Giao lưu trực tuyến về chủ đề Lồng ghép giới trong xây dựng và thi hành pháp luật

- Thứ Ba, 08/06/2010, 00:00 - Chia sẻ
ĐBNDO - Để có cái nhìn khách quan, toàn diện và cụ thể hơn về vấn đề giới, 14h chiều nay, Báo ĐBNDO tổ chức giao lưu trực tuyến với PHÓ CHỦ NHIỆM ỦY BAN CÁC VẤN ĐỀ XÃ HỘI LƯƠNG PHAN CỪ với chủ đề Lồng ghép giới trong xây dựng và thi hành pháp luật.Nhiều bạn đọc đã gửi câu hỏi đến, Phó chủ nhiệm Lương Phan Cừ đã bắt đầu với câu hỏi: - Giới là gì?

PCN Lương Phan Cừ: Chúng ta có 2 khái niệm giới và giới tính là 2 khái niệm khác nhau. giới tính là sự khác biệt của cấu trúc nam và nữ còn giới là bất biến khó thay đổi. Giới là chỉ mối quan hệ giữa nam và nữ trong Luật Bình đẳng giới chỉ đặc điểm vai trò của nam và nữ trong xã hội.

Đức Hùng - Thừa Thiên Huế: Thưa Ông, Ông đánh giá như thế nào về thực hiện bình đẳng giới trong thời gian vừa qua, đặc biệt là từ khi Luật Bình đẳng giới năm 2006 có hiệu lực thi hành?

PCN Lương Phan Cừ: Qua hoạt động giám sát của các bộ, ngành đã có một số tiến bộ. Lồng ghép giới trong các văn bản pháp luật được các cấp các ngành chú ý quan tâm hơn. Công tác thông tin, tuyên truyền về lồng ghép giới đã được thực hiện thông qua nhiều hình thức như trên các phương tiện thông tin đại chúng, câu lạc bộ, truyền miệng... Tổ chức bộ máy về bình đẳng giới từng bước được kiện toàn. Nhìn chung, việc triển khai thực hiện Luật Bình đẳng giới tương đối tốt. Luật đã đi vào cuộc sống. Tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế như việc lồng ghép giới trong công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật còn lúng túng. Nhận thức về bình đẳng giới còn chậm chuyển biến. Công tác thông tin, giáo dục chưa sâu, chưa đủ sức làm thay đổi nhận thức đã hình thành từ lâu nay, đã thành thói quen, nếp nghĩ của cán bộ, nhân dân. Cán bộ làm công tác bình đẳng giới còn thiếu và yếu, thiếu số liệu thống kê về bình đẳng giới, tách biệt giới.

Nguyễn Hoàng Long, 40 tuổi, Hà Nội:  Bình đẳng giới phải được thực hiện liên tục, lâu dài chứ không phải trong một giai đoạn, một thời điểm. Vậy tại sao đến bây giờ, vấn đề bình đẳng giới mới được đặt ra...? 

PCN Lương Phan Cừ: Bình đẳng giới đã được đề cập ngay từ khi chúng ta chưa giành chính quyền. Trong Luận cương Chính trị năm 1930, Đảng ta đã xác định lực lượng cách mạng của phụ nữ là rất trọng yếu. Nếu không có quần chúng phụ nữ tham gia thì cách mạng không thể thắng được. Và lúc đó Đảng ta đã đưa ra việc thực hiện nam nữ bình quyền. Đây được ghi nhận là một trong 10 nhiệm vụ cốt yếu của cách mạng Việt Nam. Ví dụ, thông qua việc đề ra các khẩu hiệu như: đàn bà được hoàn toàn bình đẳng về chính trị, kinh tế và pháp luật với đàn ông, bỏ hết các pháp luật và tục lệ hủ hoại làm cho đàn bà không được bình đẳng với đàn ông. Tư tưởng đó đã được kế thừa phát triển, thể chế hóa trong Hiến pháp và trong hệ thống pháp luật Việt Nam như Hiến pháp 1946, Hiến pháp 1959, Hiến pháp 1980, Hiến pháp 1992; Bộ luật lao động, Luật Hôn nhân và gia đình; Bộ luật Dân sự; Bộ luật Hình sự, các đạo luật về kinh tế...

Tuy nhiên, để nhận thức đầy đủ về vấn đề giải phóng phụ nữ, khái niệm bình đẳng giới được ra đời và nhập vào Việt Nam những năm cuối 1980 và đầu những năm 1990 của thế kỷ XX. Theo đó, bình đẳng giới có nghĩa là bảo đảm quyền cho cả 2 giới nam và nữ. Cho nên, hiện nay, chúng ta nói nhiều đến bình đẳng giới, chứ thực chất, chúng ta đã thực hiện bình đẳng giới từ lâu rồi.

Đào Thanh Hương - 26 tuổi, Nghệ An: Lồng ghép giới là gì, thưa Ông? Lồng ghép giới chỉ phục vụ mục tiêu bình đẳng giới?

 PCN Lương Phan Cừ: Giới có trong mọi lĩnh vực đời sống xã hội nên đòi hỏi phải được giải quyết ở mọi cấp độ. Hiểu đơn giản, lồng ghép giới là phương thức tiếp cận nhằm đưa yếu tố giới vào dòng chảy chủ đạo, bảo đảm đạt mục đích bình đẳng giới trên diện rộng trong xã hội. Dòng chảy chủ đạo này tập hợp các ý tưởng, giá trị, thái độ, mối quan hệ và cách thức tiến hành mang tính chi phối cho mọi hoạt động xã hội. Như vậy, lồng ghép giới bao trùm các thể chế chính, gồm nhà trường, gia đình, tổ chức xã hội... quyết định ai được coi trọng, cách thức phân bổ nguồn lực, quyết định ai được làm gì và ai nhận được gì trong xã hội.

Lồng ghép giới thực ra là biện pháp để thực hiện bình đẳng giới một cách thực chất.

Lê Tiến Thành -  55 tuổi - Quảng Ninh: Thấy nói nhiều về bình đẳng giới, nhiều văn bản pháp luật cũng được ban hành, nhưng trong triển khai thực hiện thì hình như còn hạn chế. Nguyên nhân do đâu?

PCN Lương Phan Cừ: Chúng ta chủ trương Sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật. Khi ban hành được văn bản pháp luật đã là việc khó, nhưng tổ chức thực thi thì còn khó hơn. Có rất nhiều yếu tố để tác động như nhận thức, tổ chức, bộ máy, nguồn lực... Do vậy, việc nơi này nơi kia thực hiện chưa tốt có lẽ là bình thường. Chúng ta cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát thì sẽ thực hiện tốt hơn.

Bùi Thị Hoa, 31 tuổi, Hòa Bình: Là người làm việc trong lĩnh vực bình đẳng giới. Vậy vấn đề bình đẳng giới trong gia đình Ông như thế nào? Vợ ông có được bình đẳng giới không?

PCN Lương Phan Cừ: Vợ tôi là một công chức, là vợ, là mẹ như bao người phụ nữ khác. Tôi có 2 con trai.  Không biết có bình đẳng không, nhưng chúng tôi cùng chia sẻ và hỗ trợ lẫn nhau. Bình đẳng giới không có nghĩa là phải chia công việc gia đình bằng nhau. Tôi và con trai cùng tham gia làm việc nhà, nấu nướng, giặt giũ và dọn dẹp nhà cửa... dành thời gian cho vợ được tham gia các mối quan hệ xã hội, gặp gỡ bạn bè, có thời gian nghỉ ngơi, thư giãn. Chúng tôi dạy các con không nề hà công việc, tạo điều kiện để mọi thành viên trong gia đình có không gian sống thoải mái nhất.

Vân Anh, 40 tuổi, Hà Tây: Không bình đẳng giới bắt đầu bằng việc tuổi tác, đàn ông - đàn bà, thu nhập ít - nhiều... Việc đó đang diễn ra, chúng ta phải cân bằng nó bằng cách nào?

 PCN Lương Phan Cừ: Như tôi đã nói ở trên, giới là mối quan hệ xã hội giữa nam và nữ, giới biến đổi vào trong các vấn đề kinh tế, xã hội, cộng đồng, chứ không phụ thuộc vào vấn đề đàn ông - đàn bà. Vấn đề là chúng ta có cơ hội bình đẳng trong tham gia các hoạt động xã hội cũng như hưởng thụ các thành quả đạt được mang lại như nhau. Cuộc đấu tranh giữa bình đẳng giới về nữ quyền đang thúc đẩy xử lý nó bằng cách giao cho người phụ nữ quyền bình đẳng như người nam về chính trị, kinh tế hay cụ thể hơn là có thu nhập và phải được quyết định trong gia đình, quyền bảo đảm việc làm, quyền vui chơi, giải trí... Hiện nay , bình đẳng giới của chúng ta đang đi theo hướng đó. Sau năm 1945 người phụ nữ rất ít có cơ hội để học hành thì bây giờ người phụ nữ được đi học nhiều hơn. Tỷ lệ bé gái ngày càng nhiều hơn. Bằng cách đó, chúng ta dần dần giải quyết được vấn đề bình đẳng giới.

Duy Quang, Bình Định: Thường thì đòi hỏi bình đẳng giới thuận chiều ở người phụ nữ. Tuy nhiên, rất nhiều trường hợp đàn ông bị "ép"? Có cần đòi hỏi bình đẳng của ông chồng với bà vợ không?

PCN Lương Phan Cừ: Lịch sử bất bình đẳng nghiêng về người phụ nữ nhiều hơn, nhưng khoảng cách này đang ngày càng được thu hẹp. Vấn đề bình đẳng giới ở đây xác định là bình đẳng cho nam và nữ, chứ không phải là một phía. Chúng ta cần phân tích từng trường hợp để xem sự bất bình đẳng đó thuộc về phía nào. Nếu bất bình đẳng với người vợ thì chúng ta phải bảo vệ người vợ, nếu ngược lại thì chúng ta phải bảo vệ người chồng. Tất nhiên, cuộc sống vợ - chồng là mối quan hệ rất riêng tư và đang được điều chỉnh chủ yếu bằng quy phạm xã hội nên ở đây đòi hỏi phải thay đổi nhận thức của cả người vợ và người chồng để tránh những trường hợp đàn ông bị ép hay phụ nữ bị ép như bạn nói.

Anh Thư, 35 tuổi, Hải Phòng: Đấu tranh thì tránh đâu? Ai sẽ giúp ích cho người đòi hỏi bình đẳng giới. Tôi muốn hỏi biện pháp khả thi của xã hội đối với người đấu tranh bình đẳng giới ?

PCN Lương Phan Cừ: Tôi nghĩ rằng, đấu tranh bình đẳng giới đã có bước tiến rất xa. Từ thế kỷ XIX sang thế kỷ XX và đầu thế kỷ XXI, đấu tranh bình đẳng giới đã có nhiều thắng lợi. Chúng ta có Luật Bình đẳng giới, lồng ghép giới trong văn bản pháp luật làm cơ sở pháp lý cho những người đấu tranh bình đẳng giới. Đấu tranh tránh đâu, có thể bạn muốn hỏi về bạo lực gia đình. QH đã thông qua Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, có hiệu lực thi hành từ ngày 1.7.2008.  

Hà Thị Bé, 32 tuổi, Bình Dương: Thưa Ông, vấn đề quy định bình đẳng giới trong Bộ luật lao động được quy định khá cụ thể nhưng khi thực hiện thì phụ nữ vẫn là người chịu thiệt thòi. Vậy ai là người chịu tránh nhiệm ? Có cơ quan nào bị xử lý không ?

 PCN Lương Phan Cừ: Trong Bộ luật Lao động quy định vấn đề bình đẳng giới rất cụ thể. Nhưng, việc thực thi của chúng ta đang còn có vấn đề. Trách nhiệm trước hết là của cơ quan quản lý nhà nước, của tổ chức công đoàn và các tổ chức xã hội. Cũng cần phải nói đến sự yếu kém trong việc thanh tra, kiểm tra việc thực thi pháp luật lao động đối với phụ nữ. Trách nhiệm cụ thể là thanh tra pháp luật lao động, nhiệm vụ của họ là bảo đảm để pháp luật lao động được thực thi.

Thu Hương, 30 tuổi, Quảng Trị: Vài ngày nữa là khai mạc vòng chung kết bóng đá thế giới. Tôi muốn xem, còn chồng tôi thì không. Không lẽ tôi sẽ phải đi xa. Ông có thể giúp gì cho tôi?

PCN Lương Phan Cừ: Tôi nghĩ đây là câu hỏi hay liên quan đến vấn đề bình đẳng giới trong gia đình. Chẳng giấu gì bạn, tôi cũng ở vào tình huống như bạn. Có lẽ biện pháp khá cũ mà cánh ta phải áp dụng là thuyết phục. Nếu không được thì phải nhường thôi. Như tôi thì giải pháp an toàn là xem ti vi đặt ở bếp, nhường tivi tốt cho vợ.

Vân Anh - 23 tuổi - Quảng Bình: Bình đẳng giới không giống như sốt đất, nợ quốc gia hay Đồ án quy hoạch Thủ đô... Sao chúng ta lại phải rất quyết liệt thế, thưa Ông?

PCN Lương Phan Cừ: Bình đẳng giới liên quan đến quyền con người nên chúng ta phải hết sức quyết liệt. Như Luận cương Chính trị của Đảng năm 1930 đã nói, vai trò cách mạng của phụ nữ là rất trọng yếu, người phụ nữ bị đè nén và bất bình đẳng rất lớn. Cho nên Đảng đề ra khẩu hiệu đàn bà được hoàn toàn bình đẳng với đàn ông hay bỏ hết pháp luật và tục lệ hủ hoại làm cho đàn bà không được bình đẳng với đàn ông. Hiện nay, lực lượng lao động nữ phục vụ công cuộc phát triển xã hội đất nước nên chúng ta phải làm rất quyết liệt. Thử hình dung, tại sao chúng ta lại để người phụ nữ lam lũ từ sáng đến tối, vừa lo kinh tế vừa làm việc nhà để phục vụ những người đàn ông trong gia đình. Tại sao đàn ông đi làm về lại ngồi đọc báo, còn phụ nữ phải còng lưng làm việc nhà... Như thế để thấy rằng, chúng ta còn rất nhiều việc phải làm để có thể thay đổi nhận thức mang tính bất bình đẳng giới từ những việc rất nhỏ. Cần phải làm quyết liệt hơn nữa để có thể đóng góp vào sự phát triển của xã hội.

Đào Duy Long, 42 tuổi, Đà Nẵng: Theo PCN, bất bình đẳng giới hiện nay xảy ra ở lĩnh vực nào là nhiều nhất? Tại sao?

PCN Lương Phan Cừ: Tôi cho rằng, bất bình đẳng xảy ra ở  gia đình là chủ yếu, nhất là những nơi như nông thôn, vùng sâu, vùng xa, trình độ dân trí thấp... Tại các tổ chức, cộng đồng xã hội, vai trò của người phụ nữ chưa có cơ hội nhiều như nam giới. Phụ nữ thường được hiểu trong thế yếu. Việt Nam đã quy định về các cơ hội bình đẳng trong văn hóa, giáo dục, thể dục, thể thao... cho người phụ nữ nhưng điều kiện để người phụ nữ tham gia chính trị còn hạn chế. Trong lĩnh vực chính trị, người phụ nữ vẫn chưa bình đẳng bằng nam giới. Có nhiều nguyên nhân, ví dụ đặc điểm sinh học của người phụ nữ, thiên chức làm mẹ... nên xã hội chưa tạo đủ điều kiện để người phụ nữ có cơ hội bình đẳng như nam giới.

Võ Anh Hào, 28 tuổi, TP Hồ Chí Minh: Tôi có theo dõi QH làm luật. Nhưng tôi không biết vấn đề lồng ghép giới được đưa vào lúc nào? Có nhận được sự đồng thuận của ĐBQH hay không?

PCN Lương Phan Cừ: Quy trình lập pháp của QH hiện nay chia thành 6 giai đoạn. Xây dựng chương trình; soạn thảo dự thảo luật; thẩm tra; xem xét, cho ý kiến ở UBTVQH; xem xét, thông qua tại Kỳ họp QH và giai đoạn cuối cùng là công bố. Việc lồng ghép giới được thực hiện trong giai đoạn xây dựng, soạn thảo dự thảo; thẩm định, thẩm tra và xem xét, thông qua văn bản quy phạm pháp luật. Lồng ghép giới được quy định tại Điều 21 và Điều 22 của Luật Bình đẳng giới. Có thể nói, việc lồng ghép giới được tiến hành từ lúc dự án luật được soạn thảo cho đến lúc trình QH xem xét, thông qua. Trong quá trình đó, các ĐBQH được tham gia, đóng góp ý kiến về việc lồng ghép giới trong dự án luật. Tại Kỳ họp thứ Bảy lần này, trong dự án Luật Người khuyết tật có một vấn đề liên quan đến lồng ghép giới là quy định trợ cấp hàng tháng đối cấp đối với người khuyết tật là nữ cao hơn người khuyết tật là nam giới. Lý lẽ của quy định này là trên cơ sở phân tích về giới, người khuyết tật là nữ chịu thiệt thòi hơn so với người khuyết tật là nam giới.

Trần Linh Trang, Hà Nội: Thưa, về vấn đề bình đẳng giới, Ông nghĩ thế nào về việc chế độ thai sản cho người mẹ. Có ý kiến cho rằng, bố cũng phải được hưởng chế độ này vì trách nhiệm chăm sóc con là của cả hai?  

PCN Lương Phan Cừ: Đây là câu hỏi được nhiều ĐBQH quan tâm khi bàn đến chế độ thai sản quy định trong dự án Luật Bảo hiểm xã hội. Hiện nay, trên thế giới có một vài quốc gia quy định nam giới được nghỉ khi vợ sinh con. Còn, chúng ta mới đặt vấn đề người bố được nghỉ khi con ốm đau mà người mẹ đã hết thời gian nghỉ thai sản. Trường hợp chỉ có cha hoặc mẹ tham gia bảo hiểm xã hội hoặc cả cha và mẹ đều tham gia bảo hiểm xã hội mà mẹ chết sau khi sinh con, thì cha hoặc người trực tiếp nuôi dưỡng được hưởng chế độ thai sản cho đến khi con đủ bốn tháng tuổi. Người lao động nhận nuôi con nuôi dưới bốn tháng tuổi thì được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản cho đến khi con đủ bốn tháng tuổi.

 Nguyễn Ngọc Anh, Đống Đa, Hà Nội: Lý do để biện minh cho việc xảy ra bất bình đẳng giới đó là trình độ, nhận thức của người dân còn hạn chế. Nhưng trên thực tế, điều này xảy ra cả ở những gia đình, những người có trình độ học vấn cao, thậm chí còn có cả địa vị trong xã hội. Vậy, nên giải thích vấn đề này như thế nào?

PCN Lương Phan Cừ: Đúng như bạn nói, thực tế bất bình đẳng giới xảy ra ở cả những gia đình có học vấn cao. Tôi cho rằng, học vấn và nhận thức là 2 vấn đề có quan hệ với nhau, nhưng không phải là một. Ở Việt Nam - quốc gia phương Đông - tư tưởng trọng nam khinh nữ còn khá nặng nề, kể cả những người có học vấn cao trong xã hội. Vấn đề là cần tăng cường tuyên truyền, nhận thức về bình đẳng giới rộng rãi ở các tầng lớp dân cư, nhất là những nhóm dân cư có nguy cơ cao về bất bình đẳng giới. Ví dụ, như tôi đã nói ở trên, bình đẳng giới trong quan hệ gia đình là khâu yếu của bình đẳng giới. Vậy nên, thực tế là bất bình đẳng giới xảy ra ở cả những gia đình có học vấn cao và những gia đình có học vấn hạn chế.

Hải Duy, Nam Định: Nếu xếp hạng, Việt Nam sẽ đứng thứ mấy trên thế giới về bình đẳng giới?

PCN Lương Phan Cừ: Vấn đề xếp hạng về bình đẳng giới dựa vào chỉ số phát triển giới, viết tắt là GDI. Đây là số liệu tổng hợp phản ánh thực trạng bình đẳng giới được tính trên cơ sở tuổi thọ trung bình, trình độ giáo dục và thu nhập bình quân đầu người của nam và nữ. Năm 2007, Việt Nam xếp thứ 94/155 quốc gia về bình đẳng giới. So với trình độ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước thì chỉ số về bình đẳng giới tiến bộ hơn. So với xếp hạng của bóng đá Việt Nam thì bình đẳng giới cao hơn rất nhiều.

Phan Thanh Tịnh, 58 tuổi, Thừa Thiên Huế: Thay đổi nhận thức là yếu tố quan trọng trong thực hiện bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ. Theo Ông vai trò của phương tiện thông tin đại chúng trong việc góp phần thực hiện bình đẳng giới như thế nào? Làm gì để phát huy vai trò của các cơ quan thông tin đại chúng để đóng góp hiệu quả trong công tác này ?

PCN Lương Phan Cừ: Như tôi nói bình đẳng giới có trong mọi lĩnh vực đời sống xã hội,  xảy ra trong những mối quan hệ hết sức tế nhị là gia đình nên nhận thức đóng vai trò quan trọng trong bảo đảm bình đẳng giới. Do đó, việc giáo dục truyền thông có vai trò, vị trí hết sức quan trọng. Trước hết, truyền thông cần làm cho mọi người có nhìn nhận đúng đắn hơn về vị trí của nam giới và nữ giới trong xã hội; phản ánh những bất bình đẳng hay những vi phạm pháp luật về bình đẳng giới xảy ra trong cuộc sống hàng ngày giữa nam và nữ; đồng thời nêu lên những đóng góp cũng như sự hưởng thụ của mỗi giới đối với sự phát triển của xã hội. Từ những thông tin đó, chúng ta cần có những biện pháp sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật, tạo điều kiện để giới nào yếu thế hơn sẽ có cơ hội bình đẳng khi tham gia vào các hoạt động xã hội cũng như bình đẳng trong gia đình. Thông tin đại chúng phải nói nhiều, nói hàng ngày, mưa dầm thấm lâu... vai trò của thông tin đại chúng là rất lớn.

Trịnh Hoài An, 40 tuổi, Hà Tĩnh: Các nữ ĐBQH một mặt vừa là người "bấm nút" thông qua các dự án luật, một mặt cũng là đối tượng chịu khá nhiều ảnh hưởng về bình đẳng giới. Vậy, nhận thức của các nữ ĐBQH hiện nay đối với vấn đề này như thế nào?

PCN Lương Phan Cừ: Đa số các nữ ĐBQH đều quan tâm đến vấn đề bình đẳng giới, hiểu sâu sắc những vấn đề liên quan đến giới. Nói cách khác, nữ ĐBQH là những người trong cuộc trong vấn đề bình đẳng giới. Đây là điều kiện thuận lợi để các nữ ĐBQH tham gia tích cực, đưa các vấn đề về giới trong các dự án luật. Vì là người trong cuộc nên nhận thức về bình đẳng giới của nữ ĐBQH khá sâu. Tuy nhiên, việc nhận biết về vấn đề giới và lồng ghép giới rất khó và phức tạp. Nếu không có phương pháp tốt, kiến thức tốt thì việc nhận biết lồng ghép giới không thể thực hiện được. Đây cũng là khó khăn đối với nữ ĐBQH, nhất là trong bối cảnh ĐBQH chủ yếu hoạt động kiêm nhiệm như hiện nay. Nhóm Nữ nghị sỹ Việt Nam đã được thành lập từ tháng 5.2008. Đây là một kênh để giúp nữ nghị sỹ thực hiện ngày càng tốt hơn nhiệm vụ của mình, cụ thể là đại diện cho cử tri và nhân dân cả nước về những vấn đề liên quan đến giới và bình đẳng giới. 

Hồng Đức, 72 tuổi, Hà Nội: Thưa Phó chủ nhiệm, là người quen cũ của Phó chủ nhiệm, tôi cũng đã thấu hiểu bình đẳng giới là "nghiệp" mà Phó chủ nhiệm theo đuổi. Tôi muốn biết sự phối hợp giữa QH và HĐND trong việc thực hiện bình đẳng giới hiện nay như thế nào ?

PCN Lương Phan Cừ: QH là cơ quan đại biểu đại diện cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất. HĐND là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương. QH và HĐND tuy không phải là một hệ thống, nhưng có mối quan hệ mật thiết, trong đó có lĩnh vực bình đẳng giới. Tại Điều 36 Luật Bình đẳng giới quy định, QH, UBTVQH, HĐDT và các UB của QH, Đoàn ĐBQH, ĐBQH, HĐND, đại biểu HĐND trong phạm vi, nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm giám sát việc thực hiện pháp luật về bình đẳng giới. Trong quá trình giám sát việc thực hiện pháp luật về bình đẳng giới, QH đã phối hợp với HĐND cấp tỉnh. HĐND cung cấp tài liệu, số liệu cho hoạt động giám sát, thẩm tra báo cáo thực hiện mục tiêu bình đẳng giới của Chính phủ. Ngược lại, QH, các cơ quan của QH đã cung cấp những kỹ năng lồng ghép giới, kiến thức về giới cho đại biểu HĐND thông qua các hoạt động như tổ chức hội nghị, hội thảo, trao đổi kinh nghiệm... với thành phần tham dự là các ĐBQH, đại diện các cơ quan của QH, đại biểu HĐND và các cơ quan của HĐND. Thông qua các hoạt động này đã giúp cho hoạt động của QH và HĐND trong lĩnh vực bình đẳng giới ngày càng tốt hơn.

Quỳnh Hoa, 25 tuổi, Hậu Giang: Thời tiết ngoài Hà Nội rất oi bức, trong này dễ chịu hơn, nhưng không biết bình đẳng giới ngoài đó có như khí hậu không? Không lẽ trong này vẫn dễ chịu hơn? Phó chủ nhiệm có thấy được điều này không? Yếu tố xã hội chẳng hạn?

PCN Lương Phan Cừ: Vấn đề giới có lẽ không giống thời tiết. Giới và bình đẳng giới được đặt ra ở khắp mọi nơi, cả trong Nam và ngoài Bắc. Vấn đề giới phụ thuộc vào các yếu tố như lịch sử, văn hóa, KT - XH... nên có lẽ không như vấn đề thời tiết. Bạn có thấy thế không?

Minh Vân, 40 tuổi, Hà Nội: Kỷ niệm sâu sắc của Ông đối với "nghiệp" bình đẳng giới là gì?

PCN Lương Phan Cừ: Trong quá trình tiếp cận với vấn đề bình đẳng giới và thực hiên bình đẳng giới, tôi có khá nhiều kỷ niệm. Ngay trong nhận thức của tôi, bình đẳng giới cũng là cả một quá trình và tôi học tập được rất nhiều kinh nghiệm, kể cả từ những đồng nghiệp nước ngoài. Để một vấn đề giới được chấp nhận trong pháp luật là cả một quá trình tranh luận, thuyết phục lẫn nhau. Ví dụ, trong quá trình thảo luận về dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi) năm 2008, chúng tôi đã đề xuất bổ sung một điều về trách nhiệm của UB Về các vấn đề xã hội trong việc thẩm tra việc lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong dự án luật, pháp lệnh và dự thảo Nghị quyết. Đề xuất này đã được QH chấp nhận và quy định thành một điều (Điều 47) trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008. Mặc dù nội dung của Điều 47 chưa hoàn toàn phù hợp với quy định của Luật Bình đẳng giới, nhưng đây là bước rất quan trọng trong việc bảo đảm lồng ghép giới trong các dự án luật, pháp lệnh và dự thảo nghị quyết; là một thắng lợi trong quá trình thực hiện bình đẳng giới. Trước đó, tôi đã phát biểu nhiều lần là cần phải quy định theo hướng là thẩm tra vấn đề bình đẳng giới trong tất cả các dự án luật trình QH theo đúng tinh thần của Luật Bình đẳng giới, chứ không chỉ giới hạn trong các dự án, dự thảo có nội dung liên quan đến bình đẳng giới. Nói như thế để bạn thấy rằng, đấu tranh để đưa vấn đề bình đẳng giới vào trong các dự án luật, pháp lệnh và dự thảo nghị quyết là một quá trình khó khăn như đấu tranh cho bình đẳng giới.

Tôi cũng có một kỷ niệm với một chuyên gia nước ngoài khi trình bày, trao đổi về vấn đề bình đẳng giới. Tại một cuộc hội thảo về bình đẳng giới, ban đầu, tôi nhận thức chương trình dạy toán đối với bé gái và dạy ngôn ngữ đối với bé trai hay các chỉ tiêu như xây dựng các công trình vệ sinh đối với nữ... không liên quan đến vấn đề bình đẳng giới. Nhưng, sau khi nghe ý kiến chuyên gia, thực tế đây là những vấn đề có liên quan đến bình đẳng giới. Trong một lần khác, tổ chức hội thảo tại đồng bằng sông Cửu Long, có một báo cáo nghiên cứu về việc bỏ học của học sinh, trong đó chỉ rõ nguyên nhân bỏ học của trẻ em gái nhiều hơn trẻ em trai là do các cơ sở giáo dục không có công trình vệ sinh. Như thế để bạn thấy rằng, chỉ là vấn đề tưởng chừng nhỏ thôi, không liên quan đến vấn đề giới, nhưng phân tích kỹ thì nó lại ẩn chứa vấn đề về giới. Do vậy, trong quá trình lồng ghép giới, tôi đã cùng với anh chị em phân tích rất kỹ những vấn đề giới liên quan trong những lĩnh vực do UB chúng tôi phụ trách hay tham gia. 

Trong quá trình QH xem xét, thông qua dự án Luật Bình đẳng giới, bên hành lang kỳ họp, các đại biểu gặp tôi nói chuyện rất vui về thuật ngữ lồng ghép giới, trong đó có đại biểu hỏi: lồng ghép giới có phải lồng ghép một người nam với một người nữ không? Chúng tôi sẽ ủng hộ dự án Luật theo khái niệm này.

Hoàng Minh, 35 tuổi, Nam Định: Vấn đề bình đẳng giới là vấn đề lâu dài, thường xuyên nhưng tại thời điểm này, theo Ông cơ quan lập pháp và cơ quan hành pháp cần phải làm những việc gì để tạo nên chuyển biến tích cực trong việc thực hiện bình đẳng giới?

PCN Lương Phan Cừ: Theo đánh giá của các chuyên gia, hệ thống pháp luật của Việt Nam đã cơ bản thể hiện được vấn đề bình đẳng giới. Do vậy, theo tôi, việc tổ chức thực hiện là rất quan trọng. Điều này phụ thuộc nhiều vào các hoạt động của cơ quan lập pháp và cơ quan hành pháp. Đối với cơ quan hành pháp thì việc thực hiện các biện pháp thông tin, tuyên truyền, xây dựng bộ máy, đầu tư nguồn lực và cụ thể hóa pháp luật bình đẳng giới thông qua xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện bình đẳng giới; trong đó có việc xây dựng, thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới. Thông qua những hoạt động đó, bình đẳng giới mới từng bước thực thi. Đối với QH là cần tăng cường hoạt động giám sát để thúc đẩy việc thực hiện bình đẳng giới ở tất cả các cấp.

08-lpc-hot-300.jpg

Thời gian của cuộc giao lưu trực tuyến có hạn. Rất cám ơn các bạn đã quan tâm đến vấn đề khó và lâu dài này. Xin hẹn gặp lại các bạn vào một dịp khác.