“Gõ cửa” danh nhân

- Thứ Năm, 19/03/2020, 08:28 - Chia sẻ
Chắt lọc những trải nghiệm, suy ngẫm về cuộc đời và xã hội qua tư duy của những trí tuệ uyên thâm trên thế giới, “Cảo thơm lần giở” là thành quả miệt mài lao động chữ nghĩa, xuất - nhập khẩu văn hóa nhằm quảng bá văn hóa Việt Nam ra thế giới và giới thiệu tinh hoa văn hóa thế giới đến Việt Nam của nhà văn hóa Hữu Ngọc. Ông ví đây là chuyến hành hương đi “gõ cửa” các danh nhân thế giới để tìm giải đáp cho những câu hỏi siêu hình muôn thủa.

Ở tuổi 102, nhà văn hóa Hữu Ngọc vừa cho ra mắt bộ sách mới “Cảo thơm lần giở” (NXB Kim Đồng), gồm hai quyển với dung lượng gần 1.000 trang. Việc ra mắt sách ở cái tuổi xưa nay hiếm quả là có một không hai, không chỉ ở Việt Nam mà có lẽ cả trên thế giới.

“Từ trước đến nay, tôi chưa từng gặp người bắc cầu giữa các nền văn hóa như ông Hữu Ngọc - cắm rễ sâu vào văn hóa Việt Nam, một con người quốc gia chân chính, rất tế nhị khi thâu nhận những nền văn hóa khác”.

Đại sứ Thụy Điển BORJE LUNGGREN
(Trích diễn văn tại Lễ gắn Huân chương Bắc Đẩu tại Đại sứ quán Thụy Điển, ngày 6.6.1997)

“Ông Hữu Ngọc là một trong những học giả xuất sắc của Việt Nam. Ở ông, tôi xin chào không những một ký ức không bao giờ cạn, mà cả một con người có vốn văn hóa tế nhị, hình ảnh của Việt Nam”.

Bộ trưởng Bộ Quan hệ quốc tế về khối Pháp ngữ của Quebec, Canada SYLVAIN
(Lễ ra mắt cuốn “Phác thảo chân dung Hà Nội” do Québec tài trợ, ngày 6.11.1997)

Hơn 180 danh nhân Đông - Tây kim cổ

Bộ sách giới thiệu cuộc đời và tư duy của hơn 180 danh nhân Đông - Tây kim cổ, trải rộng trên nhiều lĩnh vực: Tôn giáo, văn hóa, triết học, khoa học, văn học, nghệ thuật, đạo đức học, xã hội học, sử học, tâm lí học, chính trị học... đại diện cho các nền văn hóa của nhân loại. Từ những giáo chủ như Phật Thích Ca, Chúa Jésus, nhà tiên tri Muhammad; những triết gia như Khổng Tử, Socrates, Hegel, Sartre...; những nhà khoa học như Darwin, Einstein; những nhà văn, nhà thơ như Shakespeare, Cesvantes, Dante, Goethe, Dostoyevsky, Lỗ Tấn, Tagor, Molière...; những chính khách như Kennedy, Mandela, Obama...; những nhà chiến lược quân sự như Tôn Tử, Machiavelli...; những nghệ sĩ như Leona de Vinci, Picasso, Guitry... Bộ sách cũng giới thiệu ba danh nhân Việt Nam được UNESCO công nhận là Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Chí Minh.

Qua lăng kính của Hữu Ngọc, mỗi danh nhân được khắc họa một cách súc tích về cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng, học thuyết. Với mỗi người, tác giả cẩn trọng lựa chọn những câu nói nổi tiếng, tiêu biểu, thể hiện tư tưởng, học thuyết của danh nhân ấy. Tùy hứng chi phối độ dài ngắn của mỗi chân dung. Phần viết về Hồ Chí Minh có phụ lục “Hồ Chí Minh với những giá trị văn hóa phương Tây”, trong đó nhấn mạnh, Hồ Chí Minh có thể được xếp vào những con người mà bà Indira Gandhi gọi là “hỗn hợp Đông Tây”, còn Hữu Ngọc thì kết luận: “Phương Đông và phương Tây, quốc gia và quốc tế, hành động và thi ca, truyền thống và cách mạng, lý tưởng và tình cảm, Hồ Chí Minh đã giải quyết những mâu thuẫn ấy một cách biện chứng tuyệt vời. Đúng như triết gia Pháp Pascal đã viết, người ta không vĩ đại khi chỉ đứng ở một cực, mà phải nối liền hai cực và lấp đầy khoảng giữa. Có lẽ Hồ Chí Minh là chính khách duy nhất trong lịch sử Việt Nam biết hài hước và có tâm hồn nghệ sĩ”.

Một chuyến lãng du văn hóa

Cuốn sách được sắp xếp theo thứ tự ABC khiến nó có cấu trúc giống như từ điển. Tuy nhiên, theo nhà văn người Mỹ Lady Borton - một người bạn thân thiết của tác giả thì: “Thực ra đây không phải là một từ điển theo đúng quy tắc, vì nó không mang tính khách quan khoa học của một tác phẩm kinh điển. Có thể coi đó là một tập ký đậm màu sắc cá nhân”. Nhưng có lẽ, chính màu sắc cá nhân đó khiến cho những câu chuyện trong sách trở nên gần gũi, mang lại cảm xúc, ấn tượng cho người đọc, chứ không đơn thuần là một cuốn từ điển mang tính thông tin. Nhẩn nha đọc “Cảo thơm lần giở”, theo nhà văn Lady Borton, độc giả như được cùng ông “thực hiện một chuyến lãng du văn hóa qua thời gian và không gian, để tìm con người muôn thuở”.

Nhà văn hóa Hữu Ngọc tự bạch: “Cuộc hành hương tìm về quá khứ của bản thân tác giả đã đem lại cho tác giả chút bình thản để hồi tưởng những chuyện riêng tư và cả những sự kiện quốc gia, quốc tế đương thời… Trong quá trình hồi tưởng, tác giả luôn băn khoăn về ý nghĩa các sự việc đã qua, rồi từ đó suy ngẫm về ý nghĩa đời người và phận người… Có phải ai cũng như danh họa Gauguin để có thể dùng một bức họa giải đáp mấy câu hỏi siêu hình muôn thuở: Chúng ta từ đâu đến? Chúng ta là ai? Chúng ta đi đâu? Cuộc hành hương của tác giả rẽ sang ngả khác: Qua thư tịch, đi “gõ cửa” các danh nhân thế giới để tìm những giải đáp cho câu hỏi trên. Thành quả “tầm sư” ấy là cuốn sách này”.

Đọc cuốn sách, độc giả có thể mường tượng được phần nào bối cảnh xã hội, nền giáo dục, văn hóa Việt Nam qua hành trình học tập, công tác của tác giả xuyên suốt một thế kỷ. Mượn ý thơ trong “Truyện Kiều”, “Cảo thơm lần giở” nghĩa là mở lại những pho sách quý làm tiêu đề, lấy hai câu đề tựa bộ sách cũng là câu mở đầu và kết thúc “Truyện Kiều”: “Trăm năm trong cõi người ta”, “Mua vui cũng được một vài trống canh”, nhà văn hóa Hữu Ngọc quả là có ý muốn tổng kết cả một đời suy tưởng của mình. Nhưng có lẽ cũng như đại thi hào Nguyễn Du, ông viết bộ sách không chỉ để “mua vui”.

Hà Linh Ngọc