Góp ý Đề án tổng thể xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia

- Thứ Tư, 25/03/2020, 00:17 - Chia sẻ
Ngày 24.3, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân đã chủ trì cuộc họp trực tuyến với Tổng cục Quản lý đất đai và các đơn vị liên quan về Đề án tổng thể xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia.

Báo cáo về tình hình hình thực hiện Đề án, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai Mai Văn Phấn cho biết, ngày 30.11.2019, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có Tờ trình số 92/TTr-BTNMT gửi Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án tổng thể xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia. Ngày 2.12.2019, Văn phòng Chính phủ đã có Phiếu Báo số 1857/PB- VPCP gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị Bộ tiếp tục lấy ý kiến bổ sung của các bộ, ngành, địa phương và hoàn thiện bộ hồ sơ để trình lại Văn phòng Chính phủ theo quy định. Thực hiện ý kiến của Văn phòng Chính phủ, Tổng cục Quản lý đất đai đã liên hệ, đôn đốc đầu mối của các bộ, ngành, địa phương tiếp tục cho ý kiến góp ý vào Đề án. Đến nay, Tổng cục đã nhận được 8/10 ý kiến của các bộ, ngành; 24 ý kiến của các tỉnh, thành phố. Tổng cục đang tiếp tục đôn đốc lấy ý kiến các bộ, ngành và địa phương khác, đồng thời, chỉnh sửa, hoàn thiện hồ sơ Đề án trên cơ sở các ý kiến đóng góp.

“Đề án có mục tiêu tạo nền tảng cơ bản cho công tác quản trị đất đai dựa trên hệ thống thông tin đất đai thống nhất trong phạm vi cả nước nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước và chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp, phát triển Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số. Đề án có phạm vi thực hiện trên cả nước đồng bộ, thống nhất từ Trung ương đến địa phương. Nguyên tắc xác định khối lượng thực hiện trong Đề án phải bảo đảm việc kế thừa các sản phẩm đã đầu tư từ các chương trình, dự án trước đây; không trùng lặp với các chương trình, dự án đang thực hiện, hoặc đang đề xuất. Thời gian thực hiện Đề án trong 6 năm từ năm 2020 - 2025…”, ông Mai Văn Phấn cho biết thêm.

Tại buổi làm việc, đại diện lãnh đạo các đơn vị đã đóng góp ý kiến về các giải pháp, nội dung thực hiện Đề án. Đa số ý kiến cho rằng, Đề án mới chỉ triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu cơ bản cho 33 tỉnh, thành phố. Do vậy, trong năm 2020, Tổng cục Quản lý đất đai, nhất là Ban quản lý dự án Tăng cường quản lý đất đai và cơ sở dữ liệu đất đai cần hoàn thiện các hồ sơ dự án xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai cho 30 tỉnh, thành phố chưa được đầu tư bằng nguồn vốn vay của Ngân hàng Thế giới (WB).

Kết luận tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân đánh giá cao nỗ lực của Tổng cục Quản lý đất đai trong xây dựng, đôn đốc lấy ý kiến, hoàn thiện hồ sơ Đề án tổng thể xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia. Thứ trưởng yêu cầu Tổng cục tiếp thu, giải trình nghiêm túc những ý kiến góp ý của các bộ, ngành, địa phương nhằm nâng cao tính khả thi, hiệu quả của Đề án. Tổng cục cần nghiên cứu thêm về giải pháp tổ chức thực hiện trong Đề án như: Tác động về kinh tế - xã hội; việc duy trì cập nhật, chỉnh lý cơ sở dữ liệu sau khi Đề án kết thúc; tổ chức bộ máy thực hiện; trách nhiệm của việc cập nhật, chỉnh lý, vốn…

Trương Thúy