Gian nan xuất khẩu lao động mùa dịch

- Thứ Năm, 26/03/2020, 07:10 - Chia sẻ
Xuất khẩu lao động phải đối mặt với rất nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội nhận định, kế hoạch đưa lao động ra nước ngoài làm việc theo hợp đồng năm nay chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng.

Hợp đồng giảm mạnh

Từ hai tháng nay, việc tuyển dụng lao động của các công ty xuất khẩu lao động gặp khá nhiều khó khăn, nhất là vào đợt dịch thứ hai, khi số lượng bệnh nhân mắc Covid-19 ở Việt Nam tăng cao. Công ty TNHH Cung ứng nhân lực quốc tế Satori là một đơn vị chuyên đưa lao động sang thị trường Nhật Bản. Hiện tiến độ và kế hoạch đưa người lao động đi theo các hợp đồng đã được ký kết đều bị đảo lộn do dịch đang có những diễn biến phức tạp. Trước Tết, mỗi tháng công ty đưa 100 - 250 lao động đi xuất cảnh, nhưng giai đoạn này công ty hạn chế đưa lao động ở mức thấp nhất có thể. Công ty chỉ đưa lao động có lịch bay, còn lại đơn hàng mới cũng không tuyển được lao động. Phó Giám đốc công ty Nguyễn Tuyết Nhung chia sẻ: “Một phần vì Nhật Bản kiểm soát chặt chẽ việc nhập cảnh, phần nữa vì Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã có khuyến cáo không đưa người lao động Việt Nam đến những nơi đang có dịch. Tất cả cũng vì sự an toàn cho người lao động”.


Nhiều thị trường xuất khẩu lao động truyền thống của Việt Nam bị tác động bởi dịch Covid-19

Trong khi đó, Trung tâm Lao động ngoài nước đã tổ chức kỳ kiểm tra tay nghề và đánh giá năng lực dành cho người lao động đăng ký dự tuyển đi làm việc tại Hàn Quốc đợt 1 năm 2020. Phó Giám đốc Trung tâm Phạm Ngọc Lan cho biết, Trung tâm đã siết chặt việc kiểm tra sức khỏe cho lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình EPS (chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài theo quy định của Luật Việc làm Hàn Quốc). Các lao động Việt Nam đi xuất cảnh trong đợt 1 đã đến Hàn Quốc an toàn. Tuy nhiên, đợt xuất cảnh lần hai (tháng 5.2020) Trung tâm sẽ nghiên cứu kỹ tùy thuộc vào tình hình dịch bệnh để quyết định. Hiện tại, lịch thi tuyển đợt 2 cũng phải tạm hoãn theo đề nghị của Cơ quan phát triển nguồn nhân lực Hàn Quốc. “Nếu dịch bệnh được khống chế tạm lắng có thể thực hiện xuất cảnh cho lao động còn nếu không, sẽ phải lùi thời gian xuất cảnh của lao động”, bà Lan nhấn mạnh.

Theo thống kê của Cục Quản lý lao động ngoài nước, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài trong 2 tháng đầu năm vẫn tăng hơn 11% so với cùng kỳ năm 2019. Tuy nhiên, những con số không phản ánh đúng thực tế tình hình bởi phần lớn đó là những đơn trúng tuyển từ cuối năm 2019 nên đã có lịch xuất cảnh từ trước.

Cục Quản lý lao động ngoài nước nhận định, kế hoạch đưa lao động ra nước ngoài làm việc theo hợp đồng năm nay chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng trong bối cảnh những thị trường truyền thống lớn như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan đang kiểm soát chặt chẽ việc nhập cảnh do dịch bệnh Covid-19. Thông thường vào thời điểm đầu năm, thị trường tuyển dụng và xuất khẩu lao động Việt Nam sang thị trường truyền thống luôn rất sôi động. Tuy nhiên, năm nay do dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, các đơn hàng sụt giảm khoảng 30 - 40%. Nhiều đơn tuyển dụng, đợt xuất cảnh lao động đều bị tạm dừng trong thời gian dịch. 

Khai phá thị trường mới

Việc các doanh nghiệp thực hiện nghiêm khuyến cáo của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tạm ngưng đưa lao động sang những vùng có dịch dù ảnh hưởng không nhỏ đến kế hoạch hoạt động của các doanh nghiệp xuất khẩu lao động nhưng đây là điều cần thiết để đảm bảo an toàn cho lao động Việt Nam. Để duy trì thị trường xuất khẩu lao động giữa tâm dịch Covid-19, các doanh nghiệp và người lao động đã có phương án khắc phục khó khăn trước mắt.

Giám đốc Công ty Cổ phần Nhân lực Quốc tế ICO Nguyễn Anh Tuấn cho biết, công ty đẩy mạnh công tác tư vấn tuyển sinh và đào tạo qua hình thức trực tuyến để tránh tụ tập đông người. Việc phỏng vấn của đơn vị tuyển dụng nước ngoài cũng sẽ thực hiện bằng hình thức này thay vì trực tiếp như trước đây. Doanh nghiệp của ông Tuấn đang làm cũng tính đến phương án điều chỉnh chỉ tiêu tuyển sinh và khai phá thị trường mới, tránh việc phụ thuộc vào một thị trường như hiện tại. Hiện không ít thị trường ở châu Âu cũng đang có thu nhập tốt trong khi nhu cầu ra nước ngoài làm việc và học tập của lao động Việt Nam vẫn còn lớn. Do đó, Công ty ICO đang đàm phán với các đối tác để ngay trong năm nay sẽ triển khai các chương trình đưa lao động sang các thị trường này vào năm 2021.

Hiện nay các nước ở khu vực Đông Á đang bùng phát dịch bệnh do SARS-CoV-2 nên doanh nghiệp rất khó khăn để đưa lao động đến khu vực này. Trong đó, Đài Loan đã thông báo dừng tiếp nhận lao động nước ngoài từ ngày 19.3 cho đến khi ổn định tình hình dịch bệnh. Đối với thị trường một số nước Trung Đông, thời gian qua do tình hình an ninh bất ổn nên Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cũng đã có văn bản yêu cầu tạm dừng, không đưa lao động trong nước sang làm việc.

Theo dự báo của Bộ, nếu tình hình dịch bệnh tiếp tục diễn biến xấu, các nước sẽ dừng tiếp nhận lao động Việt Nam. Vì vậy, giải pháp lâu dài là các địa phương, doanh nghiệp xây dựng kế hoạch đào tạo phù hợp, linh hoạt; người lao động trong thời gian chờ đợi củng cố thêm kỹ năng nghề, vốn ngoại ngữ để đáp ứng tốt hơn yêu cầu của đối tác, tạo nhiều cơ hội lựa chọn trong công việc. Đặc biệt, thực hiện tốt khâu rà soát, tổng hợp đánh giá để đào tạo nghề sát với nhu cầu thực tế; có thể linh hoạt liên kết với doanh nghiệp trong địa phương để cung ứng lao động tại chỗ.

Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước Nguyễn Gia Liêm cho biết, cục vẫn chưa điều chỉnh mục tiêu xuất khẩu lao động năm 2020 (phấn đấu đưa hơn 12.000 lao động đi xuất khẩu). Cục thường xuyên chỉ đạo các doanh nghiệp thực hiện nghiêm biện pháp phòng dịch. “Với những thị trường lớn đang chịu tác động mạnh từ dịch bệnh như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan... thì tạm thời hoãn, chuyển xuất cảnh cho lao động. Ưu tiên hàng đầu là bảo đảm sức khỏe cho người lao động”, ông Liêm nói.

Nhật Trường