Phòng Soạn thảo luật

Giúp việc ở hậu trường

- Chủ Nhật, 12/05/2019, 09:12 - Chia sẻ
Mặc dù đa số các dự luật ở Philippines do Chính phủ chuẩn bị và trình, vẫn có một số lượng dự luật do các nghị sĩ trình. Trong những trường hợp đó, Ban Thư ký Hạ viện Philippines có Phòng Soạn thảo luật (Bill Drafting Service) thuộc Văn phòng nghiên cứu và tham khảo phục vụ nghị sĩ soạn thảo các dự luật. Đây là đơn vị gần gũi với các nghị sĩ và các chuyên viên của họ hơn cả.

Soạn thảo dự án luật là một kỹ năng đặc biệt, đòi hỏi ở chuyên gia soạn thảo sự cống hiến, tinh thần làm việc hết mình và sự dồi dào về kiến thức lập pháp. Công việc này có thể khó hoặc dễ phụ thuộc vào loại hình dự luật được yêu cầu hay bản thân yêu cầu. Ví dụ: Nếu là một dự luật áp dụng ở phạm vi cục bộ thì công việc tương đối dễ dàng, thậm chí chỉ cần đưa ra tên dự luật. Vấn đề sẽ nảy sinh khi yêu cầu liên quan đến một dự luật có tầm quan trọng đối với quốc gia và chỉ có tên dự luật được đưa ra hoặc khi chỉ có một ý tưởng còn mơ hồ của nghị sĩ có yêu cầu được chuyển đến cho chuyên gia soạn thảo. Nhìn chung, dự luật như vậy đòi hỏi ở người nghiên cứu thời gian và sự am hiểu sâu sắc. Hiện nay, một dự luật đòi hỏi phải có hàng tháng trời nghiên cứu, tìm hiểu trước khi nó được soạn thảo. Vấn đề sẽ trở nên khó khăn, phức tạp hơn nếu nghị sĩ yêu cầu có các phương án dự kiến trong một, hai ngày. Trong trường hợp đó, chuyên gia soạn thảo dự án luật phải nỗ lực hết sức mình để hoàn thành yêu cầu mà không được làm ảnh hưởng đến chất lượng của dự luật.

Sau khi nhận được đề nghị soạn thảo dự luật từ nghị sĩ, chuyên gia soạn thảo nhanh chóng tiến hành nghiên cứu vấn đề đó để có được những quan điểm liên quan đến đề nghị. Chuyên gia này sẽ phải rà soát xem đã có dự luật tương tự nào được soạn thảo hay chưa. Nếu một dự luật tương tự đã được soạn thảo rồi, chuyên gia đó có thể hỏi nghị sĩ bảo trợ dự luật có cần bản dự thảo đã soạn không.


Thượng viện Philippines

Trong suốt quá trình soạn thảo, chuyên gia soạn thảo phải luôn luôn ghi nhớ rằng: Dự luật phải phù hợp với khuôn khổ của Hiến pháp và các quyết định của Tòa án tối cao liên quan đến Hiến pháp; đối chiếu với các văn bản pháp luật hiện hành; lưu ý xem xét pháp luật nước ngoài trong trường hợp kiến nghị luật đó mới mẻ hoặc việc áp dụng chưa rõ ràng ở Philippines. Chuyên gia soạn thảo nghiên cứu tính khả thi của các kiến nghị trong dự luật khi áp dụng vào các tình huống có thật và vào thực tiễn cuộc sống.

Chuyên gia soạn thảo phải thu thập được những thông tin cần thiết liên quan đến vấn đề của dự luật như: Các tài liệu viết dưới dạng dự luật nhưng chưa được trình ra trong kỳ họp trước hoặc được trình ra nhưng chưa được thông qua; các luật tương tự đã được thực thi hay được giải thích bằng văn bản của Tòa án tối cao; văn bản luật gốc và những sửa đổi mới nhất; các bài viết trên các báo, tạp chí, hay các ấn phẩm khác…

Sau khi đã hình thành quan điểm rõ ràng về dự luật, rà soát, đối chiếu với Hiến pháp và các văn bản pháp luật hiện hành, thu thập được đầy đủ những thông tin phù hợp với vấn đề của dự luật, chuyên gia soạn thảo sẵn sàng bắt tay vào soạn thảo dự luật hoặc quyết định. Trong quá trình soạn thảo dự luật hoặc quyết định, chuyên gia soạn thảo phải đặc biệt lưu ý đến hình thức, văn phong và nội dung văn bản.

Chuyên gia soạn thảo dự luật cũng có nhiệm vụ chuẩn bị các bài phát biểu tại các hội nghị quốc tế. Đối với mục tiêu này, chuyên gia soạn thảo dự luật có quyền yêu cầu Phòng nghiên cứu lập pháp - đơn vị trong cùng một văn phòng - cung cấp những thông tin có liên quan để phục vụ các đoàn nghị sĩ trong việc tuyên truyền các chính sách của Philippines trên trường quốc tế.