Giáo dục - chìa khóa thúc đẩy sáng tạo

- Thứ Tư, 04/12/2019, 08:02 - Chia sẻ
Phát triển nền kinh tế sáng tạo đang là xu hướng của toàn thế giới và Việt Nam cũng không ngoại lệ. Ngoài tạo dựng không gian, môi trường khuyến khích sáng tạo, đào tạo nguồn nhân lực cho khối ngành này vô cùng quan trọng.

Đầu tư vào đào tạo

Tại hội thảo “Tương lai giáo dục sáng tạo tại Việt Nam” mới đây, GS. Paul Gough - Trường Đại học Quốc tế RMIT từ Melbourne, Australia, chia sẻ: Thống kê cho thấy vùng châu Á - Thái Bình Dương đang đi đầu thế giới trong các ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo, với tổng giá trị khoảng 743 tỷ USD, đứng sau là châu Âu với giá trị 709 tỷ USD, Bắc Mỹ 620 tỷ USD, Mỹ Latin 124 tỷ USD, châu Phi và Trung Đông 58 tỷ USD.

Không chỉ châu Âu, các lĩnh vực sáng tạo của châu Á đang được đầu tư rất lớn để phát triển, với các ngành sáng tạo như: Quảng cáo, phát triển ứng dụng và phần mềm, kiến trúc, điện ảnh, thiết kế, biểu diễn nghệ thuật... Đặc biệt, nhiều quốc gia tập trung đầu tư phát triển các ngành sáng tạo để khỏa lấp, không chỉ về phát triển văn hóa mới, mà còn cả khoảng cách phát triển kinh tế với các nước trong khu vực và thế giới. Nhiều thành phố đã có những định hướng xây dựng thành phố sáng tạo, phát triển bền vững, với các hoạt động xây dựng hệ sinh thái sáng tạo như studio, môi trường sản xuất và khuyến khích sáng tạo, cập nhật xu hướng mới, tổ chức các sự kiện tạo không khí sôi động và tôn vinh sáng tạo... Tuy nhiên, theo GS. Paul Gough, trên tất cả, giáo dục là chìa khóa thúc đẩy mọi người phát huy tiềm năng, thế mạnh sáng tạo.


Giáo dục không chỉ đào tạo kỹ năng mà còn tạo nhu cầu cho sản phẩm sáng tạo
Ảnh: Th. Nguyên

Thời gian qua, nhiều quốc gia đầu tư vào lĩnh vực đào tạo và đạt được thành công vượt bậc. Chẳng hạn, thành công của điện ảnh Hàn Quốc đã được chỉ rõ ra là nhờ chiến lược phát triển của Nhà nước khi hàng nghìn du học sinh được gửi đi đào tạo tại những nền điện ảnh tiên tiến của thế giới. Với hoạch định bài bản, các lĩnh vực từ sáng tạo câu chuyện, biên kịch, đạo diễn, quay phim đến công việc hậu kỳ như sản xuất, kỹ thuật, kỹ xảo… đều có nhân lực theo học. Kết quả là có một thế hệ nghệ sĩ khá đồng đều về trình độ, tay nghề, trong tất cả các khâu, tạo nên bước tiến dài cho điện ảnh Hàn Quốc tại khu vực và thế giới. Không chỉ điện ảnh, quốc gia này cũng đã sớm chú trọng phát triển giáo dục ngành thiết kế và nhận thức thiết kế như một nguồn tài nguyên, hỗ trợ ngành công nghiệp phát triển mạnh mẽ...

Tại Việt Nam, vai trò quan trọng của sáng tạo đã được nhìn nhận, khẳng định trong Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa 2020, tầm nhìn 2030. Nước ta có nhiều tiềm năng phát triển sáng tạo như nền văn hóa đa dạng, con người có sự thích ứng cao, năng động, dồi dào sức trẻ. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia quốc tế, nếu quan tâm tới giáo dục - đào tạo hơn để có được nguồn nhân lực sáng tạo đông đảo với chất lượng cao, công nghiệp văn hóa Việt Nam sẽ phát triển nhanh, đóng góp không chỉ về giá trị kinh tế mà còn giữ gìn, phát huy truyền thống dân tộc.

Nắm bắt xu hướng, giữ vững bản sắc

Theo nghiên cứu của dự án Không gian văn hóa sáng tạo Việt Nam, do Hội đồng Anh phối hợp với Viện Văn hóa nghệ thuật Quốc gia Việt Nam triển khai, tính tới cuối năm 2018, kinh tế sáng tạo là khái niệm khá mới tại Việt Nam nhưng đã đóng góp một phần quan trọng cho nền kinh tế chung, mang lại việc làm cho 3,8 triệu người. Điều này phản ánh động lực sáng tạo mới nổi nhằm sản xuất ra nội dung của Việt Nam cũng như những đầu tư mới từ ngành sáng tạo hiện hành. Tuy nhiên, cũng theo nghiên cứu, nhân lực đang là thách thức lớn với khối ngành này khi có sự thiếu hụt lớn, hạn chế khả năng, kiến thức và kỹ năng cần có để đáp ứng nhu cầu tăng dần của người làm sáng tạo và khởi nghiệp.

Theo bà Nguyễn Thị Thanh Hường, Trưởng ban Văn hóa, Văn phòng UNESCO Hà Nội: Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung có lợi thế là nguồn lực con người, năng lượng trẻ rất lớn. Trong đó, Hà Nội là trung tâm giáo dục hàng đầu của cả nước, có mạng lưới trường đại học, là cái nôi đào tạo nguồn nhân lực sáng tạo. Nhưng cái thiếu là chưa có sự gắn kết nguồn lực ấy với tầm nhìn chiến lược cho sự phát triển, chưa có cơ hội, không gian cho các tổ chức, không gian kết nối, tạo ra xu hướng phát triển, gợi cảm hứng sáng tạo... Giáo dục là cần thiết không chỉ trong đào tạo kỹ năng, mà còn cả trong việc tạo ra nhu cầu cho sản phẩm của ngành sáng tạo. Điều Việt Nam còn thiếu là sự hiện diện rõ ràng của một đối tượng khách hàng trân trọng các sản phẩm văn hóa, nghệ thuật và muốn hỗ trợ chúng.

Các chuyên gia khuyến nghị, cần tăng cường hợp tác giữa khu vực công - tư, hợp tác giữa các viện nghiên cứu, bảo tàng, cơ sở giáo dục; giữa cơ sở giáo dục với doanh nghiệp; kết nối giữa các thành phố; kết nối không gian sáng tạo với các làng nghề thủ công mỹ nghệ... tận dụng sức mạnh tổng hợp để thúc đẩy sáng tạo. Quá trình này không thể thực hiện được chỉ trong 2 - 3 năm, mà có thể cả thập kỷ.

Đặc biệt, chương trình học cần hướng theo sự phát triển kinh tế sáng tạo hơn, bằng cách đưa các nội dung sáng tạo vào giáo trình giảng dạy từ những bậc đào tạo phổ thông, chương trình học nghề, học việc và xuyên suốt cho tới giáo dục bậc cao. Tuy nhiên, các chuyên gia quốc tế cũng lưu ý, trong quá trình “thắp lên ngọn đuốc”, phát triển nguồn nhân lực cho sáng tạo, không nên xa rời những giá trị căn cốt của quốc gia. Từ đó, sẽ có lực lượng làm lĩnh vực này cập nhật sự phát triển của thế giới nhưng vẫn giữ vững bản sắc, và biểu hiện rõ chất Việt trong các sản phẩm sáng tạo.

Thảo Nguyên