Góc nhìn

Gỡ vướng cho hàng không

- Thứ Hai, 22/07/2019, 07:40 - Chia sẻ
“Việt Nam là quốc gia nằm trong nhóm có thị trường hàng không tăng trưởng nhanh nhất thế giới. 10 năm qua, hàng không Việt luôn tăng trưởng ở mức 2 con số mỗi năm”, đó là khẳng định của Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Đinh Việt Thắng. Không chỉ tăng trưởng, thị trường còn chứng kiến sự xuất hiện của những gương mặt mới, chứng kiến các hãng liên tục mở đường bay, tăng chuyến. Ngoài 5 hãng hàng không đã bay (Vietnam Airlines, Vietjet Air, Jetstar Pacific, Vasco, Bamboo Airways), còn 4 hãng đang xếp hàng chờ cấp phép gồm Công ty CP Hàng không Thiên Minh, Vietstar, Vietravel Airlines và mới nhất là Vinpearl Air.

Ở góc độ thị trường, đây là một tin vui, chứng tỏ thị trường hàng không Việt Nam đang đầy sức hấp dẫn với các nhà đầu tư và cũng hứa hẹn sẽ mang lại nhiều lợi ích cho các khách hàng. Nhưng nhìn tổng thể thì đây lại là một tin đáng lo ngại. Bởi lẽ, trong khoảng 10 năm nay, hạ tầng của tất cả sân bay trong nước đều chỉ được cải tạo, nâng cấp một cách manh mún, trong khi đó, số lượng máy bay và đường bay của các hãng hàng không đã tăng gấp đôi, hãng nào cũng muốn chạy đua để có slot bay cũng như chỗ đỗ máy bay tại các sân bay đông khách như Tân Sơn Nhất, Nội Bài hay Đà Nẵng. Tình trạng quá tải về cơ sở hạ tầng, thiếu hụt nhân lực là thách thức lớn.

Theo số liệu của Cục Hàng không Việt Nam, năm 2018 lượng hành khách qua Cảng Hàng không Tân Sơn Nhất trên 38,31 triệu người, trong khi công suất thiết kế chỉ 28 triệu. Tương tự, cảng hàng không quốc tế Nội Bài công suất thiết kế 21 triệu khách, đón 25,85 triệu khách; Đà Nẵng công suất 10 triệu khách nhưng đã đón 13,23 triệu khách; Cam Ranh công suất 5,1 triệu khách, đón 8,25 triệu khách… Bất chấp hạ tầng không thể đáp ứng nổi, các hãng vẫn đang tiếp tục đầu tư nhiều máy bay, mở thêm nhiều đường bay, tăng cường khuyến mãi để thu hút hành khách. Tình trạng ùn ứ đang kéo dài từ trong ra đến ngoài sân bay, xếp hàng từ trên trời đến dưới mặt đất, chậm hủy chuyến gia tăng cùng với vô vàn bức xúc của hành khách. Tốc độ phát triển thị trường đang tỷ lệ nghịch với chất lượng dịch vụ.

Theo kết luận tại cuộc họp Thường trực Chính phủ vào giữa tháng 6 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, ngành hàng không đã khởi sắc với việc ra đời các hãng hàng không mới, đáp ứng nhu cầu đi lại ngày càng tăng của người dân, tạo sự cạnh tranh có lợi cho khách hàng. Tuy nhiên, Thủ tướng nhận định, vẫn có một số bất cập nảy sinh có nguy cơ uy hiếp an ninh, an toàn hàng không. Đồng thời, chất lượng dịch vụ chưa bảo đảm (tình trạng chậm, hủy chuyến còn nhiều), bắt đầu có hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh.

Trong khi đó, việc giải quyết vấn đề quá tải hạ tầng hàng không chưa có gì sáng sủa. Tiến độ nâng cấp cải tạo hạ tầng các sân bay lớn vẫn đang chậm do còn nhiều vướng mắc. Với nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất, mặc dù chủ trương đã có, đất đã có nhưng 3 năm nay vẫn chưa chọn được nhà đầu tư, chưa ra được quyết định đầu tư. Dự án Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành cũng chưa thể chắc chắn được hoàn thành đúng tiến độ là khai thác giai đoạn 1 vào năm 2025. Khi điểm nghẽn hạ tầng có vẻ vẫn chưa tìm được lời giải khả thi, nhiều khả năng đây sẽ là một yếu tố quan trọng để cơ quan quản lý cân nhắc cấp hay chưa cấp phép bay cho các hãng hàng không mới.

Thực tế, ngoài vấn đề hạ tầng, lý do “vượt quá năng lực giám sát của Cục Hàng không Việt Nam” cũng từng được nhắc đến gần đây, khi lần đầu tiên trong lịch sử hàng không Việt Nam, có một doanh nghiệp là Bamboo Airways đã từng bị cơ quan quản lý từ chối cho mở rộng đội bay với lý do này. Phải mất một thời gian sau đó, Bamboo mới được Bộ Giao thông - Vận tải đồng ý cho mở rộng đội bay từ 10 chiếc lên 30 chiếc, giảm 10 chiếc so với phương án mà hãng bay này đề xuất. Trong bối cảnh này, nếu không rà soát, cân đối được giữa tốc độ phát triển và hạ tầng hàng không, có giải pháp tháo gỡ vướng mắc để đẩy nhanh công tác đầu tư vào lĩnh vực hạ tầng hàng không, thì tình trạng quá tải sẽ càng gia tăng, kìm hãm sự phát triển của ngành.

Chi An