Giúp dân chủ động làm du lịch cộng đồng

- Thứ Bảy, 27/09/2014, 08:33 - Chia sẻ
Có nhiều tiềm năng nhưng du lịch cộng đồng ở nước ta chưa thực sự đem lại lợi ích cho dân. Cần hỗ trợ dài hơi để giúp họ chủ động trong việc triển khai mô hình này là ý kiến của chuyên gia du lịch cộng đồng (Dự án EU) CAO ĐẠI HÙNG trong cuộc phỏng vấn với PV Báo ĐBND xung quanh vấn đề này.

- Là chuyên gia trong lĩnh vực du lịch cộng đồng, ông đánh giá như thế nào về mức độ tác động của du lịch đối với cộng đồng, đặc biệt ở vùng núi, nơi còn khó khăn về kinh tế nhưng có tiềm năng khai thác du lịch văn hóa bản địa ở nước ta hiện nay?

- Có một thực trạng khá phổ biến đang diễn ra hiện nay, hầu hết lợi ích của du lịch đều chạy vào túi của các đơn vị kinh doanh du lịch, đặc biệt là các công ty lớn và nhà đầu tư nước ngoài. Do đó du lịch cộng đồng được xem như là một cơ hội ít ỏi mà người dân có thể tiếp cận để tạo nguồn thu nhập và việc làm từ du lịch. Nhờ đó, phần nào giúp cho địa phương phát triển kinh tế và giảm nghèo. Hơn thế, nếu tận dụng tốt các cơ hội, khả năng du lịch mang lại lợi ích về mặt kinh tế, văn hóa, xã hội và môi trường là rất lớn và khả thi.


Nguồn: ITN
Ở những vùng miền núi xa xôi, với lợi thế về cảnh quan tự nhiên và văn hóa độc đáo, đặc sắc, người dân có thể tiếp cận các lợi ích theo nhiều khía cạnh khác nhau nếu như phát triển du lịch một cách phù hợp và đúng hướng, bao gồm cả trực tiếp và gián tiếp. Tôi lấy ví dụ thu nhập và việc làm từ việc cung ứng dịch vụ lưu trú tại nhà dân homestay, nấu ăn, hướng dẫn địa phương, biểu diễn văn nghệ, bán sản phẩm thủ công/hàng lưu niệm... là những lợi ích trực tiếp. Còn những thu nhập từ việc cung ứng đầu vào cho chuỗi ăn uống, sư phát triển nghề thủ công truyền thống, và nghề dệt thổ cẩm là những lợi ích gián tiếp. Hay những đầu tư về cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ cho du lịch như đường xá, điện, y tế, sóng di động, nước sạch và vệ sinh nông thôn cũng mang lại những lợi ích thiết thực cho người dân địa phương... Đặc biệt, du lịch cộng đồng cũng có thể góp phần nâng cao nhận thức và tăng niềm tự hào về giá trị văn hóa bản địa, qua đấy góp phần khôi phục và bảo tồn bản sắc văn hóa.

 - Tuy nhiên, ở nhiều nơi du lịch cộng đồng chưa thực sự đem lại lợi ích cho dân bản địa, ông nhận định về vấn đề này như thế nào?

- Tôi cho rằng, ý kiến này tương đối chính xác. Ngoài một số điểm du lịch cộng đồng mang lại các lợi ích thiết thực cho người dân địa phương như ở Sapa (Lào Cai),  Mai Châu (Hòa Bình), Pù Luông (Thanh Hóa), Quản Bạ (Hà Giang)... thì rất nhiều dự án đầu tư về du lịch cộng đồng chưa thực sự hoạt động có hiệu quả.

Theo tôi có rất nhiều nguyên nhân, trong đó yếu kém về mặt thị trường là nguyên nhân chủ đạo. Các dự án phát triển du lịch cộng đồng thường không tính toán kỹ về mặt nhu cầu thị trường và khi chọn các điểm xây dựng không phù hợp, khó tạo được tính liên kết thị trường và sản phẩm không tốt dẫn đến hiệu quả khai thác thấp. Trong khi đó, phát triển du lịch cộng đồng cần phải tuân quy tắc của phát triển điểm đến. Theo đó, du lịch cộng đồng cần được đầu tư một cách bài bản và khoa học. Đối với các cộng đồng dân tộc thiểu số miền núi, trình độ nhận thức giới hạn thì việc đầu tư nâng cao năng lực cần phải có nhiều thời gian hơn. Sự hỗ trợ cần phải thực hiện liên tục từ vài năm cho đến cả chúc năm, để họ có thể tự mình tổ chức các hoạt động du lịch có hiệu quả. Trong khi đó, các dự án phát triển du lịch cộng đồng thường chỉ diễn ra trong vòng 2-3 năm và sau khi kết thúc dự án thì không còn ai tiếp tục hỗ trợ cộng đồng.

Ngoài ra, còn có các nguyên nhân khác như người dân thiếu vốn đầu tư và khó khăn trong việc tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi. Sự thay đổi ngoài mong muốn về cảnh quan (sạt lở đất, mở đường mới và xây dựng thủy điện phá vỡ cảnh quan môi trường…). Hạn chế về marketing và quảng bá du lịch, công ty du lịch gặp khó khăn trong việc tiếp cận các điểm du lịch tiềm năng thuộc khu vực biên giới...

- Theo ông, làm thế nào để giảm thiểu những rò rỉ về mặt lợi ích kinh tế tại các điểm du lịch ở địa phương,và đảm bảo các điểm du lịch cộng đồng hoạt động có hiệu quả?

- Theo tôi, cần phải thu hút cộng đồng tham gia vào trong quá trình lập kế hoạch phát triển và quản lý du lịch. Ví dụ như cộng đồng phải được tham gia trong quá trình lập kế hoạch và phát triển du lịch ở địa phương. Các ý kiến của họ cần được tôn trọng và được tham vấn kỹ trước khi xây dựng. Thu hút sự tham gia của các công ty lữ hành ngay từ giai đoạn ban đầu thực hiện cho đến khi kết thúc dự án/chương trình đầu tư. Qua đó có thể đảm bảo sự hài hòa giữa nhu cầu thị trường với tiềm năng vốn có của địa phương. được nhu cầu thị trường cho sản phẩm và sản phẩm được xây dựng phù hợp và đáp ứng được yêu cầu về chất lượng.

 Đồng thời, khuyến khích, tạo điều kiện, hỗ trợ để họ có thể tham gia tổ chức các hoạt động du lịch và cung ứng dịch vụ du lịch tại địa phương. Tùy thuộc vào bối cảnh cụ thể của từng điểm du lịch cộng đồng đưa ra những phương án hỗ trợ hợp lý. Có thể tham khảo nhu cầu thị trường qua các kênh thông tin sẵn có, qua các nghiên cứu, tham vấn các công ty lữ hành... Đặc biệt, cần xây dựng chương trình hỗ trợ dài hạn để giúp người dân chủ động tiếp cận và tham gia vào các hoạt động du lịch.

- Theo ông, bấy lâu nay hầu như du lịch cộng đồng vẫn trông chờ vào các dự án, chương trình đầu tư từ nước ngoài, chính phủ. Có lẽ chính quyền địa phương cần có những chính sách tạo điều kiện cho người dân hơn nữa?

- Đúng vậy. Chính quyền địa phương nên xây dựng các chính sách hỗ trợ cụ thể về tài chính nhằm giúp cộng đồng nghèo tiếp cận các nguồn vốn đầu tư cho du lịch. Khác với đầu tư phát triển nông nghiệp, người dân cần nhiều thời gian hơn rất nhiều để đầu tư du lịch và có thu nhập, vì vậy cần có chính sách hỗ trợ vay vốn dài hạn. Và theo tôi mức lãi suất nên thấp thì người dân mới dám tiếp cận nguồn vốn này. Và chính quyền địa phương có thể thể trích một phần nguồn thu từ các điểm du lịch có thu phí tham quan. Việc tái đầu tư hoặc sử dụng làm quỹ vay vốn ưu đãi cho cộng đồng sẽ khuyến khích người dân tích cực tham gia đầu tư vào du lịch hơn.

- Xin cám ơn ông!

Đinh Loan thực hiện