Giữa hai mặt trận

- Thứ Bảy, 05/10/2019, 08:04 - Chia sẻ
Gần 16 tháng thương chiến với Trung Quốc, Chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 3.10 bất ngờ tuyên bố áp thuế nhập khẩu lên hàng hóa các nước châu Âu sau phán quyết của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Một số nhà kinh tế cho rằng, Mỹ đang “tự sát” khi cùng lúc thương chiến với cả Trung Quốc và EU.

Mặt trận với EU

Các quan chức Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) hôm 2.10 cho biết, Washington sẽ áp thuế từ 10 - 25% lên 7,5 tỷ USD hàng hóa của Liên minh châu Âu (EU), động thái có thể góp phần làm leo thang các trận chiến thương mại toàn cầu. Đáng chú ý, máy bay từ Pháp, Đức, Tây Ban Nha và Anh bị đánh thuế 10%, cà phê 25%, một số công cụ máy móc từ Đức 25%, các loại phô mai, dầu ôliu và thịt đông lạnh từ Đức, Tây Ban Nha và Anh, một số sản phẩm thịt lợn, bơ và sữa chua từ nhiều quốc gia khác 25%... Các mức thuế mới dự kiến có hiệu lực từ ngày 18.10.

Trước đó, WTO chấp thuận cho Mỹ đánh thuế lên 7,5 tỷ USD hàng hóa EU sau khi xem xét đơn kiện của Washington. USTR cho biết họ đã yêu cầu WTO tổ chức một cuộc họp vào ngày 14.10 để phê chuẩn yêu cầu của Mỹ tiến hành các biện pháp chống lại EU.

Tranh cãi thương mại giữa Mỹ và EU nổ ra từ năm 2004 khi Mỹ nộp đơn lên WTO cáo buộc Airbus - tập đoàn được Anh, Pháp, Đức và Tây Ban Nha hậu thuẫn - hưởng trợ cấp Chính phủ bất hợp pháp. Châu Âu cũng có những khiếu nại tương tự nhằm vào hãng Boeing của Mỹ. Kể từ đó, hai bên liên tục đưa ra các yêu sách và phản tố, khiến cuộc tranh chấp pháp lý trở thành vụ kiện tụng lớn nhất lịch sử WTO. Theo hãng tin AP, EU đã thắng kiện trong vụ cáo buộc Mỹ trợ cấp bất hợp pháp cho Boeing và WTO có thể ra phán quyết cho phép EU trả đũa trong những tháng tới.

Phản ứng trước phán quyết của WTO, Ủy viên Thương mại EU Cecilia Malmstrom cho rằng, mức thuế mới của Mỹ là thiển cận và phản tác dụng. Bà Malmstrom cũng để ngỏ khả năng EU có động thái áp thuế trả đũa. Còn phát ngôn viên Ủy ban châu Âu Mina Andreeva cho rằng, hai bên nên tránh đánh thuế “ăn miếng trả miếng” nhằm vào nhau vì điều này sẽ gây tổn hại cho mối quan hệ thương mại trị giá 1.300 tỷ USD giữa hai bên, đe dọa đến thương mại toàn cầu và ngành công nghiệp máy bay. Bà Andreeva nhấn mạnh EU sẵn sàng hợp tác với Mỹ tìm kiếm giải pháp công bằng, nhưng nếu Washington quyết định áp dụng các biện pháp đối phó, EU sẽ có động thái tương tự.

Lợi bất cập hại

Trong một diễn biến liên quan, ngày 3.10, Washington thông báo áp thuế bổ sung đối với các mặt hàng tủ bếp và bàn trang điểm nhập khẩu từ Trung Quốc có tổng trị giá 4,4 tỷ USD. Bộ Thương mại Mỹ cho rằng các sản phẩm này đang được bán trên thị trường Mỹ với giá thấp hơn so với mức giá trung bình. Cụ thể, năm 2018, kim ngạch nhập khẩu tủ bếp và bàn trang điểm của Mỹ ước đạt 4,4 tỷ USD, trong khi các nhà sản xuất các mặt hàng này của Trung Quốc được trợ cấp từ 11 - 229,2%. Với quy định mới, các doanh nghiệp xuất khẩu những mặt hàng này của Trung Quốc sẽ phải đối mặt với các mức thuế từ 28,7% lên 251,6%.
Đây là động thái mới nhất của Mỹ nhằm vào các mặt hàng nhập khẩu, phần lớn do sức ép của các công ty Mỹ cho rằng họ bị thiệt hại do các sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc hay các đối tác thương mại khác. Tuy nhiên, đợt áp thuế bổ sung này không nằm trong kế hoạch của Tổng thống Mỹ áp mức thuế cao đối với hầu hết hàng hóa Trung Quốc.

Nhận định về cuộc chiến thương mại mới của Mỹ, nhà báo Jim Cramer, đài CNBC, đồng thời là người dẫn chương trình tài chính “Mad Money” bày tỏ: “Tôi biết châu Âu có rất nhiều hoạt động thương mại không công bằng. Về lý thuyết, Tổng thống Trump không sai khi theo đuổi biện pháp cứng rắn nhằm vào EU. Nhưng trên thực tế thì sao? Tôi nghĩ rằng việc Mỹ tham gia cuộc chiến thương mại hai mặt trận có thể tự đánh chìm nền kinh tế của mình cũng như nhiệm kỳ Tổng thống của ông Trump”.

Ông Cramer cho rằng, diễn biến mới có thể là thắng lợi của nước Mỹ trước các hoạt động thương mại không công bằng nhưng không phải là chiến thắng cho thị trường chứng khoán. Theo ông, căng thẳng Mỹ - EU sẽ ảnh hưởng tăng trưởng kinh tế toàn cầu và không có lợi cho kinh tế Mỹ. Hơn nữa, chiến lược hai mặt trận chống cả châu Âu và Trung Quốc của ông Trump sẽ không nhận được sự ủng hộ mà ông mong muốn từ Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Jerome Powell, vốn cắt giảm lãi suất mỗi khi ông Trump leo thang căng thẳng thương mại. Ông Cramer nhận định, với chiến thắng tại WTO, đáng lẽ ông Donald Trump nên tận dụng điều đó như một đòn bẩy trong đàm phán các thỏa thuận tốt hơn với EU chứ không phải gây ra tranh chấp thương mại.

Còn trang Bloomberg cho rằng, dù Chính quyền của ông Donald Trump xem phán quyết của WTO trong tuần này như một chiến thắng vang dội thì cũng không có gì đáng để ăn mừng. Đòn thuế mới sẽ làm tăng chi phí đối với người tiêu dùng Mỹ và tác động tiêu cực đến nền kinh tế lớn nhất thế giới. Trong khi đó, EU chắc chắn sẽ không bỏ qua đòn thuế của Mỹ mà không có biện pháp trả đũa. Khối này trước mắt dọa sẽ áp thuế lên 4 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ nếu chính quyền ông Donald Trump vẫn quyết thực hiện bước đi trên. Chưa kể, nếu WTO ra phán quyết có lợi cho EU trong vụ kiện Boeing, EU có thể còn ra đòn mạnh hơn.

Đây không phải lần đầu tiên Mỹ và EU đối đầu trong cuộc chiến thương mại. Chính quyền của ông Donald Trump đã leo thang căng thẳng với khối này khi áp thuế nhập khẩu lên thép và nhôm từ châu Âu hồi năm ngoái. Đáp lại, EU đã đánh thuế lên khoảng 3 tỷ USD hàng hóa của Mỹ. Những động thái ăn miếng trả miếng đều đã gây thiệt hại cho cả hai bên.

Trong khi đó, các nhà đầu tư lo ngại các cuộc chiến thương mại kéo dài sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng toàn cầu và có khả năng đẩy kinh tế Mỹ vào suy thoái. WTO trong tuần này dự báo tăng trưởng thương mại toàn cầu sẽ chậm lại đáng kể. Còn vào tháng rồi, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cảnh báo xung đột thương mại leo thang đang đè nặng các thị trường tài chính và triển vọng tăng trưởng của kinh tế toàn cầu.

Quỳnh Vũ