Giữ vững an ninh tài chính, bảo đảm an toàn nợ công quốc gia

- Thứ Hai, 21/10/2019, 08:07 - Chia sẻ
Chính sách tài khóa ba năm 2017 - 2019 đã đóng góp quan trọng vào ổn định kinh tế vĩ mô. Thu, chi ngân sách nhà nước được cơ cấu tích cực; tỷ lệ bội chi giảm dần qua các năm, vốn vay sử dụng có hiệu quả. Kết quả đó được các tổ chức quốc tế đánh giá thông qua việc nâng hạng tín nhiệm quốc gia từ BB - lên BB với triển vọng “ổn định”.

Theo các báo cáo của Chính phủ, tổng thu NSNN 3 năm (2017 - 2019) khoảng 4.176 nghìn tỷ đồng, hàng năm thu đều vượt dự toán khoảng 5%. Tỷ lệ huy động vào NSNN bình quân đạt 25,1% GDP, trong đó, thu nội địa khoảng 3.383 nghìn tỷ đồng, tăng 68 nghìn tỷ đồng, chiếm khoảng 81% tổng thu ngân sách. Tỷ lệ huy động từ thuế, phí đạt xấp xỉ 21%.


Nguồn: ITN

Về cơ cấu thu, tỷ trọng thu nội địa trong tổng thu tăng qua các năm nếu năm 2016 là 80,1% thì bình quân 2017 - 2019 là 80,8% và dự toán 2020 gần 84%, thu từ dầu thô từ 12,9% tổng thu của giai đoạn 2011 - 2015 thì bình quân 3 năm 2017 - 2019 chỉ là 3,9%; thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu từ mức bình quân 18% tổng thu của giai đoạn 5 năm trước thì bình quân 3 năm 2017 - 2019 là 14,8%. Điều rất phấn khởi là thu nội địa đã bảo đảm đủ chi thường xuyên, chi trả lãi vay, chi viên trợ và dành một phần chi trả nợ gốc, giảm bội chi NSNN và 2019 sẽ là năm thứ hai liên tiếp thu ngân sách trung ương vượt dự toán.

Tổng chi NSNN ước 3 năm 2017 - 2019 khoảng 4.634 nghìn tỷ đồng; trong đó, chi đầu tư phát triển khoảng 1.227 nghìn tỷ đồng, chiếm khoảng 26,0% tổng chi và tăng qua 3 năm nếu 2017: 25,7% thì 2019: 26,3% và dự toán 2020: 26,9%. Chi thường xuyên (bao gồm cả chi tạo nguồn cải cách tiền lương) khoảng 2.921 nghìn tỷ đồng, nếu loại trừ chi tạo nguồn cải cách tiền lương thì chi thường xuyên giảm dần qua các năm nếu 2017 chiếm 64,4% dự toán chi NSNN thì 2019 còn 61,2% và dự toán 2020 chỉ là 60,5%.

Nhờ thu NSNN luôn đạt và vượt dự toán, nên bội chi NSNN hàng năm giảm so với dự toán được QH phê chuẩn, trong 3 năm 2017 - 2019, tổng số bội chi giảm so với dự toán là 66,3 nghìn tỷ đồng. Tỷ lệ bội chi dự toán 2017 là 3,9% thì năm 2019 chỉ còn 3,46% và dự toán 2020 chỉ là 3,4% GDP. Đáng chú ý ngân sách địa phương về tổng thể không có bội chi.

Do bội chi giảm, kết hợp với kiểm soát chặt các khoản bảo lãnh vay, sử dụng vốn vay hiệu quả nên nợ công giảm. Đến cuối năm 2017, nợ công là 61,4% GDP, cuối năm 2018 là 58,4% GDP và dự kiến đến cuối năm 2019 là 56,1% GDP. Nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia an toàn. Chúng ta có quyền lựa chọn nhà đầu tư, luồng vốn đầu tư, từ đó góp phần quan trọng ổn định kinh tế vĩ mô, nâng cao xếp hạng tín nhiệm quốc gia, góp phần quan trọng giữ vững an ninh tài chính quốc gia, bảo đảm an toàn nợ công đất nước.

Nền kinh tế thời gian tới còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, căng thẳng địa chính trị có thể gây bất ổn cho đầu tư, kinh doanh, thương mại. Trong thời gian tới, ngành tài chính cần tiếp tục tham mưu cho QH, Chính phủ cơ cấu lại NSNN và nợ công, bảo đảm an ninh, an toàn, bền vững nền tài chính quốc gia; huy động hợp lý nguồn thu, mở rộng cơ sở thu; sử dụng chặt chẽ, hiệu quả chi ngân sách; cải cách hiện đại hóa ngành... Về chính sách thu, cần hoàn thiện các chính sách thuế theo hướng khuyến khích thúc đẩy sản xuất kinh doanh, bảo đảm tính trung lập của thuế (là tồn tại lớn nhất của chính sách thuế Việt Nam), thực hiện tốt công tác chống chuyển giá, chống buôn lậu gian lận thương mại, thu nợ thuế. Đồng thời, tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là cán bộ quản lý thuế, hoàn chỉnh hệ thống tổ chức bộ máy toàn ngành.

Trần Quang Chiểu - Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách