Giáo dục nghệ thuật không phải “gia vị”

- Thứ Năm, 22/08/2019, 07:28 - Chia sẻ
“Giáo dục nghệ thuật là một thành tố của giáo dục toàn diện đức - trí - thể - mỹ. Khi có cảm thụ tốt về nghệ thuật thì chân - thiện - mỹ, tính nhân bản, tiềm năng sáng tạo được khơi dậy. Do đó, người làm quản lý giáo dục nói chung, giáo dục nghệ thuật nói riêng, cần tránh cách nhìn nhận giáo dục nghệ thuật chỉ là môn phụ, là “gia vị”” - Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD - ĐT) Phùng Xuân Nhạ phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Nâng cao chất lượng giáo dục nghệ thuật trong trường học sáng 21.8.

Tâm lý “môn phụ”

Nam Định là một trong 5 tỉnh được Bộ GD - ĐT chọn triển khai thí điểm mô hình dạy mỹ thuật theo dự án Hỗ trợ Mỹ thuật Đan Mạch từ năm học 2011 - 2012. Các nhà trường được đầu tư cơ sở vật chất, thời gian tối ưu để giáo viên tổ chức lớp học. Giáo viên được trao đổi kinh nghiệm thường xuyên, học sinh được dạy theo phương pháp mở, kết thúc bài học này lại mở ra bài học khác, tăng cường hợp tác nhưng tôn trọng cá thể, ứng dụng âm nhạc, toán học, vận động, ngôn ngữ trong quá trình xử lý bài tập… Cuối cùng, các tác phẩm sáng tạo của các em được trưng bày, triển lãm... Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học, Sở GD - ĐT Nam Định Bùi Anh Tuấn cho biết, phương pháp dạy học mỹ thuật mới đã giúp học sinh tự khám phá, suy nghĩ, sáng tạo, kích thích tương tác và phát triển nhận thức, các kỹ năng biểu đạt, giao tiếp hình ảnh, khám phá và hiểu được văn hóa thị giác.

Từ thực tế ở Nam Định, có thể rằng, phương pháp này đã phát huy được tính chủ động, tích cực của người học, cũng như khả năng cảm thụ nghệ thuật của học sinh tốt hơn. Đúng như lời Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, khi cảm thụ nghệ thuật tốt thì các giá trị chân - thiện - mỹ, tính nhân bản, tiềm năng sáng tạo được khơi dậy. Tuy vậy, không phải cán bộ quản lý, giáo viên nào cũng nhận thức được vai trò của giáo dục nghệ thuật trong nhà trường.

Theo chuyên viên âm nhạc Sở GD - ĐT Hà Nội Vũ Mai Lan, do nhận thực về môn học nghệ thuật trong nhà trường chưa được chú trọng nên việc bố trí giáo viên dạy môn âm nhạc tồn tại nhiều bất cập. Một số trường chỉ có 4 giáo viên âm nhạc nhưng dạy 25 - 40 lớp, thậm chí còn kiêm nhiệm công tác tổng phụ trách, tổ chức các hoạt động phong trào trong nhà trường. Vì vậy, giáo viên không có thời gian tập trung phát triển năng lực giảng dạy bộ môn… Vụ trưởng Vụ Tiểu học, Bộ GD - ĐT, TS. Thái Văn Tài cho biết thêm, tại các trường tiểu học và THCS công lập hiện nay hầu như chưa có phòng bộ môn dành riêng cho âm nhạc và mỹ thuật. “Việc dạy âm nhạc sẽ gây tiếng ồn, ảnh hưởng các lớp học bên cạnh. Do đó, nếu học tại các lớp học bình thường như hiện nay sẽ gây khó khăn cho giáo viên trong tổ chức hoạt động dạy học”.

Ngoài ra, tại các cơ sở đào tạo giáo viên nghệ thuật, TS. Lê Vinh Hưng, Trưởng khoa Sư phạm Âm nhạc, Trường ĐH Sư phạm nghệ thuật Trung ương chỉ rõ, trong chương trình khung đào tạo giáo viên trình độ ĐH sư phạm âm nhạc của Bộ GD - ĐT, tỷ lệ các môn thực hành liên quan tới âm nhạc chiếm khiêm tốn (27/210 đơn vị học trình), bao gồm các môn: Ký xướng âm (16 đơn vị học trình), nhạc cụ (4 đơn vị học trình), thanh nhạc (4 đơn vị học trình), hát đồng ca - hợp xướng (3 đơn vị học trình). Tỷ lệ trên là chưa cân đối, quá ít để tạo ra người thầy có khả năng giỏi về thực hành.

Đầu tư cơ sở vật chất, phát triển đội ngũ

Từ thực tiễn dạy học âm nhạc nói chung, đội ngũ giáo viên âm nhạc nói riêng, bà Vũ Mai Lan cho rằng, thời gian tới, Bộ GD - ĐT cần có kế hoạch rà soát, kiểm tra cơ sở vật chất và hoạt động giảng dạy môn âm nhạc trong toàn quốc; qua đó, bổ sung đội ngũ giáo viên, mở lớp tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn... Riêng nội dung tập huấn, song hành với tổ chức các đợt tập huấn trực tiếp cho giáo viên, Bộ GD - ĐT cần xây dựng hệ thống học tập trực tuyến, trong đó tích hợp hướng dẫn thực hiện chương trình, thiết kế minh họa các nội dung cụ thể bằng âm thanh, hình ảnh, video minh họa. Video minh họa bảo đảm chất lượng, gần như nội dung mẫu để giáo viên lấy đó làm chuẩn, từ đó phát triển, sáng tạo vận dụng phù hợp với học sinh địa phương.

Ngoài ra, điểm nổi bật trong Chương trình giáo dục phổ thông mới là môn Nghệ thuật (âm nhạc, mỹ thuật) được triển khai ở các cấp học. Do đó, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm nghệ thuật Trung ương, PGS.TS. Đào Đăng Phượng cho rằng, các cơ sở đào tạo giáo viên nghệ thuật cần chuẩn bị đầy đủ điều kiện, cập nhật, nắm bắt, theo kịp tinh thần của chương trình, sách giáo khoa mới để đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng giáo viên cho môn học này. “Thực hiện đổi mới chương trình, nhất là chương trình giáo dục phổ thông không dễ dàng và luôn gặp khó khăn ban đầu. Đổi mới dạy học môn Nghệ thuật trong nhà trường phổ thông, trước hết khó khăn sẽ tập trung ở đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất. Do đó, yêu cầu cấp thiết đặt ra là xúc tiến xây dựng chương trình, tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn, kết hợp với sự chủ động nghiên cứu, tìm hiểu của bản thân giáo viên để có thể đáp ứng yêu cầu của chương trình mới”.

TS. Lê Vinh Hưng đề xuất, các trường đào tạo hệ ĐH sư phạm nghệ thuật phải cùng nhau xây dựng tiêu chuẩn đầu ra phù hợp cho chuyên ngành này, từ đó mới có thể thực hiện quy định trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học là “không phân biệt văn bằng theo hình thức đào tạo”.

Khải Minh