Những tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng

Giờ học giải phẫu

- Thứ Hai, 26/10/2015, 08:30 - Chia sẻ
Là một trong những tác phẩm nổi tiếng nhất hội họa thời kỳ Baroc, bức tranh Giờ học giải phẫu của bác sĩ Nicolaes Tulp (The Anatomy Lesson of Dr. Nicolaes Tulp) của Rembrandt (1606 - 1669) có thể xem là chuẩn mực, một báu vật của nghệ thuật Hà Lan.

Trong không gian mà mọi nguồn sáng tập trung vào nhân vật chính giữa là thi thể đang được giải phẫu với không khí yên ắng, người ta cảm nhận được cả những lời giảng giải của bác sĩ Nicolaes Tulp đang vang lên, còn học trò của ông thì chăm chú ghi khắc từng lời. 7 nhân vật, khăn áo chỉnh tề quây quần bên thi thể của Aris Kindt - một tội phạm nổi tiếng thời bây giờ, để nghe bài thuyết trình. Ngoài bác sĩ Tulp, các nhân vật trong tranh hầu hết thuộc giới thượng lưu Hà Lan thời bấy giờ như Jacob Jansz Colevelt, Adrian Cornilsz Slabberaen, Mathys Evertsz Calkoen, Jacob Jans de Witt, Jacob Dielofse, tham gia lớp học như tham gia một sự kiện xã hội. Trong bức tranh, Tulp một tay dùng cái kéo gắp thị phạm gân cơ tay, tay kia như đang diễn giải theo lời nói.


Giờ học giải phẫu của bác sĩ Tulp, sơn dầu của Rembrandt, sáng tác năm 1632, kích thước 216,5x169,5cm, hiện lưu giữ tại Bảo tàng Hague, Hà Lan

Bức tranh này nổi tiếng có lẽ trước hết là nhờ danh tiếng của nhân vật trung tâm, bác sĩ Nicolaes Tulp (1593 - 1674), một trong những gương mặt xuất sắc của y học Hà Lan dầu thế kỷ XVII. Ông cũng là người đặt hàng Rembrandt vẽ bức tranh này để treo trong Viện phẫu thuật danh tiếng ở Amsterdam. Bức tranh khi ra đời đã tạo nên danh tiếng cho Rembrandt lúc đó mới 26 tuổi vừa đến Amsterdam lập nghiệp. Tuy nhiên, không phải chỉ dựa trên danh tiếng của vị bác sĩ phẫu thuật kia, mà chính tài năng đang lúc nở rộ của họa sĩ, đã khiến cho bức tranh trở thành một kiệt tác trong hội họa Hà Lan. Chủ đề của bức tranh cũng là một điểm nhấn quan trọng trong cả nghệ thuật lẫn y học bấy giờ. Thời Phục hưng, các bậc thầy hội họa như Leonardo da Vinci, Michelangelo, Raphael… từng coi việc nghiên cứu giải phẫu cơ thể người là phương pháp học tốt nhất để thực hành hội họa. Còn trong y học, giai đoạn này giải phẫu học đã đạt được những thành tựu không thể phủ nhận.

Bức tranh của Rembrandt đạt được 2 tiêu chí quan trọng khi diễn tả chủ đề này. Thứ nhất, nó đã bộc lộ kỹ thuật vẽ chân dung siêu phàm của Rembrandt. Mỗi nhân vật trong tranh được diễn tả tỉ mỉ với sự quan sát tinh tế trong việc biểu thị thái độ. Thứ hai, so với những tranh cùng chủ đề, việc bác sĩ Nicolaes Tulp không mổ phanh ổ bụng, mà chỉ giải phẫu phần cánh tay cũng lại là sự đề cao khác. Về mặt thị giác, nó giảm nhẹ cảm giác ghê sợ, còn về mặt y học, đây là bài giảng đề cao vai trò của Tulp và lòng kính phục của ông với Andeas Vesalius (1514 - 1564) - một bậc thầy giải phẫu tiền bối.

Bố cục của Rembrandt phát huy cao độ di sản của nghệ thuật Phục hưng, đó là tạo nên nhóm bố cục trong khối tam giác, nhưng lại phá cách bằng đường chéo lệch phía bên tay phải. Ông đặt bác sĩ Tulp và cuốn sách về một bên, trong khi học trò của ông bên tay trái lại tạo nên một đỉnh không cân của tam giác đó, khiến cho người ta cảm thấy không gian đó tuy lặng mà không tĩnh và vị thế của những người tham gia buổi thuyết giảng thực sự quan trọng, có thể vượt xa nhân vật trung tâm. Không chỉ vậy, tử thi của tử tù Aris Kindt được đặt ở thế dáng một góc hơi chếch, tạo thành đường ngang chốt lại hình tam giác đó. Nó ít nhiều có tính tượng trưng cho cái xấu đồng nghĩa với cái chết. Lối sử dụng ánh sáng một chiều của bức tranh cũng được ca ngợi như kỹ pháp tài tình của Rembrandt. Ông đã vận dụng nó để mô tả sự khác biệt của sắc xanh trên da người chết và sắc hồng trên gương mặt những con người đang tham gia buổi học đặc biệt quan trọng này.

Có thể nói, bức tranh của Rembrandt dẫu vẽ cảnh tượng khá nhạy cảm, thậm chí có phần kịch tính ngầm trong hội họa Baroc, nhưng rõ ràng ông đã bộc lộ tài năng và bút pháp tuyệt vời để nêu bật toàn bộ ý nghĩa, vai trò của nhân vật chính cũng như đề cao vị trí của môn giải phẫu học, cả trong y học lẫn hội họa.

Trang Thanh Hiền