70 năm Ngày truyền thống Văn phòng quốc hội

Góp sức đổi mới hoạt động giám sát của QH

- Thứ Sáu, 12/06/2020, 14:26 - Chia sẻ

1. Kiến nghị dự án luật về hoạt động giám sát

QH được thành lập từ đầu năm 1946, đã thực hiện nhiều hoạt động giám sát và giám sát tối cao ngay từ Kỳ họp thứ 2 của QH Khóa I, nhưng xem ra mỗi khóa, mỗi thời gian, hoạt động giám sát có những đường nét khác biệt. Ví dụ, tại Kỳ họp thứ 2 của QH Khóa I thì Chính phủ trả lời cho kỳ hết mọi chất vấn mới thôi và người trả lời chủ yếu là người đứng đầu Chính phủ. Các khóa sau này thì hầu như không thể trả lời hết các chất vấn được; chất vấn thuộc lĩnh vực nào thì “Tư lệnh” lĩnh vực đó trả lời, đến Khóa X thì các “Tư lệnh” khác có thể tham gia trả lời những chất vấn có “mảng giao thoa” liên quan. Về các cơ quan của QH thì có Ủy ban thiên về giám sát hoạt động của các bộ, ngành; có Ủy ban hầu như “quanh năm lặn lội” giám sát ở các địa phương...

Trước tình hình đó, Ban Công tác đại biểu và một số Vụ (Tổng hợp, Pháp luật...) kiến nghị và lãnh đạo VPQH đã trình UBTVQH và QH đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2003 Dự án Luật Hoạt động giám sát của QH. Được QH tán thành, Ban soạn thảo (có một số thành viên của VPQH) đã khẩn trương chuẩn bị và tại Kỳ họp thứ 3, QH Khóa XI đã tán thành thông qua Luật này với số hiệu 05/2003/QH11 ngày 17.6.2003 và có hiệu lực thi hành ngay từ 1.8 cùng năm. Luật Hoạt động giám sát của QH đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng để các chủ thể có quyền giám sát tích cực, chủ động thực hiện theo “hành lang pháp lý” đã được luật định. Từ đó đến nay, hoạt động giám sát của QH đã ổn định  nền nếp theo chương trình, đầy đủ và có hiệu lực, hiệu quả hơn. Tất cả các hình thức giám sát (QH 5 hình thức; UBTVQH có 6; các cơ quan của QH có 6; Đoàn ĐBQH và ĐBQH có 3 hình thức) đều được vận dụng tối đa.


ĐBQH biểu quyết thông qua Luật Hoạt động giám sát của QH và HĐND tại Kỳ họp thứ 10, QH Khóa XIII

2. Đổi mới hoạt động chất vấn tại kỳ họp

Cùng khoảng thời gian (năm 2004), Vụ Hoạt động đại biểu và các vụ phục vụ Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban  đều có ý kiến phải cải tiến một bước hoạt động chất vấn tại kỳ họp của QH. Trước đó, trên cơ sở tập hợp các chất vấn của các đại biểu, VPQH báo cáo UBTVQH để thống nhất dự kiến người trả lời rồi UBTVQH họp với Chính phủ để quyết định danh sách cuối cùng. “Tiêu chí” chủ yếu để quyết định là số lượng chất vấn; chức danh nào có nhiều chất vấn thì phải trả lời, bên cạnh đó cũng có tính tới việc một chức danh mà kỳ họp nào cũng có nhiều chất vấn. Cách làm này xuất hiện tình huống, có thể có nhiều chất vấn nhưng chưa hẳn đã là những vấn đề bức xúc nhất, trái lại, có những chức danh ít câu chất vấn nhưng lại là những vấn đề nóng bỏng như oan sai trong lĩnh vực tư pháp, đổ bể tín dụng trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng... Mặt khác, số lượng người trả lời chất vấn trong một kỳ họp quá đông (thường là 7 - 8 người và thêm Thủ tướng hoặc Phó Thủ tướng phát biểu sau khi mọi người đã trả lời hết). Chất vấn không giới hạn vấn đề, “thời gian tác nghiệp” cho mỗi người quá ít chỉ trên dưới 75 phút, thời gian chuẩn kết (mở đầu, kết thúc) chiếm nhiều, vì vậy một số vấn đề bị bỏ lửng. Do đó và vì thế mà tác dụng của hoạt động chất vấn bị hạn chế. Từ đó, UBTVQH đã nhất trí với đề nghị của các đơn vị VPQH là, bám chắc mục tiêu của chất vấn nhằm nâng cao tinh thần trách nhiệm và làm rõ vai trò của người đứng đầu cơ quan nhà nước và phải góp phần giải quyết được những vướng mắc, bức xúc trong thực tiễn. Bước đầu tập trung vào những vấn đề nóng bỏng nhất và đi tới cùng của vấn đề. Tại Kỳ họp thứ 6, thứ 7 QH Khóa XI, các nhóm vấn đề được tập trung chất vấn là các khiếu kiện về đất đai, thế nào là giá đất sát giá thị trường, giải tỏa mặt bằng xây dựng theo Luật Đất đai năm 2003, tình trạng thua lỗ của nhiều doanh nghiệp nhà nước, giá lúa và việc tiêu thụ nông sản vùng đồng bằng sông Cửu Long, số lượng và chất lượng thẩm phán liên quan đến tình trạng oan sai trong một số vụ án...

Với sự điều hành linh hoạt của chủ tọa, kiên quyết đi đúng trọng tâm các câu hỏi, khí thế các phiên chất vấn đã sôi động hẳn lên. Còn nhớ, do trả lời quá khúc mắc, một số đại biểu đã kiến nghị QH bỏ phiếu tín nhiệm tức khắc đối với người đứng đầu cơ quan tư pháp... Cử tri theo dõi, bước đầu hài lòng với các phiên chất vấn tại “nghị trường”. Một nét đổi mới khác là, từ thông báo một số điểm sau chất vấn đến các đối tượng bị chất vấn tiến đến việc ra Nghị quyết sau mỗi kỳ chất vấn, giao nhiệm vụ trực tiếp cho những người bị chất vấn và các cơ quan hữu trách triển khai thi hành ngay sau kỳ họp... Những đổi mới trên đây về cơ bản vẫn được tiếp tục thực hiện cho đến gần đây.

 “Thủ trưởng” cũng đi xe to. Anh em thường nói vui với nhau: trong phân phối “quyền lợi” có một sự đảo ngược, “ông to” phải đi xe nhỏ, còn “ông nhỏ” được đi xe to, nhỏ nữa thì đi tàu. Sau một hai lần đi công tác các địa phương về, Chủ tịch QH nhận thấy có điều gì nghịch cảnh, bất ổn. Cả đoàn xe dài dằng dặc, đi đến đâu thì còi ủ vang rền đến đó!

Trước tình hình hình này, anh em Cục Quản trị đề nghị, và lãnh đạo VPQH báo cáo với Chủ tịch, các Phó chủ tịch, thế là đoàn xe đi công tác địa phương của lãnh đạo QH được hình thành. Chỉ có Trưởng đoàn (lãnh đạo QH) đi xe riêng; báo, đài đi xe của báo, đài; các Chủ nhiệm, Phó chủ nhiệm, Thường trực Hội đồng Dân tộc, Ủy ban và bộ phận phục vụ đi chung một xe to. Như vậy, đoàn xe đi công tác giảm đi một nửa cho đến hai phần ba, trong đó chỉ có hai xe con (Thủ trưởng và cảnh vệ). Tuy nhiên, trong nhiều chuyến đi, “xe Thủ trưởng” chỉ có anh lái chạy không. Ở xe to không khí quá sôi động, các “cây tiếu lâm” được dịp hội tụ, thả hồn và cơ man các phiên bản chuyện hài (kể cả những chuyện có đô lượng mặn mòi nhất) cũng được tung ra tới tấp. Những trận cười nghiêng ngả nối nhau như sóng nước... Lần đầu Thủ trưởng không đừng được nên liền “nhảy” sang xe to “tham dự” và các chuyến sau thì Thủ trưởng lên xe to ngay từ khi khởi hành, lại còn đóng vai trò “chủ xướng”, điều hành nữa. Thế là “Thủ trưởng” cũng đi xe to như “ông nhỏ”. 

Chuyện nhỏ nói trên nhưng thực ra lại là thực hiện một việc lớn, đó là góp phần thực thi Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí mà chính QH Khóa XI đã thông qua.

TS. Bùi Ngọc Thanh 

TS. Bùi Ngọc Thanh
Nguyên Chủ nhiệm VPQH