Giảm tỷ lệ hút thuốc ở phụ nữ Raglai

- Thứ Bảy, 06/07/2019, 07:28 - Chia sẻ
Theo các chuyên gia, để phòng, chống tác hại của khói thuốc trong cộng đồng dân tộc Raglai, nhất là đối với phụ nữ Raglai, cần thiết phải có một chương trình hành động cụ thể; đặc biệt vận động các chức sắc tôn giáo, những người có uy tín như già làng, trưởng bản tham gia vào các hoạt động phòng, chống tác hại thuốc lá.

Tỷ lệ phụ nữ hút thuốc cao

Các chuyên gia cho biết, phụ nữ 15 - 49 tuổi trong độ tuổi sinh sản hút thuốc lá ảnh hưởng rất lớn tới sức khỏe thai nhi, đó là suy dinh dưỡng bào thai, nguy cơ dị dạng thai nhi và khi trẻ lớn lên sẽ có sức khỏe không tốt. Bởi chất Nicotine có trong thuốc lá đi qua nhau thai sẽ tác động trực tiếp đến hệ tuần hoàn, hệ dinh dưỡng của thai nhi. Ngoài nguy cơ ung thư, dị tật bẩm sinh thì tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em cao.

Theo một nghiên cứu vừa được công bố của Sở Y tế tỉnh Khánh Hòa, tỷ lệ hút thuốc lá của phụ nữ Raglai từ 15 - 49 tuổi tại 2 huyện miền núi Khánh Sơn và Khánh Vĩnh là 16,6%, cao xấp xỉ 12 lần so với tỷ lệ bình quân chung cả nước. Trong đó, phụ nữ Raglai hút thuốc lá tại huyện Khánh Vĩnh chiếm tỷ lệ cao hơn, 57,1%; còn tại huyện Khánh Sơn là 42,9%. Những phụ nữ Raglai không đi học, không theo tôn giáo nào có tỷ lệ hút thuốc cao hơn.

Tập hút thuốc lá từ khi còn nhỏ, bà Cao Thị Nga, thôn Yang Mương, xã Khánh Phú, huyện Khánh Vĩnh cho biết, đến nay 36 tuổi bà vẫn còn hút, mỗi ngày tối thiểu 1 gói thuốc. Điều đáng nói, dù đã được cán bộ y tế phân tích tác hại và khuyên không nên hút thuốc lá nhưng bà không bỏ được, bà hút kể cả lúc mang bầu và nuôi con nhỏ. Bà Nga cho hay, “hút thuốc lá đã thành thói quen, nên cuộc sống dù khó khăn, thiếu thốn, nhưng mỗi tháng vẫn để dành tiền cho việc hút thuốc lá”.

Cũng như bà Nga, nhiều người phụ nữ Raglai chia sẻ, họ hút thuốc lá từ thời con gái, thậm chí trước khi hút thuốc lá công nghiệp, người Raglai ở Khánh Sơn và Khánh Vĩnh đã tự trồng thuốc lá để hút. Cây thuốc lá có trên rẫy, có quanh nhà, hình ảnh các bà, các mẹ ngồi hút thuốc bằng điếu tẩu đã tạo nên một thói quen được cho là bình thường từ thế hệ này sang thế hệ khác. Cũng do không được học hành, nhận thức hạn chế, nên nhiều người vẫn cho rằng thuốc lá không gây hại gì cho sức khỏe. Chưa kể, với tập quán lâu đời, người Raglai quá quen với khói thuốc và họ xem điếu thuốc như là đầu câu chuyện, vì vậy mà số lượng người hút thuốc không hề giảm mà có xu hướng tăng lên.


Tỷ lệ hút thuốc của phụ nữ Raglai cao gấp 12 lần toàn quốc Nguồn: ITN

Ảnh hưởng chất lượng giống nòi

Theo nghiên cứu của Sở Y tế tỉnh Khánh Hòa, phụ nữ Raglai trong lứa tuổi từ 15 - 49 tuổi tại 2 huyện miền núi Khánh Sơn và Khánh Vĩnh có thể trạng sức khỏe thể chất tâm thần ở mức dưới trung bình. Tuy sức khỏe và thể chất của phụ nữ Raglai ở Khánh Sơn cao hơn phụ nữ ở Khánh Vĩnh, nhưng sức khỏe tâm thần của họ thấp hơn Khánh Vĩnh và biến thiên rộng hơn.

Cụ thể, điểm sức khỏe thể chất của phụ nữ Khánh Vĩnh chỉ đạt 45,51 điểm, của phụ nữ Khánh Sơn là 48,6 điểm. Còn sức khoẻ tâm thần của phụ nữ Raglai ở hai huyện Khánh Sơn và Khánh Vĩnh là khá phân tán ở mức dưới trung bình, thấp hơn cả sức khỏe thể chất. Nếu phân loại thang điểm sức khỏe thể chất và tâm thần thành 2 nhóm, nhóm dưới 50 điểm và nhóm từ 50 điểm trở lên thì kết quả phân tích cho thấy quá nửa phụ nữ Raglai huyện Khánh Sơn, có điểm sức khỏe thể chất dưới trung bình, trong khi tỷ lệ này ở Khánh Vĩnh là 68,5%.

Sở Y tế tỉnh Khánh Hòa cũng cho biết, đây chỉ là những con số điều tra trong nhóm phụ nữ Raglai từ 15 - 49 tuổi, trong khi, hầu hết phụ nữ Raglai lớn tuổi đều hút thuốc lá, nếu khảo sát mở rộng trong tất cả phụ nữ Raglai của 2 huyện thì tỷ lệ này có thể sẽ cao hơn. Kết quả này cũng lý giải được một phần nguyên nhân của hiện trạng thể lực người Raglai thấp và nhẹ cũng như tình trạng suy dinh dưỡng trẻ em ở 2 địa phương này hiện vẫn còn rất cao.

Đây là con số thật sự đáng lo ngại, bởi qua nghiên cứu đã chứng minh được những tác động trực tiếp và gián tiếp của khói thuốc lá đối với vấn đề sinh sản, sức khỏe cũng như thể chất, tâm thần trên các đối tượng hút thuốc. Thực trạng này cũng gây ra những tác động xấu đến vấn đề sinh sản, duy trì phát triển chất lượng giống nòi và chất lượng sống của đồng bào người Raglai.

Tuy nhiên, nghiên cứu cũng cho thấy, số phụ nữ không đi học hút thuốc lá nhiều hơn số phụ nữ có đi học; tỷ lệ phụ nữ theo tôn giáo hút thuốc lá thấp hơn so với phụ nữ không theo tôn giáo. Có thể thấy, vai trò của giáo dục và tôn giáo có tác động đến hành vi hút thuốc lá của họ. Như vậy, để phòng, chống tác hại của khói thuốc trong cộng đồng dân tộc Raglai, nhất là đối với phụ nữ Raglai, cần thiết phải có một chương trình hành động cụ thể; trong đó, đẩy mạnh giáo dục, xóa mù chữ, tiến tới phổ cập phổ thông trung học; vận động các chức sắc tôn giáo, những người có uy tín như già làng, trưởng bản tham gia vào các hoạt động phòng, chống tác hại thuốc lá.

Nhật Phương