Giáo viên phải thú vị hơn sách giáo khoa

- Thứ Tư, 18/09/2019, 08:20 - Chia sẻ
Theo các chuyên gia giáo dục và nhà giáo, giáo dục thay đổi từng ngày, học sinh mỗi em một khác, do đó giáo viên cần biết cách tự học hỏi, bồi dưỡng năng lực, kiến thức. Bởi “nếu giáo viên không có gì thú vị hơn sách giáo khoa hay tài liệu tham khảo thì không học sinh nào chịu nghe giảng”.

“Học sinh bây giờ thông minh lắm!”

Cô Đặng Thị Liễu, Trường THPT Nguyễn Gia Thiều (Hà Nội) cho rằng, tự bồi dưỡng chính là một kỹ năng quan trọng của người thầy. Bởi những kiến thức học được ở trường sư phạm mới chỉ là nền tảng ban đầu để vào nghề, trong quá trình giảng dạy buộc giáo viên phải tự đào tạo, tự bồi dưỡng. Khi giảng dạy, cùng với rất nhiều học sinh khác nhau, sự thay đổi liên tục của chương trình đòi hỏi đội ngũ giáo viên phải tự ý thức mày mò, bổ sung kịp thời các kỹ năng, kiến thức. “Học sinh mỗi em mỗi khác, yêu cầu của đổi mới giáo dục cũng ngày càng cao nên chương trình có thể cũ, giáo viên không được phép cũ. Nếu không tự bồi dưỡng, giáo viên sẽ không đáp ứng được với nghề”, cô Liễu nói.

Thực tế, giáo viên có thể học hỏi qua rất nhiều kênh khác nhau để vốn tri thức luôn phong phú thì bài giảng mới thú vị. Nói cách khác, để dạy được 1, giáo viên cần phải biết 10. Cô Liễu tin rằng, nếu giáo viên không có gì thú vị hơn sách giáo khoa hay tài liệu tham khảo thì không học sinh nào nghe giảng. Do đó, tất cả những tri thức trong đời sống đều cần cho nghề giáo. “Học sinh bây giờ thông minh lắm, nếu giáo viên chỉ dạy học kiểu “nhồi sọ”, học sinh sẽ quay lưng ngay và không tin lời cô giáo. Để định hướng được phẩm chất, lối sống cho học trò thì phải gắn với thực tế. Giáo điều, lý thuyết suông sẽ không có tác dụng với học trò”.

Bên cạnh việc tự học qua đồng nghiệp, việc tham gia các chương trình tập huấn do Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD - ĐT) tổ chức cũng giúp các giáo viên nắm được cách thức làm, cách đổi mới. Đặc biệt, chính bản thân học sinh cũng là “người thầy” của giáo viên, bởi “nhiều em có cách nghĩ, cách cảm thụ rất riêng, không có trong giáo án”.

Nên có thiết chế buộc giáo viên tự học

Nguyên Thứ trưởng Bộ GD - ĐT Trần Xuân Nhĩ thừa nhận, nếu giáo viên không tự học, tự bồi dưỡng để đổi mới thì sẽ lạc hậu vì cách dạy và học ngày nay đã thay đổi nhiều so với trước. Xa rồi thời thầy giảng, trò ghi chép, thầy có gì thì viết lên bảng cái đó. Nay, học sinh phải là trung tâm, giáo viên phải hướng dẫn học sinh cách tư duy, trả lời câu hỏi. “Xưa giáo viên cầm cái cốc và dạy cốc làm bằng thủy tinh, dùng để uống nước, học sinh phải thuộc làu như thế. Nay, chiếc cốc là nguyên liệu để học sinh có thể tưởng tượng, gắn kết bằng hiểu biết của mình. Cốc có thể làm bằng nhiều loại nguyên liệu khác nhau, không phải chỉ để uống nước mà có thể để trồng hoa, thậm chí để trang trí”, ông Trần Xuân Nhĩ dẫn giải.

Thời gian qua, Bộ GD - ĐT tổ chức nhiều chương trình bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ cho giáo viên, song theo các nhà giáo dục, chìa khóa ở đây vẫn là quá trình tự học, tự đào tạo. Bởi nếu chỉ tham gia 1  - 2 khóa bồi dưỡng thì chưa thể đủ để làm giàu tri thức của mình. Giáo viên phải có kiến thức phong phú, phương pháp khoa học mới giúp học sinh hình thành được cách tư duy, cách nhận biết đúng sai, chuẩn mực. Được như thế, bài học sẽ không khô khan, giáo án sẽ thay đổi liên tục và học sinh cũng sẽ hứng thú học tập hơn.

Cho rằng hiện có nhiều chương trình bồi dưỡng cho giáo viên nhưng mấu chốt vẫn là con người, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Việt Nam Nguyễn Tùng Lâm nhấn mạnh “nếu giáo viên bồi dưỡng về mà không thực hành thì cũng vô nghĩa”. Do đó, theo ông, nên có một chương trình phát huy được nội lực của nhà giáo, tạo động lực để nhà giáo tự bồi dưỡng và giúp họ tự giác bồi dưỡng để đổi mới phương pháp giảng dạy. Phải để giáo viên chủ động bồi dưỡng nghiên cứu và thử nghiệm. Để làm được điều này cần thay đổi cách đánh giá học sinh, phải đánh giá bằng quá trình học thay vì chỉ bằng điểm số. Trong mỗi nhà trường phải hình thành văn hóa tự học, các giáo viên hỗ trợ nhau những phương pháp, tri thức mới.

Điều khiến ông Trần Xuân Nhĩ băn khoăn là hiện nay, trình độ ngoại ngữ của giáo viên nói chung còn hạn chế. Đây là một trong những rào cản để giáo viên có thể tiếp cận được với nhiều nguồn tri thức mới. Thêm vào đó, việc tự bồi dưỡng chưa có thiết chế nào bắt buộc. Do đó, nếu có một thiết chế buộc giáo viên phải tự bồi dưỡng, tự đào tạo sẽ đạt hiệu quả cao hơn. Thiết chế đó phải thực sự có tính khả thi chứ không chỉ là hình thức, ví dụ như trung tâm giám định chất lượng của giáo viên. Khi đó, phải coi việc tự bồi dưỡng chính là chìa khóa để giáo viên có thể trụ lại với nghề, nếu không đáp ứng được yêu cầu sẽ bị đào thải.

An Nhiên