi làm việc, Bí thư Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh 8 giải pháp, 5 nghiệm vụ cấp bách đối với TP Hà Nội trong phòng, chống dịch.

Ảnh: VGP/Gia Huy

Cụ thể, Thường trực Thành ủy yêu cầu kích hoạt toàn bộ hệ thống phòng, chống dịch từ trước đến nay cả về con người, cơ chế, phương thức phối hợp giữa các lực lượng theo mức độ diễn biến dịch bệnh xảy ra, cao hơn 1 mức so với kịch bản phê duyệt từ đầu. Giao Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh Thành phố nghiên cứu để nâng mức độ phòng chống đối với một số khu vực có ổ dịch, có nguy cơ cao hơn mức chung của toàn Thành phố; một số hoạt động phải thực hiện như quy định của Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Từ Thành phố đến địa bàn cơ sở rà soát các điều kiện để bảo đảm yêu cầu 4 tại chỗ, rà soát lại để xem khả năng đáp ứng yêu cầu, khả năng cung ứng cho dịch bệnh, mua sắm công khai minh bạch theo hướng dẫn của Bộ Tài chính và Bộ Y tế. Sở Công thương rà soát toàn bộ khả năng cung ứng vật tư hàng hóa, lương thực, thực phẩm và nhu yếu phẩm khác, không để trường hợp thiếu hụt xảy ra.

Bên cạnh đó, làm tốt hơn nữa công tác truy vết, phát huy vai trò then chốt quan trọng của cán bộ thôn, tổ dân phố, công an xã... ngoài truy vết trường hợp F1, các trường hợp có triệu chứng, trường hợp đi về từ vùng dịch phải lưu ý vấn đề rà soát để kiểm soát chặt chẽ người nhập cảnh.

Về vấn đề xét nghiệm, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ yêu cầu tập trung ưu tiên xét nghiệm chẩn đoán vi rút SARS-CoV-2 bằng phương pháp Realtime-PCR, huy động bệnh viện tư nhân theo hướng dẫn của Bộ y tế, ưu tiên xét nghiệm các trường hợp F1, người có triệu chứng ho, sốt.

Từng quận, huyện có thôn, tổ dân phố có nguy cơ thì khoanh vùng, cách ly, giãn cách theo quy định cụ thể. Bên cạnh đó, cần tính toán trường hợp cho phương án xấu nhất, rà soát các cơ sở y tế của Thành phố có khả năng chữa trị, xem xét lại phương án bệnh viện dã chiến tại Mê Linh để sẵn sàng cho tình huống này.

Xem xét đeo khẩu trang thành quy tắc chung, kể cả khi hết dịch

Về vấn đề thông tin, truyền thông, Bí thư Thành ủy yêu cầu công tác này phải đi trước một bước, phát huy được kinh nghiệm thành quả trong giai đoạn trước, nêu cao trách nhiệm cấp ủy, chính quyền, tính ưu việt của toàn bộ hệ thống chính trị.

Về việc vẫn còn nhiều người dân không đeo khẩu trang, Bí thư Thành ủy Hà Nội nêu rõ: "Đợt này tôi thấy người dân tự tin, tin tưởng vào Trung ương và Thành phố, đây là điều rất đáng quý nhưng chúng ta không được chủ quan. Tất cả mọi người nên đeo khẩu trang nơi công cộng và khi tham gia giao thông. UBND TP cũng nên xem xét đưa việc này thành quy tắc chung, kể cả khi hết dịch. Đây là vấn đề bảo vệ sức khỏe nhân dân lâu dài".

Bí thư Thành ủy Hà Nội cũng nêu 5 việc cần lưu ý, coi là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách trong thời gian tới:

Thứ nhất, tổ chức tốt và tuyệt đối an toàn kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020, theo dõi sát sao các diễn biến phức tạp có thể xảy ra, tuân thủ theo đúng dướng dẫn của Bộ GD&ĐT.

Thứ hai, tiếp tục tổ chức tốt đại hội đảng bộ cấp quận, huyện và các đơn vị còn lại theo hướng thiết thực không phô trương, hình thức; cắt biểu diễn văn nghệ, không tổ chức đưa đón đại biểu, tập trung cho vấn đề nội dung.

Thứ ba, chuẩn bị tốt vật tư y tế để đáp ứng nhu cầu của Thành phố và sẵn sàng đáp ứng nhân lực cho TP Đà Nẵng khi cần thiết.

Thứ tư, tiếp tục duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh, lưu thông sản phẩm hàng hóa, thiết yếu, đáp ứng đầy đủ yêu cầu của người dân trong mọi tình huống, bảo đảm an toàn vệ sinh, thực phẩm, bảo đảm tuyệt đối an toàn trong phòng, chống dịch.

Thứ năm, chuẩn bị các nội dung cho các hoạt động bình thường của hệ thống chính trị trong tình hình mới: Kỷ niệm 1010 năm Thăng Long, Đại hội Đảng bộ thành phố cùng các hoạt động của Trung ương trên địa bàn tùy theo tình hình dịch bệnh.

Theo baochinhphu.vn