Ưu đãi thuế thu nhập cho doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ

Giảm thu 9.200 tỷ đồng mỗi năm

- Thứ Sáu, 17/05/2019, 23:43 - Chia sẻ
Theo thông tin từ Bộ Tài chính, tại Phiên họp thường kỳ tháng 4.2019, Chính phủ đã đồng ý với đề xuất của Bộ về việc xây dựng dự án Nghị quyết của QH về một số chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp nhằm hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. “Các chính sách ưu đãi tại dự thảo Nghị quyết làm giảm thu ngân sách nhà nước khoảng 9.200 tỷ đồng mỗi năm”, ông Nguyễn Quốc Hưng, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế cho biết.

Doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ được thành lập mới từ hộ kinh doanh sẽ được miễn thuế thu nhập 2 năm liên tục

Theo ông Hưng, việc Bộ Tài chính đề xuất các chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ mà không bao gồm cả doanh nghiệp vừa là nhằm tránh ưu đãi dàn trải. Nhóm doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa chiếm tới trên 97% tổng số doanh nghiệp tại Việt Nam. Nếu áp dụng các chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho cả nhóm doanh nghiệp vừa thì gần như toàn bộ doanh nghiệp tại Việt Nam đều được hưởng ưu đãi. Như vậy không mang nhiều ý nghĩa nhằm ưu tiên phát triển, đồng thời có thể dẫn đến sự cạnh tranh không bình đẳng giữa doanh nghiệp vừa với các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ trong khi nhóm doanh nghiệp vừa đã sẵn có nhiều lợi thế hơn.

Đề xuất áp dụng các chính sách ưu đãi đối với doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ cũng dựa trên tính toán về khả năng, điều kiện ngân sách nhà nước trong bối cảnh hiện nay. Theo ước tính, việc đề xuất áp dụng các chính sách ưu đãi tại dự thảo Nghị quyết này đối với doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ sẽ làm giảm thu ngân sách nhà nước khoảng 9.200 tỷ đồng mỗi năm. Nếu tiếp tục mở rộng chính sách hỗ trợ tại dự thảo Nghị quyết này áp dụng cả đối với doanh nghiệp vừa có thể làm giảm thu ngân sách hơn 19.500 tỷ mỗi năm.

Tại dự thảo Nghị quyết, Bộ Tài chính đề xuất doanh nghiệp nhỏ và doanh nghiệp siêu nhỏ được áp dụng các mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp tương ứng là 17% và 15%. Cụ thể:  Áp dụng thuế suất 15% với doanh nghiệp siêu nhỏ có tổng doanh thu năm không quá 3 tỷ đồng và có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 10 người; Áp dụng thuế suất 17% với doanh nghiệp nhỏ có tổng doanh thu năm không quá 50 tỷ đồng và có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 100 người.

Đồng thời, để khuyến khích hộ kinh doanh chuyển lên doanh nghiệp, Bộ Tài chính đề xuất ưu đãi theo hướng: Miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 2 năm liên tục kể từ khi có thu nhập chịu thuế đối với doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp siêu nhỏ được thành lập mới từ hộ kinh doanh.

Ngoài ra, Bộ Tài chính đề xuất áp dụng phương pháp tính thuế đối với doanh nghiệp siêu nhỏ theo nguyên tắc sau: Doanh nghiệp siêu nhỏ phải thực hiện hạch toán doanh thu, chi phí và khai, nộp thuế theo phương pháp xác định thu nhập. Trường hợp doanh nghiệp siêu nhỏ có tổng doanh thu năm không quá 3 tỷ đồng và có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 10 người, xác định được doanh thu nhưng không xác định được chi phí, thu nhập của hoạt động sản xuất, kinh doanh thì kê khai nộp thuế thu nhập doanh nghiệp theo tỷ lệ % trên doanh thu bán hàng hóa, dịch vụ. “Với quy định này, doanh nghiệp siêu nhỏ, đặc biệt là các doanh nghiệp được thành lập mới từ hộ kinh doanh, nếu không thể xác định được thu nhập thì vẫn có thể áp dụng phương pháp tính thuế thu nhập doanh nghiệp theo tỷ lệ trên doanh thu (hiện nay cũng được áp dụng thu thuế thu nhập cá nhân theo tỷ lệ trên doanh thu). Trường hợp xác định được doanh thu, chi phí và thu nhập thì phải thực hiện tính thuế thu nhập doanh nghiệp theo phương pháp xác định thu nhập”, ông Nguyễn Quốc Hưng, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế cho biết.

H. Lan