Gỡ các “nút thắt” để nông nghiệp Thủ đô phát triển xứng tầm

- Thứ Bảy, 11/07/2020, 06:38 - Chia sẻ
Mặc dù là đô thị đặc biệt song nông nghiệp, nông thôn và nông dân vẫn là trụ cột trong sự phát triển của Hà Nội. Dẫu vậy, việc chưa khai thác hết tiềm năng, cùng với nhiều hạn chế chưa được khắc phục vẫn đang là lực cản khiến “tam nông” của thành phố chưa thực sự bứt phá. Buổi làm việc của Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ với Ban Cán sự Đảng Bộ NN - PTNT mới đây đã đem đến nhiều giải pháp để nông nghiệp, nông thôn và nông dân thực sự động lực phát triển của Hà Nội trong thời gian tới.

Tạo điều kiện phát triển “tam nông”

Theo đánh giá, thời gian qua, Hà Nội đã nhìn ra vai trò, tầm quan trọng của “tam nông” đối với quá trình phát triển bền vững. Trên cơ sở đó, Thành ủy Hà Nội đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt bằng các chương trình công tác toàn khóa nhằm tạo điều kiện để nông nghiệp, nông thôn, nông dân có thêm bước phát triển mới. Thành phố cũng huy động được sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị, các nguồn lực xã hội giúp diện mạo nông thôn thay đổi, đời sống nông dân được nâng cao, tạo tiền đề cho hướng phát triển đột phá của khu vực này trong thời gian tới.

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ phát biểu tại buổi làm việc

Thời gian tới, Hà Nội đặt mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững. Trong đó, mục tiêu cụ thể tới năm 2025, phấn đấu tăng trưởng sản xuất nông nghiệp bình quân từ 2,5%/năm trở lên; tỷ trọng giá trị sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên 70% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp của thành phố; phấn đấu 100% huyện, xã đạt chuẩn NTM, trong đó có ít nhất 1 huyện đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; 30% số xã đạt chuẩn NTM nâng cao và 15% số xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu...

Báo cáo tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Nguyễn Văn Sửu cho biết: Mặc dù chịu tác động tiêu cực của bệnh dịch tả lợn châu Phi, dịch Covid-19 nhưng sản xuất nông nghiệp của Thủ đô những tháng đầu năm vẫn có nhiều tín hiệu khả quan. Vượt qua mức tăng trưởng âm trong quý I, với sự chỉ đạo quyết liệt của thành phố, trong quý II.2020, sản xuất nông nghiệp Thủ đô đã trở lại mức tăng trưởng 1,61%. Đây là kết quả đáng ghi nhận trong bối cảnh nông nghiệp cả nước chỉ tăng 1,18%.

Tuy nhiên, theo đánh giá của lãnh đạo thành phố, sự phát triển của lĩnh vực nông nghiệp vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Hơn nữa, một số tồn tại, vướng mắc nếu được tháo gỡ, khắc phục kip thời thì dư địa phát triển thực sự còn rất lớn. Trong đó, khoảng cách thu nhập bình quân/người giữa người dân ở nông thôn và toàn thành phố tương đối lớn; hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp nhìn chung chưa cao; năng suất lao động còn thấp. Mặc dù diện tích đất nông nghiệp chiếm hơn 50% nhưng kinh tế nông nghiệp ước tính đến cuối năm nay chỉ đóng góp khoảng 2,65% trong tổng sản phẩm (GRDP). Bên cạnh đó, thành phố cũng đang đứng trước nhiều bài toán liên quan đến quy hoạch, kế hoạch phát triển “tam nông” và hàng loạt vấn đề khác đặt ra cần sớm tập trung giải quyết.

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ NN - PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng: Hà Nội phải nỗ lực hơn nữa để trở thành trung tâm công nghệ nông nghiệp, trung tâm chế biến nông sản và cần nhận diện để định hướng phát triển đúng với tầm vóc trung tâm của cả nước. Với ngành nông nghiệp cũng vậy, thành phố cần hướng đến những thành tựu cao hơn. “Nông dân của Hà Nội phải là nông dân 4.0, sản xuất nông nghiệp của Hà Nội phải thu hút được nhiều người tài tham gia hơn nữa…”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Trước các ý kiến, các giải pháp mang đậm tính xây dựng của các thành viên Ban Cán sự Đảng Bộ NN - PTNN và các chuyên gia, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ cho biết: Hà Nội sẽ tiếp tục thực hiện Chương trình số 02 ở giai đoạn mới theo hướng đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung quy mô lớn. Trong đó, sẽ tập trung tăng giá trị gia tăng của sản phẩm nông nghiệp thông qua chế biến, xuất khẩu; tổ chức liên kết, hợp tác, phát triển các chuỗi sản xuất, tiêu thụ nông sản với các tỉnh, thành trong cả nước. Đồng thời, đổi mới, nâng cao hiệu quả tổ chức sản xuất nông nghiệp; thu hút mạnh các nguồn lực đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp… tạo điều kiện cho “tam nông” phát triển tương xứng với tiềm năng, thế mạnh và đạt mục tiêu đề ra.

Thành phố Hà Nội và Bộ NN - PTNN ký biên bản ghi nhớ hợp tác

Tháo gỡ vướng mắc trong quy hoạch thoát lũ sông Hồng

Tại buổi làm việc, một trong những nội dung được các đại biểu tập trung thảo luận là vấn đề quy hoạch phòng, chống lũ của các tuyến sông có đê trên địa bàn. Theo Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ, muốn quy hoạch được hai bên bờ sông Hồng và các bờ sông khác thì quy hoạch thoát lũ là quan trọng nhất. Bí thư Thành ủy cũng chỉ rõ: Vướng mắc quy hoạch đã kìm hãm phát triển các khu vực này, các nhà đầu tư không dám đầu tư, các công trình đều "án binh bất động”. Do vậy, thành phố mong muốn Bộ NN - PTNT đồng hành, sớm hướng dẫn, thẩm định quy hoạch phòng chống lũ các tuyến sông để trình Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, phê duyệt.

Trước những đề xuất của thành phố, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết: Quyết định số 257/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phòng, chống lũ và quy hoạch đê điều hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình là cơ sở gốc của vấn đề quy hoạch thoát lũ sông Hồng tại Hà Nội. Trong đó, phải thực hiện được 2 nguyên tắc chính là bảo đảm cao trình đê 13,4m và lưu lượng dòng chảy 20.000m3/giây. Trên cơ sở đó, Bộ sẽ cùng thành phố tập trung rà soát, tiến tới chỉnh trang lại vùng bãi sông làm để có thể quản trị tốt về mặt tổng thể, nhất là trước ảnh hưởng của biến đổi khí hậu ngày một phức tạp như hiện nay nhưng vẫn tận dụng được nguồn tài nguyên và bảo đảm an sinh xã hội.

Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, Bộ NN - PTNT sẽ cử lực lượng các nhà khoa học có chuyên môn cao từ các Viện trực thuộc cùng với thành phố tổng rà soát để triển khai Quyết định số 257 của Thủ tướng Chính phủ, hoàn thiện được quy hoach phòng chống lũ cho Thủ đô. “Trong đó, những vấn đề bức xúc sẽ được ưu tiên đánh giá trước để xử lý riêng trên tinh thần phải nhanh”, Bộ trưởng Cường nhấn mạnh.

Theo Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ, việc tháo gỡ các vướng mắc liên quan đến quy hoạch phòng chống lũ, đề xuất liên quan đến khu vực bãi sông sẽ là nền tảng quan trọng không chỉ phục vụ cho phát triển nông nghiệp, mà còn tạo điều kiện cho thành phố sớm phủ kín được quy hoạch phân khu, nhất là quy hoạch phân khu sông Hồng. Đồng thời, tạo điều kiện khai thác nguồn lực, góp phần xây dựng Hà Nội trở thành đô thị giàu đẹp, văn minh, hiện đại và giải quyết sinh kế cho khoảng 900.000 người dân đang sinh sống ở khu vực này.

HUYỀN LOAN