Khánh Hòa tái cơ cấu ngành thủy sản theo hướng bền vững

Giúp ngư dân giàu lên từ biển

- Thứ Tư, 30/10/2019, 08:09 - Chia sẻ
Theo Chiến lược phát triển kinh tế thủy sản Việt Nam đến năm 2020, Khánh Hòa được xác định là 1 trong 5 trung tâm nghề cá lớn của cả nước. Hiện, tỉnh đang khẩn trương triển khai quy hoạch phát triển ngành thủy sản tỉnh đến năm 2025 và định hướng đến năm 2035 vừa được HĐND tỉnh thông qua để khai thác hiệu quả tiềm năng, giải quyết việc làm, cải thiện đời sống của cộng đồng ngư dân, thúc đẩy kinh tế biển Khánh Hòa ngày càng phát triển.

Thủy sản đóng vai trò chủ lực

Những năm qua, phát triển kinh tế thủy sản được các cấp chính quyền tỉnh Khánh Hòa hết sức chú trọng bởi mũi nhọn kinh tế này không chỉ giúp người dân giàu lên từ biển mà còn góp phần khẳng định vững chắc chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Trước những yêu cầu của ngành, tháng 6.2018, UBND tỉnh Khánh Hòa đã phê duyệt Quy hoạch phát triển ngành thủy sản Khánh Hòa đến năm 2025 và định hướng đến năm 2035. Quyết định phê duyệt quy hoạch phát triển được xây dựng trên quan điểm đảm bảo phù hợp với tình hình phát triển của tỉnh và các ngành, lĩnh vực định hướng tái cơ cấu ngành nông nghiệp trong đó thủy sản đóng vai trò chủ lực.

Khánh Hòa là tỉnh có đường bờ biển dài 385km với nhiều cửa lạch, đầm, vịnh, đảo và vùng biển lớn tạo nên ngư trường đánh bắt rộng lớn có nhiều tiềm năng cho phát triển ngành thủy sản. Đặt mục tiêu cạnh tranh cao trong hội nhập quốc tế và đa dạng sản phẩm phục vụ cho xuất khẩu, tỉnh Khánh Hòa định hướng đến năm 2020 và 2025 tổng sản lượng khai thác tăng lần lượt lên 12 - 13%.


Đại diện Chi cục Thủy sản Khánh Hòa trao cờ Tổ quốc, tủ thuốc cho 6 nghiệp đoàn nghề cá

Hiện nay, Khánh Hòa đang tập trung phát triển ngành ở cả khai thác lẫn nuôi, trồng thủy sản (NTTS), hiện đại hóa đội tàu khai thác, hướng đến xa bờ; trong khi đó NTTS cũng đang phát triển mạnh nghề nuôi biển. Trong định hướng phát triển, Khánh Hòa tập trung phát triển đội tàu khai thác xa bờ, hiện đại, từng bước phát triển đội tàu khai thác viễn dương. Số lượng tàu cá công suất lớn đã phát triển nhanh trong 3 - 4 năm gần đây. Chỉ tính riêng hỗ trợ đóng mới và nâng cấp tàu cá theo Nghị định 67 và Nghị định 17 đến nay đã có 36 tàu hạ thủy, trong đó có 33 tàu đóng mới và 3 tàu cải hoán, nâng cấp.

Theo Chi cục Thủy sản, đến nay, các sản phẩm thủy sản Khánh Hòa đã có mặt tại 64 thị trường trên thế giới. Kim ngạch xuất khẩu thủy sản của tỉnh tăng nhanh hàng năm, đến năm 2018 đạt 573,1 triệu USD, chiếm hơn 60% giá trị xuất khẩu của ngành Nông nghiệp tỉnh.

Toàn tỉnh có 44 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu thủy sản được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn ngành, trong đó có nhiều doanh nghiệp lớn như: Công ty TNHH Hải Vương, Công ty CBXK F17, Công ty TNHH Hải Long, Công ty TNHH Thịnh Hưng, Công ty TNHH Tín Thịnh…

Đồng hành với ngư dân bám biển

Khánh Hòa là một trong những địa phương có đội tàu đánh bắt xa bờ khá lớn, với hơn 1.300 chiếc thường xuyên tham gia khai thác tại các vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa và nhà giàn DK1. Để đồng hành với ngư dân vươn khơi, mỗi năm bước vào mùa khai thác, ngành chức năng phối hợp cùng với các đơn vị như: Cảnh sát biển, Bộ đội Biên phòng để tặng cờ Tổ quốc và tủ thuốc cho ngư dân nhằm khích lệ, động viên tinh thần ngư dân vươn khơi bám biển, bảo vệ chủ quyền Tổ quốc cũng như hỗ trợ bà con vượt qua khó khăn trong quá trình đánh bắt thủy hải sản.

Bên cạnh đó, hoạt động đánh bắt của bà con đã được ngành thủy sản tổ chức theo mô hình tổ đội đoàn kết để thuận tiện hỗ trợ nhau trong lúc đánh bắt khơi xa. Từ đầu năm đến nay, cả tỉnh đã có hơn 20 vụ tàu cá bị hỏng hóc trong lúc khai thác và đã được cứu hộ thành công nhờ vào mô hình liên kết này.

Để giúp bà con yên tâm vươn khơi bám biển, trong nhiều năm qua ngành thủy sản Khánh Hòa đã có nhiều hoạt động đồng hành với ngư dân trong những lúc khó khăn nhất. Vừa qua, Chi cục Thủy sản Khánh Hòa tiếp tục trao 1.000 lá cờ và 6 tủ thuốc cho bà con ngư dân nhằm khích lệ, động viên tinh thần ngư dân vươn khơi bám biển, bảo vệ chủ quyền Tổ quốc.

Vượt qua hàng trăm hải lý trong mỗi chuyến hành trình, phải chịu đựng sóng gió, muối mặn và thời tiết khắc nghiệt của biển cả, những lá cờ trên tàu cá của nhiều ngư dân dần bạc màu. Đối với ngư dân, cờ Tổ quốc được xem như ngọn hải đăng trong mỗi hải trình khai thác trên biển, khẳng định chủ quyền vùng biển, đảo của Tổ quốc. Thêm mỗi lá cờ được trao tặng, là bà con có thêm nghị lực để vươn khơi.

Tình hình đánh bắt trên biển đang hết sức phức tạp, phương tiện khai thác của bà con ngư dân còn nhỏ, lạc hậu; nhiều người chưa nắm rõ các vùng giáp ranh nên dễ bị tàu nước ngoài bắt giữ. Chính vì thế, Chi cục Thủy sản cùng các lực lượng chấp pháp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức và nhắc nhở bà con cần chấp hành, tuân thủ luật pháp khi khai thác khơi xa; cùng đoàn kết giúp đỡ nhau, bảo đảm an toàn trong sản xuất, tránh những thiệt hại đáng tiếc.

Qua tuyên truyền phổ biến quy định pháp luật bà con ngư dân đã nhận thức đầy đủ nghĩa vụ, trách nhiệm trong mỗi lần vươn khơi. Những lá cờ Tổ quốc được thay mới, và sẽ hiện diện nhiều hơn tại các vùng biển của Việt Nam. Bà con ngư dân sẽ tiếp tục khai thác, đánh bắt hải sản hợp pháp trên các vùng biển, góp phần thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền.

Tăng tỷ trọng ngành

Trong hơn 60 năm qua, cơ cấu sản phẩm của kinh tế thủy sản cả nước đã có những thay đổi mạnh mẽ theo hướng tăng tỷ trọng nuôi trồng, tăng tỷ trọng sản phẩm có giá trị cao, đặc biệt là sản phẩm xuất khẩu. Khai thác hải sản, đã chuyển dịch theo hướng trở thành một nghề cá cơ giới, tăng cường khai thác ở vùng biển xa bờ, hướng vào các đối tượng khai thác có giá trị cao và các đối tượng xuất khẩu; đồng thời ổn định khai thác vùng ven bờ, khai thác đi đôi với bảo vệ và phát triển nguồn lợi, môi trường sinh thái…

Theo Quyết định số 1788 của UBND tỉnh Khánh Hòa về quy hoạch phát triển thủy sản, định hướng đến năm 2035 tăng tỷ trọng ngành thủy sản lên 63% tổng tỷ trọng ngành nông nghiệp tỉnh; riêng với giá trị xuất khẩu tăng bình quân từ 3 - 4%/năm. Trong phát triển nuôi trồng và khai thác thủy sản, Tỉnh ủy Khánh Hòa đặc biệt nhấn mạnh đến việc ứng dụng khoa học công nghệ nhằm nâng cao năng suất, chất lượng gắn với chế biến, xuất khẩu thủy sản theo chuỗi sản phẩm; khai thác theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, giảm dần khai thác gần bờ nhằm nâng cao chất lượng và bảo vệ nguồn lợi thủy sản theo hướng bền vững. Đồng thời hình thành Trung tâm Nghề cá lớn tỉnh Khánh Hòa, tạo đầu mối giao lưu quan trọng quốc tế là bàn đạp cho phát triển các khu công nghiệp thủy sản, khu kinh tế ven biển gắn với ngư trường Nam Trung Bộ và Trường Sa.

Với ngư trường rộng lớn, thị trường tiềm năng, nguồn lao động dồi dào việc thủy sản Khánh Hòa cất cánh vừa tăng giá trị chuỗi sản phẩm vừa khẳng định chiến lược phát triển chung trong thời gian tới.

Về quản lý hành chính và tầm nhìn chiến lược, việc phát triển ngành nhằm nâng cao năng lực quản lý nhà nước trong lĩnh vực thủy sản và từng bước đáp ứng nhu cầu thị trường, mục tiêu định hướng phát triển ngành theo chuỗi sản xuất, từ khâu nguyên liệu đầu vào đến khâu chế biến và tiêu thụ sản phẩm.

Theo Chiến lược, quy hoạch phát triển kinh tế thủy sản Việt Nam đến năm 2020, Khánh Hòa được xác định là 1 trong 5 trung tâm nghề cá lớn của cả nước, tạo đầu mối giao lưu quan trọng quốc tế làm động lực cho phát triển các khu công nghiệp thủy sản, khu kinh tế ven biển. Hiện, tỉnh đang khẩn trương triển khai quy hoạch phát triển ngành thủy sản tỉnh đến năm 2025 và định hướng đến năm 2035 vừa được HĐND tỉnh thông qua để khai thác hiệu quả tiềm năng, giải quyết việc làm, cải thiện đời sống của cộng đồng ngư dân, thúc đẩy kinh tế biển Khánh Hòa ngày càng phát triển.

Lê Phượng