“Giữ lửa” nghề làm hương ở Văn Hoàng

- Thứ Sáu, 01/02/2019, 08:34 - Chia sẻ
Nghề làm hương được hình thành từ rất sớm và tùy theo bí quyết của mỗi nơi, người ta tạo nên những đặc trưng riêng cho hương. Với những người thợ hương ở xã Văn Hoàng, huyện Phú Xuyên, Hà Nội cũng vậy, họ cũng tìm cho mình một cách làm riêng: Hương từ thảo mộc!

36 hương vị từ thiên nhiên

Những ngày cận Tết Kỷ Hợi 2019, xã Văn Hoàng, huyện Phú Xuyên, Hà Nội hối hả người và xe. Những chuyến xe chất đầy những bịch hương lớn nhỏ, ngào ngạt cả một vùng hương vị thuốc bắc. Khắp nơi, từ khoảnh sân vườn nhỏ bé đến ven đường liên thôn, liên xóm, hàng loạt các phên phơi hương với màu vàng đỏ được trải thẳng tắp.

Cơ sở sản xuất hương của anh Đỗ Văn Tiến ở thôn Thượng, là một trong những cơ sở làm hương nổi tiếng của xã Văn Hoàng. Sinh ra trong một gia đình có truyền thống làm hương, anh Tiến đã gắn bó với những nén hương từ khi còn nhỏ. Đến nay, ngoài 50 tuổi nhưng anh Đỗ Văn Tiến đã có gần 30 năm trực tiếp sản xuất hương. Anh Tiến kể, từ khi biết nghề, rồi làm nghề anh đã yêu cái nghề từ lúc nào không hay.


Người thợ hương đang thu từng bó hương để chuẩn bị đóng gói 
Ảnh: Thúy Vân

Tuy nhiên, chọn nghề của cha ông để lập nghiệp, anh Tiến đã gặp không ít khó khăn. Anh Tiến cho biết, trước đây mới làm nghề, chưa có khách, vợ chồng tôi phải đạp xe đi khắp nơi để bán, kiếm từng đồng vừa để mưu sinh, vừa duy trì nghề của gia đình. Khi đã có lượng khách ổn định, vợ chồng anh Tiến lại nghĩ, phải làm sao để phát triển công thức truyền thống thành công thức mới, đáp ứng nhu cầu ngày một khắt khe của người tiêu dùng và cũng là để tạo cho cơ sở sản xuất một thương hiệu riêng. Vì lẽ đó, hương làm từ thảo mộc là cách anh Tiến cũng như rất nhiều người dân ở Văn Hoàng lựa chọn. Song, tùy theo tỷ lệ pha trộn của mỗi gia đình mà những nén hương đó gắn liền với tên tuổi của người chủ, làm nên đặc trưng riêng, không bị trộn lẫn.

Hương thành phẩm phải trải qua rất nhiều công đoạn, một trong số đó là trộn bột hương. Bột hương ở xã Văn Hoàng được những người thợ làm hoàn toàn bằng thảo mộc. Thành phần làm bột hương gồm 36 vị thuốc bắc như đại hoàng, xuyên hương, bạch chỉ, độc hoạt, đan bì, đinh hương… được tán nhỏ và trộn, rồi hòa cùng dây keo hay còn gọi là bời lời để có thể gắn kết. Người trộn phải thật đều tay, căn ke lượng nước thật chuẩn, nếu khô quá thì hương không kết dính mà nếu ướt quá sẽ mốc và hay tàn. Tùy vào hương se (que) hay hương vòng mà người thợ có cách trộn khác nhau.

Nhờ chịu khó tìm tòi, đổi mới kỹ thuật và nhất là việc lựa chọn nguyên liệu thiên nhiên mà nghề làm hương đã mang về cho gia đình anh Tiến khoản lợi nhuận 200 triệu đồng mỗi năm. Đồng thời, cơ sở của anh giải quyết việc làm thường xuyên cho 20 lao động với mức thu nhập từ 3,5 - 5 triệu đồng/tháng.

Đến thăm gia đình chị Phạm Thúy Liên - một hộ làm hương lâu năm khác trong xã, chúng tôi thấy không khí tất bật và khẩn trương tràn ngập cả khoảng sân hơn 300m2. Chị Liên chia sẻ, những tháng giáp Tết, mỗi hộ sản xuất cả trăm bó hương một ngày. “Vội thì có vội nhưng không được phép ẩu, tất cả các công đoạn từ làm bột, se hương đến đóng gói làm sao cho bó hương tròn trịa không gãy, vỡ” - chị Liên vừa thoăt thoắt đóng gói vừa cho chúng tôi biết.

Với những người thợ hương, đã theo nghề làm hương thì cái tâm phải đặt lên hàng đầu. Mình làm tốt thì khách mới nhớ đến, rồi quay lại. Nhất là đối với những người thợ gắn bó với nghề hương cả đời như chị Liên hay anh Tiến, việc chỉn chu trong từng công đoạn cũng là một cách để tỏ lòng biết ơn, tôn kính với người truyền nghề cho mình. 

Không còn phụ thuộc vào thời tiết

Theo các cụ cao niên kể lại, nghề làm hương có mặt ở xã Văn Hoàng chừng gần trăm năm. Hiện toàn xã có trên 50 hộ sản xuất hương, chiếm ¼ số hộ tại xã. Trước đây, các hộ dân chủ yếu sản xuất hương bằng phương pháp thủ công, năng suất hạn chế và gây bụi, ảnh hưởng đến sức khỏe của người làm. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, hầu hết các hộ đã đầu tư máy làm hương, không chỉ giúp tăng năng suất mà mẫu mã và độ bền chắc của hương cũng được nâng cao.

Nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường, quy trình sản xuất hương ở Văn Hoàng ngày càng được cải tiến. Trước kia, làm hương phải trông thời tiết, chỉ có trời nắng mới có thể đem phơi hương; phơi nắng thì hương mới thơm và bảo quản được lâu. Thế nhưng, hiện nay, nhờ máy sấy hương, hầu hết các gia đình sản xuất được quanh năm.

Chị Phạm Thúy Liên kể lại, “ngày xưa chúng tôi làm hương chẳng khác làm nông là mấy, mọi thứ phụ thuộc nhiều vào thời tiết, nắng thì phơi hương; mưa bão thì ngồi chơi vài tuần. Bây giờ, khoa học phát triển các hộ đều có lò sấy nhiệt, máy se hương nên những người thợ hương chúng tôi đỡ vất vả nhiều”.

Có những cơ sở sản xuất đầu tư 6 máy bắn tăm hương tự động và cả máy sấy hương, để đáp ứng nhu cầu mỗi năm cung cấp ra thị trường khoảng gần 2.000 thùng. Hầu hết các hộ gia đình làm nghề, càng gần Tết, nhà nào cũng tất bật, sáng trộn bột và bắn tăm hương; chiều tập trung vào phơi hương, đóng gói, thậm chí có những cụ già đã ngoài 70 tuổi cũng vui vẻ góp công giúp con cháu.

Khi nói đến tục lệ thắp hương, dù nghèo khó hay giàu sang người dân Việt Nam từ ngàn đời nay vẫn duy trì nét văn hóa truyền thống này. Người đi xa về thắp hương lên bàn thờ tổ. Người lên tàu xe đi làm ăn, đi học cũng thắp hương để cầu bình an, suôn sẻ… Hơn ai hết những người thợ ở xã Văn Hoàng là những người mong muốn lưu giữ nét đẹp văn hóa tâm linh truyền thống của người Việt từ những nén hương tự tay họ làm ra.

Tùng Dương