Khai mạc Phiên họp thứ 36 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Giao “cứng” thẩm quyền giám định tư pháp, Kiểm toán Nhà nước có đủ sức làm?

- Thứ Hai, 12/08/2019, 15:07 - Chia sẻ
Sáng 12.8, dưới sự chủ trì của Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân, UBTVQH đã khai mạc Phiên họp thứ 36.

Phiên họp thứ 36 diễn ra từ 12-16.8. Tại Phiên họp này, UBTVQH cho ý kiến về 5 dự án Luật và 2 dự thảo Nghị quyết, bao gồm: dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán nhà nước; dự án Luật Chứng khoán (sửa đổi); dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi); dự án Luật Lực lượng dự bị động viên; dự án Luật Thư viện; dự thảo Nghị quyết của QH về miễn tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và khai thác tài nguyên nước; dự thảo Nghị quyết giải thích một số điều của Luật Quy hoạch.

Cũng tại Phiên họp này, UBTVQH sẽ tiến hành giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách nhà nước giai đoạn 2013-2018”; tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn về việc thực hiện các nghị quyết giám sát chuyên đề và kết luận về chất vấn và trả lời chất vấn của UBTVQH từ đầu nhiệm kỳ đến hết năm 2018. Bên cạnh đó, UBTVQH cho ý kiến về báo cáo kết quả chuyên đề của QH về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy giai đoạn 2014- 2018” để Đoàn giám sát hoàn thiện báo cáo để trình ra QH tại Kỳ họp thứ Tám.


Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc Phiên họp

Ngoài ra, UBTVQH cũng cho ý kiến về việc bổ sung dự toán ngân sách nhà nước năm 2019 (vốn ngoài nước) cho 2 tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình. Đối với đề án biên chế Kiểm toán Nhà nước do còn một số nội dung cần tiếp tục hoàn thiện nên chưa đưa ra tại phiên họp lần này của UBTVQH.

Phát biểu khai mạc Phiên họp, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, đây là những nội dung quan trọng nên UBTVQH, các cơ quan và tổ chức hữu quan cần tập trung để bảo đảm yêu cầu nội dung phiên họp đề ra.

Tiếp đó, dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển, UBTVQH đã cho ý kiến về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán nhà nước (dự thảo Luật).

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải cho biết, về bổ sung các nội dung liên quan đến Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Luật Xử lý vi phạm hành chính, Luật Giám định tư pháp, có ý kiến cho rằng dự thảo Luật còn nội dung chồng chéo với một số luật khác, có nội dung vượt thẩm quyền, có nội dung chưa phù hợp với Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Một số quy định không thuộc phạm vi của dự thảo Luật này mà phải quy định trong các luật khác như Luật Xử lý vi phạm hành chính, Luật Giám định tư pháp. Nhiều nội dung chưa cụ thể cần làm rõ mới có thể xử phạt hành chính, giám định tư pháp hay ký được thông tư liên tịch của Kiểm toán Nhà nước.

Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách thống nhất việc bổ sung thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật, xử phạt vi phạm hành chính. Tuy nhiên, việc bổ sung các nội dung này vào dự thảo Luật sẽ chưa thể bảo đảm đủ căn cứ pháp lý để Kiểm toán Nhà nước triển khai thực hiện vì phải sửa các luật có liên quan hoặc ban hành nhiều văn bản hướng dẫn. Hơn nữa, theo giải trình của Kiểm toán Nhà nước, việc ký thông tư liên tịch để tăng cường công tác phối hợp với các cơ quan trong phòng, chống tham nhũng, việc xử phạt vi phạm hành chính để xử lý vi phạm của các cá nhân không phải là công chức, viên chức nên thực tế chưa phát sinh nhiều trong hoạt động kiểm toán và có thể xử lý thông qua việc ký kết các quy chế phối hợp hoặc yêu cầu cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định. Vì vậy, để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật, đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị nghiên cứu, đề xuất sửa đổi các nội dung này khi sửa đổi Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Luật Xử lý vi phạm hành chính.


Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải phát biểu

Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị bổ sung quy định mang tính nguyên tắc, giao Tổng Kiểm toán Nhà nước thẩm quyền trong việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật và xử lý vi phạm hành chính. Trên cơ sở đó, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Luật Xử lý vi phạm hành chính sẽ quy định chi tiết các nội dung liên quan. Riêng đối với quy định bổ sung nhiệm vụ giám định tư pháp cho Kiểm toán Nhà nước như dự thảo Luật là quá rộng và chồng chéo với các cơ quan, đơn vị khác và chưa cụ thể để thực hiện. Vì vậy, Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách thống nhất với Kiểm toán Nhà nước về việc đề nghị bỏ, không bổ sung vào dự thảo Luật thẩm quyền của Kiểm toán Nhà nước trong giám định tư pháp.

Vậy, có nên giao cho Kiểm toán Nhà nước thực hiện giám định tư pháp không? Về vấn đề này, Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu cho rằng, đây là xuất phát từ yêu cầu thực tế của công tác điều tra, truy tố, xét xử. Bởi, vướng mắc rất lớn hiện nay là giám định tài chính liên quan đến điều tra, truy tố, xét xử. Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng và trong Nghị quyết 18 của Trung ương cũng có nêu, giao cho Kiểm toán Nhà nước thực hiện giám định tư pháp, Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu nói. Đồng tình việc bổ sung thẩm quyền giám định tư pháp cho Kiểm toán Nhà nước, song Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đề nghị, nên đưa nội dung này vào Luật Giám định tư pháp (dự thảo Luật này sẽ được trình QH cho ý kiến vào Kỳ họp thứ Tám tới- PV).

Trong khi đó, Phó chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển đồng tình với việc không bổ sung thẩm quyền của Kiểm toán Nhà nước trong giám định tư pháp. Theo Phó Chủ tịch Phùng Quốc Hiển, quy định này sẽ liên quan từ trung ương đến địa phương, tòa án, cơ quan điều tra sẽ yêu cầu Kiểm toán Nhà nước giám định tư pháp. Nhấn mạnh, nếu Kiểm toán Nhà nước thực hiện được chức năng giám định tư pháp thì “quá tốt”, song Phó Chủ tịch Phùng Quốc Hiển cũng e ngại, nếu giao cho Kiểm toán Nhà nước thực hiện như một nhiệm vụ bắt buộc thì khối lượng công việc của Kiểm toán Nhà nước sẽ rất nặng, không đủ sức.

+ Từ phiên họp thứ 36 của UBTVQH, QH không dùng chai nhựa đựng nước uống dùng một lần mà sẽ sử dụng chai thủy tinh để dùng lâu dài và bảo vệ môi trường.

Từ Thức