Gỡ khó cho doanh nghiệp thủy lợi

- Thứ Tư, 15/05/2019, 07:56 - Chia sẻ
Tại buổi làm việc của Đoàn giám sát HĐND TP Hà Nội mới đây về kết quả thực hiện “Năm kỷ cương hành chính 2017”, gắn với Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, CCVC, nhiều doanh nghiệp đầu tư phát triển thủy lợi trên địa bàn phản ánh đang gặp lúng túng trong việc thực hiện nghĩa vụ bảo hiểm xã hội cho người lao động; Khó khăn về kinh phí để bảo dưỡng, bảo trì, thay thế, nâng cấp thiết bị… mong muốn TP Hà Nội cũng như các sở, ban, ngành liên quan có các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ kịp thời.

Doanh nghiệp kêu khó

Theo phản ánh của các doanh nghiệp đầu tư phát triển thủy lợi trên địa bàn thành phố, nguyên nhân chính khiến họ gặp khó trong việc thực hiện nghĩa vụ bảo hiểm xã hội cho người lao động xuất phát từ quy định số tiền đóng bảo hiểm dựa trên số tiền lương tuyệt đối của người lao động được lĩnh. Điều này khiến số tiền bảo hiểm phải đóng rất lớn. Bên cạnh đó, nhiều lao động hiện đang hưởng mức lương từ 3,7 - 3,9 triệu, không đủ mức lương tối thiểu tham gia bảo hiểm bắt buộc (4,18 triệu đồng) nên không thể tiếp cận với bảo hiểm. Đó là chưa kể đến việc, cơ quan bảo hiểm chỉ thu đủ 100% tiền bảo hiểm một lần, trong khi đơn đặt hàng của thành phố chỉ ứng trước 50% - 70% kinh phí.


Đại diện doanh nghiệp đầu tư phát triển thủy lợi phát biểu tại buổi làm việc Ảnh: Thanh Bình

Tại buổi làm việc, nhiều doanh nghiệp cũng cho biết khi thực hiện “Năm kỷ cương hành chính 2017”, gắn với việc thực hiện Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, CCVC và các chỉ đạo của Chính phủ, thành phố về công tác cải CCHC, việc buộc phải cắt giảm người lao động theo định mức khiến lực lượng kiểm tra công trình thủy lợi thiếu hụt rất nhiều. Trong khi, các công ty đầu tư phát triển thủy lợi phải quản lý số lượng công trình thủy lợi quá lớn.
Ngày 10.1.2019, UBND TP Hà Nội ban hành Quyết định số 01/2019/QĐ-UBND về giá sản phẩm công ích thủy lợi trên địa bàn không quy định thu phần kinh phí phục vụ nội đồng. Thêm vào đó, từ năm 2016 đến nay, việc trích khấu hao tài sản cố định gồm máy móc, thiết bị, dây chuyền sản xuất, tài sản được xây đúc bằng bê tông và bằng đất các công trình trực tiếp phục vụ tưới nước, tiêu nước không được thực hiện mà chỉ mở sổ chi tiết theo dõi giá trị hao mòn. Quy định này khiến Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Đầu tư phát triển thủy lợi sông Nhuệ Vũ Mạnh Hùng hết sức lo lắng. Theo ông Hùng, khi các công trình thủy lợi nội đồng xuống cấp, nếu không duy tu sửa chữa kịp thời thì không bảo đảm phục vụ sản xuất. Tuy nhiên, để bảo đảm sản xuất thì doanh nghiệp không biết lấy nguồn ở đâu để bù vào chi phí, vì không được trích khấu hao tài sản.

Trong khi đó, Giám đốc Công ty Đầu tư phát triển thủy lợi sông Đáy Doãn Văn Kính nêu thực trạng: Nhiều công trình thủy lợi đi qua ruộng bỏ hoang, xen kẹt dẫn tới lãng phí nguồn nước. “Ruộng bỏ hoang vẫn phải mất chi phí để duy trì hoạt động tưới tiêu nhưng lại không thể thu phí. Không những vậy, người dân cũng không ý thức bảo vệ các công trình thủy lợi. Nếu thành phố không có chính sách hỗ trợ trong những trường hợp này thì công ty thủy lợi chắc chắn sẽ thua lỗ”, ông Kính nói. 

Đa dạng hóa các nguồn lực

Trước kiến nghị của đại diện lãnh đạo các ty đầu tư phát triển thủy lợi, Phó Giám đốc Sở NN - PTNT thành phố Phạm Văn Khương cho rằng, tài nguyên nước hiện đang ngày càng khan hiếm. Vì vậy, cần đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng phương án điều tiết hợp lý để giảm thiểu lãng phí. Theo ông Khương, phân bổ tưới tiêu theo hệ thống là giải pháp thiết thực. Còn đối với trường hợp đất ruộng xen kẹt, bỏ hoang, các doanh nghiệp cần phối hợp cùng các địa phương rà soát, lập kế hoạch bơm nước theo từng khu nội đồng dựa trên tình hình thực tế. “Quan trọng hơn cả là phải tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân trong việc sử dụng nguồn nước tiết kiệm, hiệu quả”, ông Khương nhấn mạnh.

Liên quan đến vấn đề thực hiện nghĩa vụ bảo hiểm, ông Khương cho rằng: Các công ty thủy lợi cần phối hợp cùng Sở Tài chính và cơ quan bảo hiểm để đưa ra phương án giải quyết và mức đóng bảo hiểm phù hợp với từng đối tượng lao động. Riêng các trạm bơm hiện đang xuống cấp, các công ty thủy lợi nên lập phương án xin kinh phí bảo trì duy tu, gửi tới UBND thành phố, Bộ NN - PTNT để đưa vào kế hoạch đầu tư trung hạn. “Quan trọng hơn cả là không nên trông chờ, ỉ lại vào kinh phí từ ngân sách thành phố, mà phải đa dạng hóa các nguồn lực để phục vụ công tác nâng cấp thiết bị, máy móc từ địa phương; sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư từ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM”, ông Khương gợi mở.

Lắng nghe ý kiến từ các đơn vị, sở, ngành và thành viên đoàn giám sát, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn khẳng định, 5 công ty thủy lợi có chức năng, nhiệm vụ rất lớn trong bảo đảm công tác tưới, tiêu, là mảng công việc có ý nghĩa quan trọng phục vụ xây dựng nông thôn mới. Ghi nhận cố gắng của các công ty trong điều kiện nhiều khó khăn, Trưởng đoàn giám sát đề nghị trước hết, các đơn vị cần xác định việc ổn định tổ chức, tinh gọn bộ máy là cần thiết nhằm nâng cao chất lượng hoạt động. Cùng với đó, trong điều kiện số người giảm đi thì cách thức quản trị cần hiệu quả hơn. Với vướng mắc của các DN, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP Nguyễn Ngọc Tuấn đề nghị các sở, ngành, nhất là Sở Nội vụ, NN - PTNT, Tài chính tăng cường hướng dẫn để ổn định tổ chức bộ máy các công ty, tìm giải pháp khắc phục những bất cập trong xây dựng đơn giá định mức…

THANH BÌNH