Giữ nghề dệt thổ cẩm của người Mông

- Thứ Hai, 22/09/2014, 09:01 - Chia sẻ
Theo phong tục của người Mông, nghề dệt thổ cẩm được mẹ truyền cho con gái, từ đời nọ sang đời kia. Theo thời gian, phụ nữ Mông hiện vẫn xe lanh và dệt vải theo phương pháp thủ công. Bằng đôi bàn tay khéo léo, họ đã dệt nên những sản phẩm độc đáo với sắc chàm, họa tiết sáp ong, chắp vải và đường thêu tinh tế.

Từ xa xưa, người Mông đã thêu chữ lên y phục để giữ lại chữ viết; thêu họa tiết ốc sên lên áo, váy để cầu mong cuộc sống no ấm hơn; thêu hình xoắn ốc để thể hiện guồng quay cuộc sống; hoa văn quả trám với bốn hình xoắn ốc biểu tượng cho tình đoàn kết trong gia đình, cộng đồng; hoa văn dương xỉ và hàng rào đặt canh nhau thể hiện cách bố trí không gian sống của người Mông... Có thể thấy, ẩn đằng sau những hoa văn tinh tế trên thổ cẩm của người Mông chính là những câu chuyện mang ý nghĩa biểu đạt cho giá trị văn hóa, lịch sử lâu đời. Theo chị Tếnh Thị Súa, xã Pà Cò, Mai Châu, Hòa Bình, cây lanh và nghề dệt lanh là phần không thể thiếu đối với người Mông. Dù định cư ở nơi đâu, phụ nữ luôn dành một mảnh đất để gieo hạt lanh để xe sợ và dệt vải may quần, áo, váy cho cả gia đình. Sợi lanh còn được xem là sợi dây dẫn đường cho linh hồn người đã khuất trở về với tổ tiên. Vì vậy, bất kỳ người Mông nào khi sinh ra hay qua đời đều được đặt trên một tấm vải lanh.


Ảnh: Duy Thông
Dệt thổ cẩm là nghề truyền thống, cũng là hoạt động tạo thu nhập cho phụ nữ Mông. Tuy vậy, hàng thổ cẩm do chị em làm ra chủ yếu phục vụ đời sống hàng ngày và trao đổi mua bán ở chợ phiên trong vùng với số lượng hạn chế. Do vậy, để bảo tồn nghề, cần tìm kiếm thị trường và cải thiện thu nhập cho các hộ gia đình. Chị Mùa Y Ghánh - trưởng nhóm thổ cẩm Pà Cò cho biết: năm 2013, nhờ sự hỗ trợ từ dự án Cải thiện sinh kế cho phụ nữ dân tộc thiểu số thông qua phát triển bền vững chuỗi giá trị dâu tằm tơ và dệt vải của Cơ quan Hợp tác phát triển Thụy Sỹ (SDC), các sản phẩm của nhóm đã có gian hàng trưng bày riêng tại địa phương để phục vụ khách du lịch.

Dự án Cải thiện sinh kế cho phụ nữ dân tộc thiểu số được triển khai từ tháng 7.2013 - 2016. Theo đó, 1.000 hộ đồng bào dân tộc sinh sống ở Hòa Bình, Nghệ An và Thanh Hóa được hỗ trợ để cải tiến công cụ sản xuất, xây dựng năng lực làm việc theo nhóm, thiết kế sản phẩm, hỗ trợ vốn, tiếp cận thị trường và tăng diện tích trồng cây lanh nhằm đạt được dòng sản phẩm xanh sạch, thân thiện với môi trường. Không chỉ cung cấp giống lanh mới và phổ biến kỹ thuật trồng lanh, mở lớp tập huấn cải tiến kỹ thuật, dự án còn giúp quảng bá và mở rộng thị trường tiêu thụ tạo đầu ra ổn định cho các sản phẩm dệt truyền thống; từ đó vừa cải thiện thu nhập vừa giúp bà con tự khai thác và giữ gìn những giá trị văn hóa lâu đời - Phó chủ tịch Hiệp hội Xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam Lê Bá Ngọc cho biết.

Trong khuôn khổ dự án, cuối tháng 8 vừa qua, các sản phẩm của nhóm thổ cẩm Pà Cò đã được giới thiệu tại Hà Nội nhằm giúp công chúng có cơ hội tiếp cận và khám phá thế giới tâm hồn phong phú, những giá trị văn hóa lâu đời và trực tiếp xem kỹ thuật chế biến sợi lanh, chắp vải, nhuộm chàm và vẽ họa tiết sáp của người Mông. Đây cũng chính là cầu nối để giới thiệu sản phẩm của đồng bào các dân tộc thiểu số đến thị trường trong và ngoài nước, tạo thu nhập và giúp bảo tồn bền vững nghề dệt thổ cẩm truyền thống của đồng bào Mông.

Thanh Yến