Kỳ họp thứ 8, HĐND tỉnh Quảng Bình Khóa XVII

Giữ vững cân đối ngân sách năm 2019

- Thứ Sáu, 07/12/2018, 08:43 - Chia sẻ
Hàng loạt hạn chế như: Công tác quản lý thu ngân sách nhà nước (NSNN) ở một số địa bàn, lĩnh vực chưa quyết liệt, nợ đọng thuế còn lớn, một số khoản thu chưa hoàn thành kế hoạch; việc phân bổ và giải ngân một số nguồn vốn còn chậm, chi thường xuyên có tình trạng vượt định mức… khiến việc thực hiện theo dự toán NSNN năm 2018 của Quảng Bình gặp không ít khó khăn. Giải pháp để hoàn thành tốt nhiệm vụ tài chính - ngân sách và giữ vững cân đối NSNN năm 2019 là trăn trở của các đại biểu tại kỳ họp.

Nợ đọng thuế còn cao

Với nỗ lực của toàn tỉnh, việc thực hiện dự toán NSNN năm 2018 của Quảng Bình đã có nhiều chuyển biến tích cực. Thu NSNN vượt kế hoạch đề ra, ước đạt 4.000 tỷ đồng, bằng 114,3% dự toán địa phương, tăng 5,3% so cùng kỳ. Việc quản lý, điều hành chi ngân sách bảo đảm chặt chẽ, tiết kiệm, đáp ứng kịp thời các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Tổng chi ngân sách địa phương ước thực hiện hơn 10.882 triệu đồng, đạt 104,18% dự toán địa phương giao… Để đạt được những kết quả này, theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Xuân Quang: Ngay từ đầu năm, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, cấp ủy, chính quyền địa phương tập trung chỉ đạo triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh. Nhất là tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện tốt các dự án trọng điểm theo đúng tiến độ, góp phần tạo nguồn thu ổn định, vững chắc cho NSNN; phối hợp chặt chẽ với cơ quan thuế, hải quan nắm chắc nguồn thu để thực hiện các giải pháp đồng bộ tăng thu, nhất là các địa bàn, lĩnh vực, doanh nghiệp có nguồn thu lớn.


Các đại biểu tham dự kỳ họp  Ảnh: Hải Phong

Tuy nhiên, nhiều đại biểu cũng chỉ ra: Thu ngân sách chưa bền vững; nợ đọng thuế vẫn còn cao, một số đơn vị gặp khó khăn trong quá trình sản xuất, kinh doanh dẫn đến nợ thuế, một số đơn vị còn cố tính chây ỳ, chiếm dụng tiền thuế… Bên cạnh đó, việc phân bổ dự toán chi đầu tư phát triển còn chậm, công tác giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản đến ngày 30.11.2018 chỉ đạt 64% kế hoạch năm. Một số ngành, địa phương chưa chấp hành đúng thủ tục, hồ sơ theo quy định. Một số khoản nợ tạm ứng, vay từ ngân sách cao như: Nợ tạm ứng vốn đầu tư XDCB kéo dài khó thu hồi 53,3 tỷ đồng tại Kho bạc nhà nước tỉnh; nợ tạm ứng các dự án ngoài nhiệm vụ tạo quỹ đất 385,5 tỷ đồng tại Quỹ phát triển đất; các doanh nghiệm vay Quỹ đầu tư địa phương chưa hoàn trả 80,4 tỷ đồng.

Thừa nhận những tồn tại, hạn chế trên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Xuân Quang cho rằng: Năm 2018, toàn tỉnh thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách trong điều kiện còn đối mặt với không ít khó khăn, thách thức, nhất là việc các DN hoạt động trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ chưa được phục hồi hoàn toàn sau sự cố môi trường biển và lũ lụt xảy ra 2 năm 2016, 2017. ‘‘Tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh còn gặp nhiều khó khăn, vốn đầu tư XDCB hạn chế, một số dự án trọng điểm của tỉnh chậm triển khai do khó khăn về GPMB, nhiều dự án liên quan đến việc áp dụng Luật Quản lý tài sản công và Nghị định số 167/2017 của Chính phủ nên quy trình thủ tục thực hiện còn chậm, nợ đọng thuế đến thời điểm 10.11.2018 là: 393 tỷ đồng, trong đó nợ đọng khó thu hồi 148 tỷ đồng (chiếm 37,6%)… Đó là một trong những nguyên nhân tác động bất lợi đến quá trình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh cũng như công tác thu ngân sách trên địa bàn’’, Phó Chủ tịch UBND tỉnh lý giải.

Hạn chế phát sinh nợ mới

Năm 2019, các sở, cơ quan, đơn vị cần thực hiện nghiêm kỷ luật tài chính - ngân sách, bảo đảm các khoản thu, chi ngân sách phải được dự toán theo quy định của Luật NSNN; tăng cường kiểm tra, giám sát và công khai, minh bạch việc sử dụng kinh phí ngân sách. Bên cạnh đó, thực hiện nghiêm quy định không ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành chương trình, đề án có sử dụng NSNN nhưng không hoặc chưa cân đối được nguồn; tập trung chỉ đạo quyết toán vốn đầu tư đối với các công trình, dự án hoàn thành…

Phó Chủ tịch UBND tỉnh NGUYỄN XUÂN QUANG

Trước những khó khăn, thách thức hiện hữu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: Thời gian tới, UBND tỉnh Quảng Bình sẽ tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thi công và giải ngân vốn đầu tư công, nhất là vốn đầu tư từ NSNN và vốn trái phiếu Chính phủ; thực hiện nghiêm quy định của Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư công, Luật Xây dựng… và các văn hướng dẫn, xử lý nợ đọng XDCB. Bên cạnh đó, tăng cường thanh tra, kiểm tra thuế, kiểm tra hoàn thuế giá trị gia tăng, phát hiện và xử lý kịp thời các trường hợp gian lận, lợi dụng chính sách hoàn thuế để chiếm đoạt tiền của NSNN, nhất là các DN, lĩnh vực có nguy cơ không đạt dự toán thu.

Một vấn đề quan trọng nữa là đẩy mạnh thu từ nguồn cấp giấy chứng nhận QSDĐ. Cụ thể, các đơn vị phải tập trung chỉ đạo, tạo điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư triển khai nhanh các dự án nhà ở thương mại, các dự án phát triển quỹ đất; đẩy nhanh tiến độ xác định giá đất cụ thể, xác định giá khởi điểm đấu giá QSDĐ, nhất là đối với các khu đất đấu giá thuộc đô thị, trung tâm thương mại, dịch vụ, đầu mối giao thông, khu dân cư tập trung... có khả năng sinh lời đặc biệt, có lợi thế trong việc làm mặt bằng sản xuất kinh doanh, thương mại và dịch vụ để xác định giá khởi điểm. Triển khai kịp thời công tác sắp xếp, xử lý tài sản, đấu giá tài sản trên đất gắn liền với đất theo quy định của Luật Đầu tư công, Nghị định số 167/NĐ-CP để thực hiện các dự án liên quan đến tài sản công.

Bên cạnh các giải pháp UBND tỉnh đưa ra, nhiều đại biểu đề xuất UBND tỉnh cần có các giải pháp quyết liệt hơn để thu hồi nợ, hạn chế phát sinh nợ mới, giảm tỷ lệ nợ đọng thuế về dưới mức cho phép của Bộ Tài chính (dưới 5% so với tổng thu ngân sách trên địa bàn); đồng thời, tăng cường quản lý, kiểm tra, giám sát đầu tư, chống thất thoát, lãng phí, tham nhũng; không để phát sinh nợ đọng XDCB mới.

Trao đổi bên lề hành lang kỳ họp, Phó Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Mai Xuân Hạp cho rằng: Tổng thu ngân sách trên địa bàn năm 2019 dự kiến 4.500 tỷ đồng tuy đã tăng 28,57% so với dự toán năm 2018, nhưng vẫn thấp so với kế hoạch 5 năm; trong đó, số tăng chủ yếu là thu tiền sử dụng đất. ‘‘Để đạt chỉ tiêu, UBND tỉnh cần tăng cường quản lý, điều hành ngân sách chặt chẽ, linh hoạt và đúng quy định; nâng cao chất lượng lập, phê duyệt, phân bổ dự toán, hạn chế việc bổ sung nhiều lần trong năm, chỉ bổ sung trong những trường hợp đột xuất, thực sự cần thiết, bảo đảm đúng quy định, nhiệm vụ, đúng đối tượng và công bằng, hợp lý’’, đại biểu Hạp kiến nghị. 

DIỆP ANH - LÊ YẾN